Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể chế và phát triển
Bài 4: Đổi mới thể chế kinh tế, rường cột là phát triển doanh nghiệp
Thứ hai: 14:06 ngày 09/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việt Nam phải trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hoá. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế.

Thứ hai: Đổi mới thể chế kinh tế, rường cột là phát triển doanh nghiệp - “trái tim” và sức mạnh căn bản của nền kinh tế.

Việt Nam phải trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hoá. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hoá về phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là công cụ, để tạo nên thực lực và sức mạnh đất nước, tôn vinh vị thế và uy tín quốc gia.

Trong rất nhiều phương diện cần phải đổi mới thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…), ở đây cấp bách nhất, xây dựng thể chế “chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất”, dành trước hết cho doanh nghiệp  - “trái tim” của nền kinh tế - và doanh nhân - người đi tiên phong phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế - người góp phần và quyết định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế là khâu mấu chốt, có ý nghĩa quyết định thành công tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, sức mạnh kinh tế quốc gia nằm một phần căn bản ở 160.000 doanh nghiệp. Phải tiếp tục xây dựng đội ngũ này không ngừng lớn mạnh về quy mô, đa dạng về lĩnh vực; tạo hành lang và cơ hội bảo đảm phát huy mọi khả năng và giữ vững vai trò kiến tạo nền tảng và sức mạnh chi phối nền kinh tế quốc dân và chủ động hội nhập quốc tế một cách văn hoá và nhân văn.

Do đó, tôn vinh, bảo vệ và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự xứng đáng và ngang tầm công cuộc đổi mới; đồng thời, xây dựng thể chế kiểm soát mối quan hệ giữa chính trị gia với các doanh gia nhằm ngăn chặn tình trạng “sân sau”, “sân cạnh”, nhất là sự “liên minh” tăm tối và hủ bại, “lũng đoạn” nhà nước, thị trường và xã hội.

Đồng thời, đổi mới thể chế hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế.

Đối ngoại là sự tiếp tục của đối nội. Bình đẳng, tôn trọng, hoà mục, hợp tác, trách nhiệm, “không gây thù oán với một ai” trong tất cả các mối quan hệ song phương hay đa phương, với mọi đối tác, ở mọi cấp độ là phương châm quán xuyến trong tất cả các mối quan hệ quốc tế nhằm bảo đảm sự cân bằng các mối quan hệ quốc tế, dù song phương hay đa phương. Thâu thái và thâu hoá mọi tinh hoa phát triển của nhân loại; thu hút nhân tài từ tất cả các nước với thái độ cầu thị, trân trọng và bảo vệ vô điều kiện.

Đất nước sẽ bạc nhược, không thể trở nên hùng cường, càng không thể cất cánh, nếu chúng ta thất bại trên phương diện này.

Thứ ba: Đổi mới thể chế kiến tạo và phát triển nhân tài quốc gia.

Tôn tài ắt đại thịnh.

Khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây là hai lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị, văn hoá với xã hội… trực tiếp định vị và phát triển thực lực quốc gia mang tầm chiến lược. Cùng với đội ngũ chính trị gia, kỹ trị gia, khoa học gia, đội ngũ doanh gia phải xứng đáng là một trụ cột nhân tài quốc gia.

Đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức…

Xây dựng thể chế thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là, chưa là hay không là đảng viên thông qua cơ chế tuyển chọn một cách khoa học, dân chủ, trước hết và chủ yếu bằng thi tuyển, với các phương thức phù hợp và cụ thể.

Thể chế hoá về tiêu chuẩn, quy trình, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân là thước đo chủ yếu… Mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hoá, trước hết là văn hoá chính trị và văn hoá liêm chính.

Đội ngũ dẫn dắt quốc gia dân tộc nếu không có tầm nhìn và khí phách, không có liêm chính và khoan dung không thể dẫn dắt được chính sự, càng không thể giữ gìn danh dự quốc gia hay nâng cao sức mạnh và uy tín dân tộc. Và, mỗi người giữ lấy và tôn vinh liêm sỉ.

Thứ tư: Đổi mới thể chế phòng, chống tham nhũng, trước hết đổi mới thể chế kiểm soát quyền lực.

Kiểm soát quyền lực từ bên trong và bên ngoài mỗi thành viên của hệ thống chính trị và toàn bộ hệ thống chính trị là nhằm phòng, chống mọi biến thái, hủ bại của quyền lực và hướng tới bảo đảm sự cân bằng quyền lực.

Không phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công nhất định không có bất cứ một sự phát triển nào xứng đáng của đất nước, nếu không nói là cầm chắc sự bạc nhược, thoái bộ, tự băng hoại và nhất định tới ngày mất nước!

Nếu có đại hoạ nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, “lợi ích nhóm”, nhóm lợi ích… Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng: tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin; phòng, chống nguy cơ đe doạ sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã: các nhóm lợi ích, nguy cơ về các “phường hội” trong Đảng.

Một trong những “cục nghẽn mạch” đau đớn nhất hiện nay chính là nạn lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền, thậm chí sở hữu quyền lực chính trị… song hành với nạn tham nhũng đủ hình thức, thậm chí cả sự lũng đoạn chính trị, lũng đoạn nhà nước, sự cát cứ đủ mức độ nguy hiểm có nguy cơ lây lan và phát tác.

Do đó, phải cấp bách pháp định hoá về minh bạch giải trình song hành kiểm soát quyền lực, nhân dân kiểm tra, giám sát là đại sự thành bại phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự tha hoá, thoái hoá quyền lực, bảo đảm sự phát triển tập trung, thống nhất nhưng dân chủ, tự do và sáng tạo của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống” quyền lực, “kẽ hở” pháp luật và kỷ luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thể chế.

Rường cột của cơ chế này chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi và vận hành bằng pháp luật với phương châm công khai, dân chủ và minh bạch. Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch.

Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. “Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhất là về tài sản là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng đắn, không bị tha hoá, thoái hoá.

Việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế trên nền móng Quốc pháp - Đảng cương và sự giám sát của Nhân dân thật sự là vòng cương tỏa của thể chế tổng hợp một cách hệ thống, phù hợp và hiệu quả, với phương châm dân chủ hoá, minh bạch hoá. Có thể hình dung gồm gồm 8 mặt chỉnh thể: 1- Không nên tham nhũng; 2- Không được tham nhũng; 3- Không thể tham nhũng; 4- Không cần tham nhũng; 5- Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; 6- Không thể thoát khi tham nhũng; 7- Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng; 8- Các cấp (và trong ngoài phối hợp) đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội. Tham nhũng giờ đây không chỉ về kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... Cấp bách đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm chủ động kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót vùng nào, không lọt một ai.

Tiến sĩ Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Tin cùng chuyên mục