Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay
Bài 3: Gieo trồng giá trị nhân văn, nhân đạo
Thứ sáu: 13:53 ngày 16/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một định hướng chính trị - xã hội của thời đại mang tính triết học nhân văn sâu sắc.

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh “đã gieo những hạt giống cho cuộc đấu tranh cách mạng ở tất cả những nơi mà ở đấy nhân dân đang bị áp bức, bóc lột. Người đã thành công trong việc gieo trồng những giá trị văn minh nhất, nhân đạo nhất trong tâm tư của mỗi người công dân Việt Nam. Chắc chắn Người cũng là vị lãnh tụ xã hội chủ nghĩa của nhân đạo, văn minh, vĩ đại nhất chưa từng có trong thời đại chúng ta” (theo nhà báo nữ Laila Enghebali, báo Cộng hoà của nước Cộng hoà Arab thống nhất).

Hồi sinh một dân tộc

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một định hướng chính trị - xã hội của thời đại mang tính triết học nhân văn sâu sắc. Nó hoàn toàn không phải là một học thuyết (doctrine) có mục đích thực dụng của một tầm nhìn ngắn mà là một chủ nghĩa cách mạng nhân văn (Human Revolutionism) sâu sắc có tầm nhìn xa của thời đại tựa như chủ nghĩa Tam Dân (Tridemism) và chủ nghĩa Ghandhi (Gandhism) ở châu Á trước đây. Người sáng lập ra chủ nghĩa Hồ Chí Minh (Hochiminism) là Chủ tịch Hồ Chí Minh - một vĩ nhân của thế giới được tổ chức UNESCO phong danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” - GS Mạc Đường đánh giá.

Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ảnh: Đ.H.T

Nhà báo Pháp J.Lacuture viết: Hồ Chí Minh đã “làm hồi sinh một dân tộc, thiết lập nên một quốc gia tiến hành hai cuộc chiến tranh của nhân dân bị áp bức. Cuộc chiến tranh của Hồ Chủ tịch chống nước Pháp xâm lược đã làm tan rã một đế quốc thực dân. Cuộc chiến tranh chống nước Mỹ xâm lược nói lên rằng, đứng trước con người, sức mạnh kỹ thuật vẫn có giới hạn”. Nhà sử học Mỹ J. Archer viết: “Cụ Hồ đã đánh gục mọi kẻ thù của mình: Pháp, Nhật, Mỹ và chế độ Sài Gòn. Mục đích của Cụ là làm thay đổi chiều hướng của lịch sử”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, thế giới mới bừng tỉnh, nhân loại đã mất đi một con người vĩ đại, “một nhân vật thần thoại, một trong những vị lãnh tụ vĩ đại nhất của Cuộc đấu tranh giải phóng và của sự vùng dậy tại châu Á trong thời kỳ hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực chất là một chủ nghĩa chính trị - xã hội và triết học vì sự đổi mới chiều hướng phát triển lịch sử dân tộc, vì hạnh phúc của cộng đồng và vì quyền sống tự do của con người. Nó đã nhóm lên ngọn lửa hy vọng và tin tưởng mới trong lòng nhân dân khắp thế giới” (theo báo Rạng đông ở Pakistan). “Tự do, dân chủ, chủ nghĩa xã hội. Đó là di sản của Cụ Hồ Chí Minh. Chính tinh thần cách mạng đó sẽ tồn tại mãi mãi và xứng đáng tồn tại mãi mãi” (theo tuần báo Ánh điện của Ấn Độ).

Lời hiệu triệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết nhân ngày thống nhất và thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (viết ngày 18.2.1930). Ảnh: Đ.H.T

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh là “một bản anh hùng ca Việt Nam thu hút được lòng yêu mến của hàng trăm triệu người trên thế giới, nó tập trung được tất cả những gì đặc biệt của cả một lớp nhân loại khác thường. Đó là lớp nhân loại luôn luôn sống tươi trẻ lành mạnh, không vụ lợi, một lớp nhân loại biết nuôi dưỡng và thúc đẩy trí tuệ của cách mạng, làm cho cách mạng phát triển một cách chín chắn và biết đấu tranh bằng những hình thức khác nhau’’ (theo báo Đoàn kết, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Italia).

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh có thể giúp cho con người tìm thấy “những điều mà mình hằng mong ước, những giá trị mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khát khao vươn tới” (Phạm Văn Đồng) cho tất cả những ai dù khác nhau về thế giới quan và nhân sinh quan, miễn sao không phải là bọn xâm lược, bóc lột và tay sai của chúng.

Độc lập và tự do cho mọi người

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh chỉ ra cho nhân loại bị áp bức trong thời hiện đại một quan niệm sinh tồn: đó là phải sống trong môi trường độc lập cho dân tộc, tự do cho mọi người sống theo chính nghĩa và luật pháp, thịnh vượng cho xã hội, dân có quyền làm chủ đất nước, gia đình và mỗi cá nhân được sống trong quan hệ bình đẳng và hạnh phúc. Xã hội thịnh vượng, cộng đồng bình đẳng, gia đình và cá nhân hạnh phúc ngày càng nhiều và mãi mãi. Đó là quan điểm của chủ nghĩa Hồ Chí Minh về tổ chức và phát triển quan niệm sinh tồn trong xã hội hiện đại.

Tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) là một công trình phân tích xã hội thuộc địa Pháp sát thực và đanh thép và tác phẩm “Đường Kách mệnh” là một công trình khoa học phân tích chức năng của một tổ chức cách mạng nhằm đạt tới những thắng lợi cuối cùng vì mục tiêu độc lập và tự do cho dân tộc. Chúng ta cũng có thể nhận ra những giá trị định tính và định lượng của sự phân tích xã hội và phân tích chức năng trong Tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chủ nghĩa Hồ Chí Minh cũng đã vạch ra một quan niệm sinh tồn trong không gian của chủ nghĩa xã hội mà ta có thể nghiên cứu trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ muốn chứng tỏ mình là một nhà lý luận theo cách biện luận lý thuyết mà muốn cô đọng lý thuyết thành những đoạn văn giản dị, dễ hiểu nhất để biến lý thuyết thành một loại vũ khí cách mạng mà toàn dân có thể nắm lấy trong tay để chiến đấu giành lại quyền sống vốn có và xây dựng một quyền sống mới cho tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân quyền cao quý và đầy đủ nhất của thời đại mà chúng ta cần nghiên cứu, áp dụng để tạo nên những tiến bộ xã hội trong sự tác động của toàn cầu hoá đang diễn ra ở nước ta. Cái khó nhất và sáng tạo nhất của nhà nghiên cứu là tìm ra và phát hiện cho được trong hành vi đời thường của Người những biểu hiện cô đọng của lý thuyết chính trị học và triết học về một chủ nghĩa cách mạng nhân văn trong thời đại của chúng ta.

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh là một chủ nghĩa triết học về nhân cách và ứng xử (The phylosophy of personality and behavorism). Tư tưởng triết học này nặng về kỹ năng sống trong cuộc sống thường ngày mà Hồ Chí Minh đã ứng xử. Đó là những hành động nghĩ nhiều về người khác, về những người nghèo khổ, cuộc sống giản dị, thanh bạch, khiêm nhường, khoan dung, về cuộc sống trí tuệ và thơ ca, về tấm lòng rộng mở đoàn kết với bạn bè và nhân dân. Nhưng, với mọi gian khổ khó khăn, với tất cả những kẻ thù hung ác của dân tộc, chủ nghĩa Hồ Chí Minh đã dạy ta phải bền chí, kiên trì, khéo léo, thông minh và dũng cảm vượt qua để chớp lấy thời cơ, chiến thắng kẻ thù, xoá hết khổ đau cho mọi người.

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh chỉ ra một phương thức ứng xử tuyệt vời trong thế giới người với người trong xã hội. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Chủ nghĩa Hồ Chí Minh là một dòng lý thuyết triết học nhân văn hiện đại với nhiều chủ thuyết thực tiễn khác nhau mà ta cần tìm hiểu và kiên trì nghiên cứu. Giá trị của chủ nghĩa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà và chặt chẽ giữa chính trị học hiện đại với triết học hành động hiện đại. Do đó, người nghiên cứu không có nhiều những tác phẩm biện luận lý thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà phải tìm tòi, sáng tạo trong những hành động của Người theo định hướng tư duy lý thuyết.

Trong những năm gần đây, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một hành động xã hội của nhiều người Việt Nam làm theo chỉ dẫn của Người và thực sự đang trở thành một phong trào xã hội (social movement) lan toả khắp nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một chủ nghĩa chính trị - triết học nhân văn của thời đại xuất phát từ Việt Nam, đang tồn tại, lan toả ở Việt Nam và một số nước khác ở châu Mỹ La tinh đang có định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Ở đó nhân dân và chính quyền địa phương đã dựng tượng đài, đặt tên trường học, tên đường phố... để hướng theo một chủ nghĩa chính trị - triết học nhân văn hiện đại mà người đã sáng lập ra.

Chủ nghĩa Hồ Chí Minh giúp ta hoàn chỉnh nhân cách của con người trong xã hội và giúp cho xã hội phát triển một xã hội dân sự toàn diện. Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI đã trở thành một chủ nghĩa chính trị - xã hội và triết học nhân văn mang tính chất khoa học ứng dụng (applied science) và nó xứng đáng là một dòng chính trị học và triết học nhân văn hiện đại.

Việt Đông

(Còn tiếp)

 

Tin cùng chuyên mục