Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hợp tác xã nông nghiệp: Cần chú trọng thực chất
Bài 3: Nhập nhằng “công - tư” ở một hợp tác xã
Chủ nhật: 23:42 ngày 01/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói, HTX Việt Hàn hình thành, được đầu tư, trang bị và có nhiều điều kiện thuận lợi “đáng mơ ước” đối với các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, HTX này bộc lộ nhiều vấn đề bất cập về khâu quản lý, về hiệu quả hoạt động, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra ban đầu.

Sản xuất ở vùng dự án trồng lúa chất lượng cao ấp Voi, xã An Thạnh vẫn còn manh mún.

Thực hiện dự án xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao ở ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao Việt Hàn được thành lập vào giữa năm 2016 với định hướng là một HTX nông nghiệp “kiểu mẫu”.

Có thể nói, HTX Việt Hàn hình thành, được đầu tư, trang bị và có nhiều điều kiện thuận lợi “đáng mơ ước” đối với các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, HTX này bộc lộ nhiều vấn đề bất cập về khâu quản lý, về hiệu quả hoạt động, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra ban đầu.

HTX “mạnh ai nấy làm”

Lúc mới thành lập, HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao Việt Hàn có 14 thành viên (hội đồng quản trị 3 người, 1 kiểm soát viên), vốn điều lệ ban đầu là 134 triệu đồng. HTX dự kiến trong năm 2017 sẽ tăng vốn điều lệ lên 300 triệu đồng nhưng cho đến gần đây- thời điểm mà HTX gần như “giải thể”, không còn hoạt động khoảng 2 năm nay, tổng vốn điều lệ chỉ hơn 230 triệu đồng.

Theo một báo cáo mà chúng tôi thu thập được, tổng thu của HTX từ khi thành lập đến khi tạm dừng hoạt động vào giữa năm 2018 là 460 triệu đồng nhưng tổng chi đã hơn 473 triệu đồng (chi mua sắm, sửa chữa tài sản máy móc).

Ông Lê Văn Nên- Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết, từ khi được thành lập đến tháng 7.2018, HTX hoạt động tương đối ổn định. Ðến trung tuần tháng 7.2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị bị tai nạn giao thông nên hoạt động HTX bị ngưng trệ, không có người thay thế với lý do tài chính góp vốn cổ đông chưa rõ ràng nên “không ai dám” tiếp quản.

Thời gian qua, UBND xã An Thạnh đã thành lập tổ quản lý tài sản được đầu tư từ cấp trên cho HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao Việt Hàn. Khi nào HTX hoạt động thì tổ mới cho mượn tài sản để sử dụng. Tổng tài sản do cấp trên đầu tư gồm: Ðê bao ngăn lũ dài gần 5,6 km, 2 máy bơm thuyền, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 nhà kho và sân phơi có diện tích 2.300m2, hệ thống đường điện 3 pha dài 1,5km phục vụ cho trạm bơm, 1 máy cấy, 1 máy trộn hạt.

Theo ông Nên, từ khi được thành lập đến khi ngừng hoạt động, HTX Việt Hàn chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia. Hoạt động của HTX còn gặp một số khó khăn, “trục trặc” như chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nên đầu ra sản phẩm của thành viên chưa được lợi nhuận như mong muốn. Trong khi đó, nội bộ HTX có lúc chưa thống nhất về việc điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, dịch vụ…

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm- kiểm sát viên HTX Việt Hàn, từ khi thành lập đến khi ngừng hoạt động, HTX chưa tổ chức thực hiện dịch vụ đầu vào (hỗ trợ cung ứng phân bón, giống, vật tư nông nghiệp…) cho thành viên.

Dịch vụ duy nhất mà HTX thực hiện là sử dụng máy gặt đập liên hợp vào việc thu hoạch lúa thuê; sử dụng máy cấy đi cấy thuê cho thành viên và nông dân ngoài HTX. Tuy nhiên, quá trình quản lý tài chính của HTX không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng kế toán HTX (đã nghỉ việc) gian lận về số thu nhằm tư lợi.

Ông Tâm cho biết, thành viên HTX không đồng tình với cách làm ăn, quản lý nhập nhằng, không minh bạch của cán bộ chủ chốt HTX. Tài sản chung và tài sản riêng (máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp) không tách bạch, dẫn tới nguồn thu không rõ ràng. Gọi là HTX, là mô hình kinh tế tập thể nhưng thực chất thì gần như “mạnh ai nấy làm”.

Hơn 200 triệu đồng ngân sách “đi đâu”?

Gần đây, ông Tâm tình cờ được biết, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa SRI và cơ giới hoá khâu cấy, bón phân, phun thuốc tại xã An Thạnh.

Tuy nhiên, ông Tâm cho biết ông và các thành viên HTX “không hay biết gì” về mô hình này, vì Giám đốc HTX Việt Hàn không công khai thông tin đến mọi người. Trong khi đó, ông Ð.C.S - với tư cách là Giám đốc HTX đã ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại số tiền trên 200 triệu đồng.

Theo hồ sơ mà người viết thu thập được, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình khuyến nông Trung ương “Mô hình sản xuất lúa SRI và cơ giới hoá khâu cấy, bón phân, phun thuốc” tại vùng đê bao ấp Voi, xã An Thạnh.

Ông S đã lấy tư cách Giám đốc HTX Việt Hàn, là “đại diện cho 50 hộ dân được chọn tham gia mô hình” ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông để nhận tiền hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, bình phun động cơ và máy cấy với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng (theo bản thanh lý hợp đồng là gần 221 triệu đồng).

Ðáng chú ý là trong hợp đồng và bản thanh lý hợp đồng có ghi rõ: “Bên B (HTX Việt Hàn - PV) có trách nhiệm công khai việc quản lý và sử dụng máy, thiết bị được hỗ trợ đến tất cả xã viên trong hợp tác xã; máy, thiết bị được hỗ trợ ưu tiên phục vụ cho hoạt động sản xuất của hợp tác xã”.

Máy móc, thiết bị do HTX Việt Hàn sử dụng được bảo quản ở nhà kho.

“Bản thân tôi là kiểm sát viên hợp tác xã mà không hề được biết gì về chương trình hỗ trợ này. Gần đây, tôi có hỏi các thành viên và kế toán hợp tác xã thì được trả lời là họ cũng mới nghe loáng thoáng nên không nắm được chương trình này là chương trình gì, Nhà nước hỗ trợ ra sao.

Năm 2017, chúng tôi có thấy ông S đem về hợp tác xã 1 máy cấy và 10 bình phun động cơ. Ông S cho biết đây là tài sản do ông mua. Sau đó không lâu thì ông bán hết số máy móc, thiết bị này.

Không biết ông bán máy cấy được bao nhiêu tiền, nhưng theo tôi được biết thì bình xịt động cơ được ông bán cho nông dân với giá ba triệu mốt một bình. Mãi về sau này chúng tôi mới được biết số tài sản trên do ông S mua có sử dụng tiền của Nhà nước hỗ trợ”.

Ông Tâm cho rằng, HTX Việt Hàn hoạt động không hiệu quả, không thu hút được nhiều thành viên tham gia là do người đứng đầu điều hành hoạt động của HTX chưa tạo được sự tín nhiệm của nông dân và mập mờ về tài sản, tài chính.

Từ khi thành lập cho tới khi ngừng hoạt động, HTX không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra dù có nhiều điều kiện thuận lợi. HTX cũng bị mang tai tiếng là làm ăn “chụp giật”, khiến nông dân không hài lòng nên cho dù có “năn nỉ” họ cũng không vào HTX.

Ông Tâm đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan làm rõ vấn đề tài chính, tài sản và vốn điều lệ của HTX Việt Hàn, trong đó có số tiền trên 200 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa SRI và cơ giới hoá khâu cấy, bón phân, phun thuốc năm 2017.

Bảo Tâm

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục