Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách hỗ trợ nông nghiệp- bước đột phá trong phát triển kinh tế
Bài 2: Vướng một số chính sách
Chủ nhật: 23:22 ngày 12/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Trung ương sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân tuốt lá mãng cầu cho vụ mới.

Trong giai đoạn 2016-2021, HĐND tỉnh ban hành 8 nghị quyết về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 quyết định và 2 văn bản hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu ban hành 1 quyết định. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chậm được triển khai sau khi được HĐND tỉnh thông qua. 

Đối với chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc về việc đáp ứng các điều kiện hỗ trợ như: phải có hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản với nông dân; có dự án được UBND tỉnh phê duyệt; phải bảo đảm quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn theo hướng tập trung sản xuất tương ứng với 7 nhóm cây trồng theo quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà đầu tư muốn thụ hưởng chính sách phải đáp ứng các điều kiện hỗ trợ như: phải có hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản với nông dân; quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung sản xuất trong một khu vực và đạt diện tích tối thiểu đối với nhóm cây ăn quả là 10 ha theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND và có dự án được UBND tỉnh phê duyệt. Thực tế rất ít hộ đáp ứng đủ điều kiện như trên để thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 11.5.2017 của UBND tỉnh thời gian ngắn, (hơn 2 năm) từ ngày 21.5.2017 đến ngày 7.7.2019, nên rất ít dự án tham gia; công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng đến từng hộ nông dân.

Đối với chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Trong quá trình triển khai cũng gặp những khó khăn về việc đáp ứng các điều kiện hỗ trợ như: quy định hỗ trợ giống, vật tư thông qua dịch vụ tập trung của HTX, nhưng doanh nghiệp thì thường ký hợp đồng trực tiếp với nông dân không qua HTX nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.

Mặt khác, chính sách quy định phải có hợp đồng liên kết bảo đảm ổn định thời gian tối thiểu 5 năm đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi trồng, khai thác trên 1 năm và 3 năm đối với các sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi trồng, khai thác dưới 1 năm. Thực tế qua rà soát của các địa phương, rất ít đối tượng đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như trên nên số lượng dự án tham gia còn hạn chế.

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy có dự án gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý để thẩm định giống do định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh đến nay chưa được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Hà Chí Mãng- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) cho biết, một số chính sách mà Nhà nước hỗ trợ cho HTX chưa được triển khai nhanh chóng và kịp thời, khi thực hiện thì phát sinh những vướng mắc về thủ tục, khó tiếp cận, cho nên HTX luôn thiếu nguồn lực, động lực để phát triển.

Ông Trịnh Văn Dững- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp - chăn nuôi bò sữa Bền Vững kiến nghị, Nhà nước sớm quan tâm giải quyết đề án hỗ trợ chăn nuôi bò sữa để các thành viên tiếp tục đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với mô hình chăn nuôi bò sữa từ 10 con trở lên, hỗ trợ 5% lãi suất/năm, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn này, HTX mong muốn Nhà nước xem xét nới lỏng những quy định để người dân dễ dàng tiếp cận, phát triển bò sữa trên địa bàn huyện.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách hỗ trợ liên kết mang tính tập thể nên việc hỗ trợ phải thông qua dịch vụ tập trung của HTX gây khó khăn trong quá trình thực hiện nếu doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng liên kết với nông dân; những quy định trong hợp đồng liên kết có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia nên thường không hoàn chỉnh được hồ sơ theo quy định để hưởng chính sách hỗ trợ.

Dự án liên kết có nhiều đối tượng tham gia như: doanh nghiệp, HTX, nông dân, trên địa bàn nhiều huyện, có nhiều hạng mục cần xem xét thẩm định hỗ trợ như: giống, vật tư, bao bì, cơ sở hạ tầng dự án; riêng đối với dự án có đề nghị hỗ trợ cơ sở hạ tầng thì phải thực hiện theo quy trình đầu tư công nên mất nhiều thời gian để thẩm định, trình phê duyệt dự án.

Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Nhìn chung, chính sách hỗ trợ lãi vay thực hiện tương đối tốt, được hỗ trợ vốn nên các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, do thị trường nông sản giá cả không ổn định, khi giá xuống thấp, một số nhà đầu tư thu hẹp quy mô, không còn vay vốn để hưởng hỗ trợ dự án như: dự án trồng dưa lưới của ông Nguyễn Thành Kỉnh, xã An Bình, huyện Châu Thành hoặc không thực hiện chứng nhận VietGAP nên chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ như dự án trồng mít của bà Trịnh Thị Lộc, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

Nhà đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi thực hành nông nghiệp tốt (nuôi heo, gà) muốn được thụ hưởng chính sách lãi vay nhưng không đáp ứng điều kiện về vật nuôi, vì quy định của chính sách chỉ hỗ trợ nuôi bò.

Mặt khác thời gian phê duyệt đến khi giải ngân kéo dài cũng gây khó khăn trong tiếp cận vốn hỗ trợ cho nhà đầu tư khi tham gia dự án.

Ông  Võ Văn Hoa Vinh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tân Châu kiến nghị tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 đến các hợp tác xã trên địa bàn huyện biết thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quảng bá hình ảnh của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào nông nghiệp để liên kết sản xuất với nông dân hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025 hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

Tiếp tục thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách, trong đó nêu cụ thể kinh phí thực hiện làm cơ sở để xây dựng dự toán hằng năm theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Trung ương sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục