Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: “Không chỉ hôm qua, hôm may, mãi mãi”
Bài cuối: Bài học cho đất nước hôm nay
Chủ nhật: 12:05 ngày 09/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đảng ta đề ra chủ trương tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tạo thế ổn định để tập trung xây dựng kinh tế, kết hợp tốt nhất sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

“Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, để triển khai thắng lợi đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là vấn đề thời sự cấp thiết. Vận dụng các nguyên lý, quan điểm của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, vận dụng phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh giúp chúng ta nâng cao khả năng xử lý các vấn đề quốc tế và đối ngoại của đất nước ta trong giai đoạn mới”- nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, tác giả cuốn sách viết năm 2008.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới

Tại thời điểm đó, tác giả nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức những chuyển biến mới trong tình hình thế giới và thực hiện quá trình đổi mới tư duy đối ngoại, với những điều chỉnh, định hướng mới phù hợp với đặc điểm của tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của đất nước ta trong từng giai đoạn cụ thể.

Đó là kết quả của quá trình phát triển tư duy lý luận, hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thấm nhuần những nguyên lý của chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Về lý luận cũng như thực tiễn, quá trình đó bao hàm nhiều điều chỉnh chính sách quan trọng, sâu sắc và kịp thời nhằm phát huy vai trò của đối ngoại đóng góp cùng các ngành khác thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Trước khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở phù hợp với đặc điểm tình hình Việt Nam, khu vực và thế giới. Đảng ta đã chỉ rõ xu hướng phát triển của lực lượng sản xuất trên thế giới và khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các nước và thúc đẩy xu thế quốc tế hoá nền kinh tế thế giới, đồng thời tác động làm gay gắt thêm những mâu thuẫn cơ bản của thời đại. Đảng ta đề ra chủ trương tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tạo thế ổn định để tập trung xây dựng kinh tế, kết hợp tốt nhất sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Nội dung đó được thể hiện trong đường lối đối ngoại rộng mở, do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) thông qua, mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc, đại hội đề ra chủ trương kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình và hữu nghị, ủng hộ chính sách cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, loại trừ chiến tranh xâm lược.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ

Đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được tiếp tục phát triển lên một bước mới với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Đại hội Đảng lần này đánh giá những thành tựu đạt được trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI là thắng lợi to lớn, đúng hướng và “những thành tựu đối ngoại đã tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi một bước âm mưu bao vây, cô lập đối với nước ta, tăng thêm bầu bạn, nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế”. Đại hội cũng đã chỉ ra những khuyết điểm và những mặt còn yếu kém như chưa đánh giá đầy đủ và kịp thời về tình hình thế giới và quan hệ quốc tế để có chủ trương sát đúng, chưa tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động giữa một số ngành trong một số trường hợp.

Trên tinh thần đó, Đại hội lần thứ VII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ đối ngoại là: “Tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học, kỹ thuật trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, bảo vệ sản xuất, kinh tế và an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc tốt đẹp của văn hoá dân tộc”. Đại hội đưa ra một tuyên bố chính sách quan trọng: “Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX nhận định: “Khẳng định lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”: “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Mẫu số lợi ích chung

Phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, Đảng ta từ Đại hội lần thứ VII (1991) đã khẳng định phương châm của đường lối đối ngoại là “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước” và Đại hội lần thứ IX đã bổ sung, phát triển và hoàn thiện nội dung tư tưởng ấy thành phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”. Điều đó thể hiện bước tiến mới rất quan trọng cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng ta cho thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong mối quan hệ “vừa là bạn, vừa là đối tác tin cậy”, các bên tham gia cùng nhau tạo dựng mối quan hệ sao cho phù hợp với yêu cầu của mình, phù hợp với tình hình thế giới và thực hiện các bên cùng có lợi. Vì thế, việc xác định mẫu số lợi ích chung, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, quan tâm thoả đáng đến tạo dựng và không ngừng củng cố sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở quan hệ hữu nghị, hoà bình và ổn định lâu dài, hợp tác cùng có lợi, là những thành tố hữu cơ, liên quan mật thiết đến nhau.

Chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ và tham gia hợp tác khu vực là sự phát triển biện chứng và quan trọng trong tư duy của Đảng ta về đường lối chính sách đối ngoại, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của quan hệ quốc tế hiện đại của nước ta, với đặc điểm của quan hệ toàn cầu mới và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù, tranh thủ mở rộng tối đa quan hệ của Việt Nam với thế giới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh rất chú trọng quan hệ đa phương và đa dạng giữa nước ta với các nước khác trên thế giới. Đây là điều mà Hồ Chí Minh rất quan tâm ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, và trong quá trình vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.

Đảng chủ trương đường lối đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế, nhằm phát huy tối đa nội lực, tranh thủ cao độ ngoại lực. Hai khía cạnh này liên quan và bổ sung cho nhau trong một mối quan hệ biện chứng. Mối quan hệ ấy thể hiện tính độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế vừa là nền tảng, vừa là tiêu chí để vận hành toàn bộ quá trình chủ động hội nhập quốc tế sao cho có lợi nhất cho đất nước, phù hợp với yêu cầu đề ra cho từng thời kỳ, khả năng thực tế của đất nước. Trong tinh thần đó, Đại hội lần thứ IX của Đảng đã xác định mục tiêu của hội nhập kinh tế: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trong các yếu tố ngoại lực có những mặt tạo thuận lợi, cũng có mặt thách thức mà quá trình kết hợp ngoại lực với nội lực phải được quan tâm xử lý đúng đắn. Để nâng cao khả năng chủ động thực hiện lộ trình hội nhập, bên trong chúng ta cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bên ngoài chúng ta phải nâng cao năng lực hoạt động của mình trong các cơ chế song phương và đa phương.

Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh không chỉ đúng với nước ta hôm qua, hôm nay mà còn cho cả ngày mai. Thành công về chính sách, đường lối đối ngoại của Việt Nam trong nhiều thập niên qua không tách rời tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục