Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp uỷ phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến cũng như những việc làm sáng tạo của đảng viên, của cấp dưới; lắng nghe các ý kiến khác nhau trước khi quyết định; thực hiện dân chủ tập thể trong công tác cán bộ.
Phần thứ ba của bài viết, Tổng Bí thư đề cập đến những khó khăn, thách thức của nước ta trước những biến động của tình hình thế giới, như xung đột, thiên tai, dịch bệnh. Ngoài việc đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, tác giả bài viết - người lãnh đạo cao nhất của Đảng dành nhiều tâm huyết để nói về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, dân là gốc.
Tổng Bí thư yêu cầu, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc xây dựng Đảng
Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
“Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” - tác giả viết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên họp sáng 20.11.2023, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
“Loại bỏ những người sa vào tham nhũng”
“Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn” - Tổng Bí thư nêu yêu cầu về công tác cán bộ. Để ngăn chặn tiêu cực, thực hiện tốt công tác cán bộ, cần tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một bài viết từ năm 2004, tức cách nay tròn 20 năm, bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tại thời điểm đó, tác giả viết: “Một mặt, phải thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của đảng viên, có quy chế, quy trình để đảng viên tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp uỷ phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến cũng như những việc làm sáng tạo của đảng viên, của cấp dưới; lắng nghe các ý kiến khác nhau trước khi quyết định; thực hiện dân chủ tập thể trong công tác cán bộ.
Mặt khác, phải đấu tranh với những khuynh hướng dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, muốn lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, bè phái, mị dân, theo đuôi quần chúng lạc hậu. Dân chủ chân chính không thể có được nếu thiếu tập trung, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm”.
Có điều kiện tìm hiểu, chịu khó đọc sẽ thấy, không phải đến lúc giữ trọng trách cao nhất của Đảng, từ những năm 80 của thế kỷ XX, trong vai trò một nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết viết về công tác cán bộ. “Phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đoạ, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu. Hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá, hư hỏng có chiều hướng tăng lên và ngày càng nghiêm trọng. Nhìn thẳng vào sự thật đó, chúng ta phải làm trong sạch hàng ngũ của Đảng. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tăng cường được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng”. Những đoạn văn nêu trên được viết ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, tức cách nay trên dưới 40 năm nhưng rõ ràng, tính thời sự, tính cấp bách của vấn đề vẫn còn nóng hổi.
Tránh giáo điều, cứng nhắc
Theo dõi, đối chiếu với những gì đang diễn ra, đặc biệt từ khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến nay, Tổng Bí thư chứng minh rằng, lời nói và việc làm của ông luôn nhất quán. Thêm một luận cứ để chứng minh giữa “kiên định và đổi mới” là, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc bấy giờ chưa giữ trọng trách người đứng đầu Đảng) đã viết: “Trong khi kiên định mục tiêu lý tưởng, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, Đảng đồng thời nhấn mạnh phải có ý thức sáng tạo, luôn luôn sáng tạo, dám từ bỏ những cái cũ không còn thích hợp, cả trên lĩnh vực kinh tế cũng như trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, cả đối nội và đối ngoại. Đảng chủ trương giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, tập trung sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói cách khác, Đảng đã nắm vững nguyên tắc và phương pháp biện chứng duy vật, không phiến diện, cực đoan, hoặc giản đơn từ cực này nhảy sang cực kia”.
Có ý kiến đánh giá, bài viết dài hơn mười ba ngàn chữ của Tổng Bí thư công bố đúng dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng như một cương lĩnh mới của Đảng, một lời hiệu triệu gửi đến đồng bào cả nước. Hệ thống luận điểm trong bài viết cho thấy, các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đều được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, gồm: (1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; (2) Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (6) Quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; (7) Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (8) Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Tại Đại hội XII, Đảng bổ sung mối quan hệ thứ 9: “Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường”. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, “mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường” được bổ sung thêm yếu tố “xã hội” và hoàn thiện thành “mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII bổ sung quan hệ lớn thứ 10: quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
“Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.
Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” - trích bài viết của Tổng Bí thư.
Việt Đông