Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch-những vấn đề cần quan tâm
Bài 3: Triển vọng xuất, nhập khẩu
Thứ tư: 00:46 ngày 06/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh căng mình chống dịch. Dịch bệnh đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khoẻ và tính mạng của nhân dân.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam (Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng).

Với tinh thần và phương châm “chống dịch như chống giặc”; “bảo vệ sức khoẻ người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát tình hình thực tiễn, sớm đề ra chiến lược vaccine phù hợp, từng bước khống chế dịch bệnh.

Quyết liệt phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh

Tại Tây Ninh, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo Sở Công Thương, từ ngày 12.9, tỉnh đã chuyển biện pháp áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Trong tháng 9, chỉ số sản xuất chỉ tăng 13,4% so với tháng 8.2021, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quay lại sản xuất vì không bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.

Trong tháng 9, các ngành kinh tế có chỉ số sản xuất tăng gồm: khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải%; một số sản phẩm công nghiệp tăng mạnh, như bột mì, giày các loại, quần áo các loại, vỏ ruột xe, xi măng. Riêng phân ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,95%.

Thời gian qua, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các mặt hàng như may mặc, thuỷ sản, gỗ, cao su… Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt hơn 714 ngàn tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 48,2% về lượng và tăng 88,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm 68,8% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, với 491 ngàn tấn, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu khá nhiều chủng loại cao su từ Việt Nam, nhưng chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Cao su xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan… đều tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.

Ước tính xuất khẩu cao su trong 7 tháng năm 2021 đạt 914 ngàn tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời tăng 17,2% về lượng và tăng 42,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019- thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Chế biến cao su xuất khẩu là một trong những thế mạnh của Tây Ninh từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Những năm qua, giá mủ cao su giảm mạnh và thiếu ổn định, thu nhập từ trồng cao su không có lãi, nhiều người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch mà các đơn hàng bị cắt giảm, giảm giá thành nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Dự báo, xuất khẩu cao su trong những tháng tới có khả năng tăng trưởng chậm do nhu cầu cao su của Trung Quốc- thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam đang chững lại.

Đại diện Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, năm 2021, công ty tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, từ năm 2021, công ty không còn được miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản. Chi phí đầu tư đối với vườn cây kiến thiết cơ bản từ năm 2021 trở đi sẽ tăng cao, cả kể vườn cây tái canh năm 2020 trở về trước.

Đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, theo nhận định của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trên thế giới, tốc độ tăng trưởng bình quân trong xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam rất cao: 25,4%/năm, với trị giá xuất khẩu bình quân đạt 5,64 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2015-2020. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn năm 2015-2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ghế khung gỗ có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 2 tỷ USD, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất văn phòng với kim ngạch đạt 404 triệu USD, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2020. Cả 2 mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2021, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, trừ mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ.

Theo Công ty TNHH MTV gỗ Khang Đạt Việt Nam (Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III, thị xã Trảng Bàng), các sản phẩm xuất khẩu từ gỗ của công ty gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, việc hạn chế di chuyển trong tình hình dịch bệnh làm công ty không thể giao hàng; vật liệu nhập khẩu tới cảng nhưng không thể về kho, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất bằng cách cắt giảm 30% - 50% quy mô sản xuất.

Đẩy mạnh xuất, nhập khẩu sang các thị trường tiềm năng

Theo Sở Công Thương, các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hoá của Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn. Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, qua đó, các hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khối thị trường ASEAN đạt 35 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Có 3 mặt hàng lớn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường ASEAN đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện máy móc, thiết bị, phụ tùng khác. Ngoài ra, có một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường ASEAN trong 6 tháng đầu năm là hàng dệt may, gạo...

Trên thực tế, dù có nhiều ưu đãi, lợi thế về địa lý, nhưng ASEAN cũng chỉ được xem là thị trường “cơ hội”, “tiềm năng”, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt để gia tăng lượng hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Trong quá trình xuất khẩu, cần chủ động tìm hiểu và giải quyết những vấn đề phát sinh; liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tích cực tìm kiếm, hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường ASEAN.

Trong bối cảnh gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, giảm tối đa các khâu trung gian để hỗ trợ giảm giá thành; tìm hiểu và tuân thủ các quy định về nhập khẩu gạo…

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Áo tăng, song mức tăng vẫn còn khá thấp, trong khi đó dư địa phát triển ở thị trường này còn rất nhiều. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng Hiệp định EVFTA đẩy mạnh phát triển xuất khẩu sang thị trường Áo.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Bỉ tăng khi kinh tế nước này dần phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Hiệp định EVFTA có hiệu lực là yếu tố hỗ trợ để hàng hoá của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác tại thị trường Bỉ.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục