Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu.

Tháng 9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng và dân tộc ta. Đọc điếu văn tại lễ truy điệu Người, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu. Người nói: “Nước ta là một, dân tộc ta là một”. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến.
Vĩnh biệt Người chúng ta thề:
Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người”.
Năm 1970, vào dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn viết tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”.
Tác phẩm đã tổng kết một cách sâu sắc lịch sử cách mạng của Đảng ta 40 năm qua, từ đó, đúc kết thành những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tác phẩm viết: “Lịch sử 40 năm qua của Đảng ta và nhân dân ta là lịch sử đấu tranh cách mạng rất vẻ vang. Đó là lịch sử của nhiều cao trào cách mạng liên tục và nhiều cuộc khởi nghĩa anh dũng, cao trào cách mạng 1930-1931, cao trào cách mạng 1936-1939, cao trào cứu nước 1940-1945 đưa cả nước đến thành công của Cách mạng tháng Tám.
Đó là lịch sử tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ một dân tộc anh hùng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nhằm hoàn thành giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là lịch sử thực hiện hai cuộc cách mạng lớn của thời đại: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí Lê Duẩn với các chiến sĩ phòng không Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh B52 Mỹ.
Tác phẩm chứng minh một cách khoa học rằng: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, điều quan trọng trước hết là phải xác định đúng phương hướng và mục tiêu chiến lược chung cũng như phương hướng và mục tiêu cụ thể cho mỗi thời kỳ.
Song, bằng con đường nào, với những hình thức và biện pháp gì để thực hiện phương hướng và mục tiêu đã định, vấn đề này không kém phần quan trọng so với việc định ra bản thân phương hướng và mục tiêu.
Kinh nghiệm cho thấy phong trào cách mạng có khi dẫm chân tại chỗ thậm chí thất bại nữa, không phải vì thiếu phương hướng và mục tiêu rõ ràng mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng thích hợp”.
Xuất phát từ kết luận khoa học ấy, tác phẩm đã đề ra một cách sáng tỏ và đầy sức thuyết phục, cả về đường lối, phương pháp, những mục tiêu và nhiệm vụ cho cả hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Ba năm 1970, 1971 và 1972 là ba năm diễn ra cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa ta và địch trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán.
Từ tháng 7.1970, trong thư gửi anh Bảy Cường (Phạm Hùng) và Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Từ khi lên cầm quyền, Richard Milhous Nixon vẫn phải tiếp tục xuống thang chiến tranh, nhưng tỏ ra rất ngoan cố. Rõ ràng chính quyền Nixon “phi Mỹ hoá chiến tranh” nhưng lại tích cực “Việt Nam hoá chiến tranh”.
Xuống thang chiến tranh không phải để chấm dứt chiến tranh mà để rút bớt quân số, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện kéo dài chiến tranh. Xuống thang chiến tranh nhưng lại xuống thang trên thế mạnh; vừa rút từng bước quân Mỹ, vừa ráo riết tăng cường nguỵ quân, nguỵ quyền, vừa xuống thang vừa phản công lại ta, vừa xuống thang vừa muốn giành thắng lợi quân sự”.
Mở mặt trận ngoại giao
Sự sáng suốt và nhạy bén của Bí thư thứ nhất và Trung ương Đảng thể hiện nổi bật trong việc chỉ đạo kết hợp một cách chặt chẽ cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự chính trị và ngoại giao, vừa đánh thắng địch trên chiến trường (qua các chiến dịch Đông Xuân 1970-1971 và 1971-1972) vừa dùng sức ép ngoại giao trên bàn đàm phán để làm phá sản chiến tranh Việt Nam hoá và buộc Mỹ phải chấp nhận ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam vào tháng 1.1973.
Ngày 12.10.1972, ngay sau khi ta và Mỹ đạt được thoả thuận về bản dự thảo Hiệp định, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam, nêu rõ tinh thần cơ bản của giải pháp là: “Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chấm dứt chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút hết quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự của Mỹ và của phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, phá bỏ tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi sự dính líu về quân sự ở Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Đó là thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta”... Đồng chí nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của ta khi công bố Hiệp định, đặc biệt nhấn mạnh việc phát động và “tập hợp quần chúng thành những lực lượng chính trị mạnh mẽ, đẩy lên một cao trào hành động cách mạng rộng khắp” mục tiêu chủ yếu là để “chiếm lĩnh nông thôn, giành chính quyền ở xã ấp, kể cả vùng ven đô thị, và một số cơ sở trong thành phố”, việc gấp rút củng cố vùng căn cứ của ta, xây dựng các căn cứ địa chiến lược, nắm chắc các lực lượng vũ trang, tiếp tục củng cố và tăng cường ba thứ quân, v.v…
Do sự lật lọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhân dân ta còn trải qua một cuộc đọ sức quyết liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng, lập nên một Điện Biên Phủ trên không thì địch mới chịu ký kết Hiệp định mà nội dung cơ bản không có thay đổi gì nhiều so với bản Dự thảo tháng 10.1972. Những chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn về những nhiệm vụ cấp bách cho miền Nam vẫn giữ nguyên giá trị.
Tròn ba tháng sau khi Hiệp định được ký kết, toàn bộ quân Mỹ và đồng minh của Mỹ đã phải rút khỏi miền Nam, đánh dấu thời kỳ đất nước ta sạch bóng quân thù sau hơn 100 năm bị Pháp và Mỹ xâm lược.
Tuy nhiên, từ sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Đảng đã dự kiến hai khả năng: hoặc là hoà bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam sẽ có những bước phát triển mới; hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục.
Tháng 5.1973, Bộ Chính trị nhận định, tình hình miền Nam sau mấy tháng thi hành Hiệp định đã cho thấy xu hướng phát triển theo khả năng thứ hai. Tiếp đó, tháng 7.1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khẳng định: Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Những bài viết và bài nói của đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ này đều thể hiện sâu sắc tinh thần chỉ đạo ấy của Trung ương, nhất là giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Tháng 7.1974, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã họp liền hai đợt (tháng 10 và tháng 12) để thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Ngày 10.10.1974, trong thư gửi đồng chí Bảy Cường (Phạm Hùng) về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị (đợt I), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã phân tích toàn diện tình hình miền Nam và viết: “Xét tất cả các mặt nói trên, chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác”. “Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ giờ phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976”.
Việt Đông
(còn tiếp)