Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyền thông đen hay là những ngòi bút bị tha hoá
Bài 4: Ðừng gọi sự thật là giả dối
Thứ hai: 18:37 ngày 08/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không phải bây giờ, từ rất lâu, không thiếu những cá nhân, vì một lý do nào đó, họ không ưa thích chế độ hiện tại nên tìm mọi cách đổi trắng thay đen.

Bertolt Brecht- nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà đạo diễn sân khấu người Ðức từng nói: “Kẻ nào không biết sự thật, kẻ đó là một thằng ngốc. Nhưng kẻ nào biết sự thật mà lại gọi nó là giả dối, kẻ đó là một tên tội phạm”. Không phải bây giờ, từ rất lâu, không thiếu những cá nhân, vì một lý do nào đó, họ không ưa thích chế độ hiện tại nên tìm mọi cách đổi trắng thay đen. Không ít người trong số họ biết rõ sự thật nhưng vẫn cố ý bóp méo thông tin để lừa người dân nhằm đạt mục đích cá nhân.

Gieo rắc hoài nghi

“Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Ðổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”.

Ðoạn văn vừa trích dẫn (nguyên văn) ở trên được rút ra từ Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, mới kết thúc hồi đầu tháng 2 năm nay. Tại sao trích dẫn đoạn văn trên? Vì trong đó có một thông tin được người dân cả nước mong chờ: tiêm chủng đại trà vaccine để phòng ngừa dịch bệnh Covid- 19.

Như đã biết, tính đến thời điểm này, đã hơn một năm kể từ ngày virus SARS-CoV-2 xuất hiện và càn quét khắp thế giới. Sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học toàn cầu, vaccine đã được bào chế thành công và bước đầu được thương mại hoá.

Do số lượng vaccine được nhập về còn hạn chế, Chính phủ đã cân nhắc ưu tiên tiêm phòng cho những nhóm đối tượng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nói cho dễ hiểu, người hoặc nhóm người nào đang làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao thì ưu tiên tiêm vaccine trước.

Quyết định này đã được tính toán, cân nhắc cả về khía cạnh chuyên môn y học cũng như trên phương diện chính trị, xã hội. Thế nhưng, những cá nhân, tổ chức hoặc thiếu thiện chí hoặc thiếu nhạy cảm chính trị vẫn không ngừng gieo rắc tâm lý rằng chính phủ không công bằng, “bên trọng bên khinh”.

Ngay sau khi những lọ vaccine đầu tiên được đưa về Việt Nam, một hãng tin nước ngoài (phát bằng tiếng Việt) chạy ngay tít bài: “Tiêm vaccine Covid ở Việt Nam: Vì sao quân đội và công an được ưu tiên?”. Tít bài này, nếu thuần tuý chữ nghĩa, đó chỉ là một câu nghi vấn thông thường, không mang màu sắc gì.

Nhưng, trong bối cảnh ai cũng trông chờ vaccine, cách đặt tít, đúng hơn, cách nêu vấn đề như thế sẽ khiến người dân nghĩ rằng, chính phủ chỉ ưu tiên cho lực lượng vũ trang, bỏ mặc dân. Không chỉ hãng tin nước ngoài, một tờ báo trong nước còn giật tít như sau: “Mừng vì đã có vaccine ngừa Covid-19, người nghèo lại lo không có tiền tiêm”.

Trong khi đó, chính phủ đã công khai khi hội đủ điều kiện sẽ tiêm vaccine miễn phí, và ở một mức độ cao hơn, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã ghi rõ “tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng”.

Tất nhiên, việc tiêm vaccine đại trà, không thể thực hiện toàn vẹn, đầy đủ trong một thời gian ngắn. Cho đến nay, ngay cả những quốc gia phát triển nhất thế giới cũng chưa làm được điều đó. Cần biết, tại thời điểm này, kể cả khi có tiền, việc mua vaccine không phải chuyện dễ.

Nếu nhớ không nhầm, đây là lần đầu tiên, việc tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc. Nó chứng minh rằng, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm do dịch bệnh gây ra, từ đó có biện pháp mạnh để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Sự việc minh bạch, thái độ của lãnh đạo Ðảng dứt khoát như thế nhưng những ngòi bút thiếu lương thiện, không trong sáng vẫn “cố ý làm trái” nhằm gieo rắc sự hoài nghi, từ đó, làm suy giảm niềm tin giữa dân chúng với chính quyền.

Xuyên tạc thông tin

Một trong những biểu hiện rõ nhất, dễ chứng minh nhất về sự tha hoá của những người cầm bút, đó là họ thường dựng chuyện, dự đoán, thậm chí cá cược trước các sự kiện lớn của Ðảng và Nhà nước, nổi bật là Ðại hội Ðảng và bầu cử các cơ quan lập pháp.

Trước khi Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng khai mạc và thậm chí sau khi Ðại hội kết thúc, trên mạng xã hội vẫn còn đầy những thông tin bịa đặt, đoán mò, thậm chí một tài khoản cá nhân có hơn hai trăm ngàn người theo dõi còn bày trò cá cược xem “ông nào ngồi vị trí nào”.

Trước Ðại hội Ðảng, trong một chương trình thời sự, phóng viên của VTV1 đã chỉ đích danh một tài khoản trên YouTube, chỉ trong một ngày làm đến gần 20 video clip để “bàn về nhân sự của Ðảng”. Chủ tài khoản này có một cách làm truyền thông bình dân nhưng thu hút đông người xem, đó là ngoài hình ảnh của các vị lãnh đạo (được chỉnh sửa), lời bình trong video clip mang đầy màu sắc trinh thám, y như truyện vụ án.

Chưa dừng lại ở đó, chủ tài khoản này còn bịa đặt một cách trắng trợn đến mức không ngượng miệng khi nói rằng, ông này bà nọ bị bắt, trong khi, những nhân vật được nêu tên vẫn sinh sống bình thường.

Cũng trên YouTube, chủ tài khoản (vốn là một cán bộ trẻ bị kỷ luật, cho thôi việc) lại thường xuyên đoán già đoán non về các vị trí này kia. Do thiếu thông tin hoặc sợ dự đoán sai sẽ “mất uy tín”, chủ tài khoản này còn mở ngoặc rằng, kết quả này chỉ đúng ở thời điểm hiện tại!

Tương tự, trên trang cá nhân của một cựu phóng viên (có hơn 500 ngàn người theo dõi) lại đưa tin theo kiểu “có nguồn tin nội bộ”. Phải công bằng, cô cựu phóng viên này giỏi làm truyền thông, nhiều thông tin được cập nhật chính xác, song, với kết quả của Ðại hội Ðảng vừa qua, những thông tin của người này đưa ra, cơ bản là sai.

Không chỉ Ðại hội Ðảng, chỉ còn vài tháng nữa, vào hạ tuần tháng 5 năm nay, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước. Ngay từ bây giờ, trên nhiều trang mạng đã xuất hiện không ít bài viết mang tính vu cáo, quy chụp về cuộc bầu cử.

Có hai dấu hiệu dễ nhận ra những bài viết cố ý bóp méo sự thật, xuyên tạc thông tin về cuộc bầu cử sắp tới. Trước hết, những cá nhân thiếu thiện chí này  lớn tiếng vu khống, xuyên tạc rằng cuộc bầu cử các cơ quan lập pháp chỉ là hình thức, là màn kịch, vở diễn do Ðảng Cộng sản đạo diễn.

Hoang tưởng hơn, họ còn “ra yêu sách” Ðảng hãy đứng qua một bên, không được chỉ đạo, lãnh đạo cuộc bầu cử... Nói thật, những thông tin như vừa nêu chỉ “lừa gạt” được những người lười đọc, lười tìm kiếm thông tin.

Khoản 1, Ðiều 4, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ðảng Cộng sản Việt Nam - Ðội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy việc Ðảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của Hiến pháp, hoàn toàn không vi hiến.

Ðể chuẩn bị cho ngày hội lớn của toàn dân, ngày 20.6.2020, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

“Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới.

Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”- Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu.

Như vậy, vai trò của Ðảng đối với cuộc bầu cử Quốc hội và HÐND các cấp đã được hiến định.

Câu hỏi đặt ra, tại sao những tài khoản cá nhân- những dạng truyền thông đen nêu trên lại “tích cực tuyên truyền” như vậy? Có hai giả thuyết, hoặc họ được trả công để làm việc đó hoặc động cơ của họ chỉ nhằm thu hút quảng cáo.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục