Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Trung ương Cục miền Nam - Chiến khu Bắc Tây Ninh: Sáng tạo không ngừng trong kháng chiến, đổi mới phát triển trong hoà bình
Bài 4: Chiến khu xưa, nay là vùng đất mới
Thứ hai: 00:34 ngày 02/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại nhiều nơi ở miền Nam sau ngày giải phóng 30.4.1975, có đông người dân từ các đô thị “bung ra”, các cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới đều rất quen thuộc với lời bài hát có câu “chiến khu xưa nay là vùng đất mới”.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình Xuân chia sẻ - Tết yêu thương dưới tượng đài Chiến thắng Junction City tại thị trấn huyện Tân Châu. Ảnh: Dương Đức Kiên

Đặc biệt, trong những năm ấy, ở “vùng đất mới”, duy nhất có một nơi đầu tiên đón nhận những người dân nghèo tận vùng Kinh Bắc, tức tỉnh Hà Bắc (cũ) xa xôi đến lập nghiệp. Lúc đầu chỉ có khoảng 400 đồng bào nghèo ở địa phương miền Bắc kết nghĩa với tỉnh Tây Ninh đến định cư ở một vùng gần biên giới, được đặt tên là ấp Đông Hà thuộc xã Tân Đông (vùng Kà Tum), huyện Tân Biên.

Theo các vị nay đã là “bô lão” đến đây từ đầu thì tên ấp có ý nghĩa là “dân Hà Bắc ở xã Tân Đông”. Các vị cho biết, khoảng năm đầu thập niên 1980, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có cử đoàn ra Bắc đi thăm tỉnh kết nghĩa Hà Bắc.

Trong dịp này, ông Nguyễn Văn Tốt- Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh và ông Nguyễn Thanh Quất- Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc đã bắt tay nhau hẹn ước đưa dân nghèo Hà Bắc vào Tây Ninh lập nghiệp. Thật là một cuộc bắt tay thấm đẫm nghĩa tình.

Trong chiến tranh, thanh niên miền Bắc đã vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu đánh đuổi quân thù xâm lược. Nay hoà bình, miền Nam dang rộng vòng tay đón tiếp đồng bào miền Bắc vào sinh cơ, lập nghiệp trên vùng chiến khu xưa. Thật không còn gì cao đẹp hơn.

Huyện Tân Châu được thành lập, dân số ấp Đông Hà đông dần lên, khoảng 3.000 nhân khẩu, đều là dân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (từ tỉnh Hà Bắc cũ tách ra); và đến năm 1994 thì ấp Đông Hà được tách khỏi xã Tân Đông để thành lập xã mới Tân Hà. Lúc này, ý nghĩa của tên xã được giải thích “Tân” là mới và “Hà” là dân Hà Bắc (cũ).

 “Những năm đầu- từ khi người dân tỉnh Hà Bắc mới vào đây, cho đến năm 1994- năm thành lập xã Tân Hà, toàn xã chỉ có vỏn vẹn 670 hộ dân. Còn bây giờ, Tân Hà đã khác xưa nhiều”- ông Nguyễn Văn Thường- Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tân Hà mở đầu câu chuyện.

Tân Hà xưa và nay khác nhau như thế nào? Ông Thường cho biết, cái khác đầu tiên là quy mô dân số, số hộ dân và thành phần dân cư trên địa bàn xã. Như đã nói, “buổi ban đầu” ấy, toàn xã Tân Hà chỉ chưa đến 700 hộ dân, nay có gần 1.900 hộ, tổng cộng gần một vạn nhân khẩu.

Là một người con đất Kinh Bắc đi kinh tế mới, nay đang giữ chức vụ chủ chốt của Đảng uỷ xã Tân Hà, ông Thường nhớ lại, vào thời điểm đó, hành lý của người dân tỉnh Hà Bắc vào mảnh đất “phên giậu” của Tổ quốc ở phương Nam này gần như không có gì, ngoài những thứ tối thiểu, cần thiết cho sinh hoạt đời thường.

Theo chính sách chung lúc đó, Nhà nước hỗ trợ cho người dân đi kinh tế mới, nói cho sát nghĩa, là đi khai khẩn những vùng đất còn hoang hoá, mỗi hộ được cấp lương thực trong sáu tháng, một số dụng cụ cầm tay để sản xuất và một công đất (một ngàn mét vuông) cùng một mẫu ruộng để trồng trọt.

Lúc mới vào, theo tập quán, người dân Hà Bắc gần như chỉ trồng đậu xanh, một loại cây ngắn ngày cho thu hoạch trong thời gian sớm nhất. Người dân lúc này chưa nghĩ đến “trồng cây gì, nuôi con gì” ngoài giống cây ngắn ngày ấy.

“Đó là thời điểm rất khó khăn. Nhưng gần như không ai quay về Bắc, bà con quyết tâm bám trụ trên vùng đất mới. Tôi là người trong cuộc và cũng từng làm công an địa phương nên biết rõ tình hình lúc đó”- ông Thường kể.

Sau thời gian làm quen với đặc điểm khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, đồng bào miền Bắc trên đất miền Nam “mon men” trồng mía- loại cây công nghiệp rất hiệu quả, phổ biến trên vùng Bắc Tây Ninh nhưng cũng không thành công. Tiếp tục tìm tòi, đồng bào miền Bắc dần “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” bằng cách trồng mì (sắn) và cây cao su.

Tình hình sáng sủa hơn khi đầu những năm 2000, đặc biệt giai đoạn 2005-2010, sản phẩm mủ cao su rất có giá, đời sống của người dân khởi sắc. Thời kỳ hoàng kim mủ cao su, còn được gọi là “vàng trắng”, đã làm thay da đổi thịt mảnh đất của người dân vùng biên giới này.

“Đến nay, toàn xã Tân Hà không còn một hộ nghèo trung ương. Đời sống của người dân có bước tiến có thể coi là nhảy vọt, đại đa số hộ dân trên địa bàn xã kinh tế ổn định. Ông có suy nghĩ gì về quyết định đưa người dân đi khai khẩn ở vùng đất mới? Trả lời câu hỏi, ông Thường không chút ngần ngại nói ngay, đó là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền của đất nước.

“Ba mươi năm trước, Tân Hà không có gì, nay gần như có tất cả. Chúng tôi thống kê và cho ra kết quả, hiện nay, xã có gần một vạn dân từ 45 tỉnh, thành sinh sống. Buổi đầu, cả xã chỉ có một ngôi trường tiểu học nho nhỏ, nay có đầy đủ các bậc học từ mầm non cho đến trung học cơ sở, trường nào cũng được xây dựng khang trang.

Con đường mang tên 785 trước đất đỏ bụi mù trời, nay thảm bê tông nhựa phẳng lỳ, ô tô có thể đến bất kỳ khu vực nào trên địa bàn xã. So với các xã mới thành lập những năm sau ngày giải phóng 1975, Tân Hà có thể là một trong số ít xã phát triển nhanh, mạnh nhất. Chúng tôi đạt xã nông thôn mới năm 2018 và nay đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”- vị Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã nhìn lại sự phát triển của địa phương.

Sự lột xác ở vùng đất mới, tất nhiên, là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, trong đó có Đảng bộ, chính quyền địa phương. Lúc mới thành lập (1994), Tân Hà chỉ có 30 đảng viên sinh hoạt trong chi bộ trực thuộc Huyện uỷ Tân Châu.

Năm 2000, sau 6 năm kể từ khi xã mới ra đời, Tân Hà mới thành lập Đảng bộ xã. Hiện nay, Tân Hà có 135 đảng viên sinh hoạt trong 10 chi bộ, gồm 5 chi bộ ấp, 3 chi bộ trường học. 1 chi bộ công an và 1 chi bộ quân sự.

Vị Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho hay, dân cư trên địa bàn xã đa số còn trẻ tuổi, nhiều thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhận thức chính trị rất đúng đắn, nguồn phát triển Đảng khá dồi dào. “Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự phát triển của xã Tân Hà. Do đó, công tác phát triển Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng”- ông Thường nói.

Đặt sự phát triển của các xã biên giới Bắc Tây Ninh, từng là nơi trú đóng của Trung ương Cục miền Nam như Tân Hà của huyện Tân Châu, Tân Lập của huyện Tân Biên trong tổng thể của cả vùng, có thể rút ra một vài điều.

Bắc Tây Ninh ngày xưa là chiến trường, là căn cứ của cơ quan đầu não lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược, những hy sinh mất mát không thể nào đong đếm được. Nay, vùng đất này không chỉ hồi sinh mà còn phát triển vượt bậc.

Đúng như một nhà thơ đã viết: “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.../ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam…”.

Chúng ta chấp nhận đổ máu để chấm dứt vĩnh viễn sự đổ máu. Toàn bộ vùng Bắc Tây Ninh gồm Tân Biên, Tân Châu, kể cả một phần huyện Dương Minh Châu, khó khăn, bất cập chưa phải đã hết nhưng sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ là điều ai cũng có thể nhận ra.

Sự phát triển đó, không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, qua nhiều thời kỳ, bằng những quyết sách đúng, trúng và kịp thời. Quyết định tách một phần huyện Tân Biên và huyện Dương Minh Châu để thành lập huyện mới Tân Châu vào năm 1989 có thể là dẫn chứng đủ sức thuyết phục cho điều vừa khẳng định.

Năm 1989, diện tích của huyện Tân Biên chiếm một nửa diện tích của cả tỉnh. Do diện tích của Tân Biên khi đó quá rộng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết định tách thành hai huyện, trong đó lấy một phần lớn của huyện Tân Biên và một phần huyện Dương Minh Châu.

Danh từ Tân Châu được ghép bởi tên hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu. Cho đến nay, Tân Châu vẫn đang chiếm một phần tư diện tích tự nhiên của tỉnh, có đầy đủ yếu tố của một tỉnh Tây Ninh thu nhỏ, có biên giới, có hồ Dầu Tiếng, có rừng phòng hộ đầu nguồn, có đồng bào 6 tôn giáo và 15 dân tộc sinh sống.

Từ một huyện mới gần như không có gì, đến năm 2003, Tân Châu đã bảo đảm tự chủ được ngân sách và hằng năm có tích luỹ để đầu tư kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân. Lúc huyện mới thành lập, sản xuất nông nghiệp chiếm 77% trong cơ cấu kinh tế, thì nay chỉ còn 36% (số liệu 2019). Sản xuất công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế biến mía đường, bột mì, cao su, công nghiệp điện mặt trời có tổng công suất lớn nhất cả nước và công nghiệp sản xuất xi măng. Có thương mại phát triển, kể cả thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngày đầu thành lập, toàn huyện chỉ có 387 đảng viên với 14 chi bộ, đến đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tân Châu có  3.230 đảng viên với 200 chi bộ trực thuộc và 59 đảng bộ cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện hầu hết đạt chuẩn về văn bằng đào tạo theo quy định của Đảng và Nhà nước. Tân Châu đang từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng rộng rãi những tiện ích do công nghệ thông tin đem lại để cung cấp dịch vụ công tốt hơn tới người dân, doanh nghiệp.

Sự phát triển hôm nay hứa hẹn tương lai sáng sủa, giàu đẹp của toàn vùng “chiến khu xưa nay là vùng đất mới” thực sự xứng đáng với những gì mà những thế hệ từng sống, chiến đấu ở Chiến khu Bắc Tây Ninh - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.

Nguyễn Tấn Hùng - Đồng Viết Thắng

Tin cùng chuyên mục