Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Câu chuyện mưu sinh và tự tin tham gia vào đời sống xã hội đối với nhiều người không hề dễ dàng và sẽ càng khó hơn đối với những người từng có quá khứ lầm lỡ. Việc trao cơ hội làm lại cuộc đời cho những mảnh đời này vẫn cần sự chung tay, sẻ chia và cả sự giám sát trong việc thực hiện.
Công tác kiểm tra, giát sát sử dụng vốn được các cấp, ngành, đoàn thể được thực hiện thường xuyên.
Hiệu quả từ sự nỗ lực phối hợp
Sau một năm triển khai Quyết định 22, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân cho 127 người chấp hành xong án phạt tù, với tổng dư nợ gần 9 tỷ đồng. Hầu hết người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích.
Theo đại diện NHCSXH tỉnh, đây là “quả ngọt” của sự nỗ lực phối hợp giữa các đơn vị, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Theo đó, sau khi Quyết định 22 được ban hành, chi nhánh đã phối hợp với Công an tỉnh rà soát đối tượng và giải ngân cho vay. Vừa qua đã ký kết chương trình phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028.
Để triển khai nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, Công an tỉnh chỉ đạo định kỳ ngày 5 hằng tháng, Công an cấp xã tiến hành rà soát người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương để lập danh sách đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu, chuyển cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện làm căn cứ cho vay.
Trong quá trình triển khai, Công an các cấp đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho Ngân hàng CSXH để giải quyết, xử lý những đối tượng vay có khả năng thất thoát vốn vay, không trả được nợ. Công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, kịp thời giải quyết để nguồn vốn phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn vay của người chấp hành xong án phạt tù luôn được các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp quan tâm, nhất là trong thời gian đầu thực hiện tín dụng chính sách này. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát được Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, chính quyền địa phương và cơ quan Công an cấp cơ sở luôn theo dõi chặt chẽ; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát sử dụng vốn trong thời gian 30 ngày sau khi được nhận tiền vay.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn của Công an và NHCSXH các cấp trong việc bình xét công khai, dân chủ về đối tượng được thụ hưởng, số tiền và thời hạn cho vay. Trong quá trình bình xét luôn có sự chứng kiến của trưởng thôn, bí thư chi bộ, đại diện các hội, đoàn thể và người dân để bảo đảm tính công khai, dân chủ… Nhờ vậy, việc cho vay và sử dụng vốn vay luôn được thực hiện đúng mục đích, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần thắng lợi mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ nên việc triển khai Quyết định số 22 đã mang lại hiệu quả tích cực, công tác tuyên truyền đã đến với mọi tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, công tác phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương để rà soát, cập nhật, cung cấp, thu thập danh sách các đối tượng người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện, đúng đối tượng, có nhu cầu vay vốn, dự kiến nhu cầu vốn, đồng thời tham mưu cho cấp trên bổ sung nguồn vốn để kịp thời đáp ứng nguồn vốn cho vay. Đến nay, các đối tượng đủ điều kiện, đúng đối tượng có nhu cầu vay vốn đều được NHCSXH đáp ứng đầy đủ và kịp thời.
Các ban ngành đoàn thể huyện Dương Minh Châu thường xuyên thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù.
Để Quyết định 22 phát huy cao nhất
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ quý IV.2024 vừa qua, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho hay, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ giúp họ có điều kiện phát huy được năng lực lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, mà còn góp phần vào phòng ngừa tội phạm và duy trì an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để Quyết định 22 phát huy hiệu quả, các địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức, trước hết là cán bộ ở các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, cán bộ của các tổ chức chính trị, xã hội; tạo ra nhận thức đầy đủ đối với những người lầm lỡ để họ có cơ hội có việc làm, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chính sách này; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, tạo cho cộng đồng có cách nhìn mới, tin tưởng hơn vào những người đã chấp hành xong án phạt tù, tránh kỳ thị, để họ tự khẳng định mình trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, hiện nay công tác cho vay theo Quyết định 22 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như: tại một số địa phương, việc rà soát, cung cấp danh sách đối tượng người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn cho NHCSXH chưa kịp thời; theo quy định tại Điều 11 Quyết định số 22, ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách do Trung ương thực hiện, còn có nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để cho vay. Nhưng đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương vẫn chưa được uỷ thác qua NHCSXH để cho vay đối tượng này.
“Để Quyết định số 22 phát huy hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để cho vay các đối tượng này. Đồng thời, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách đến mọi tầng lớp Nhân dân biết và thực hiện”- Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hồ Văn Khanh đề nghị.
Công an tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong thời gian tới, Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 22 kết hợp việc định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xoá bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Công tác giải ngân vốn vay được NHCSXH thực hiện định kỳ hàng tháng, bảo đảm nhu cầu vốn cho người dân.
Tổ chức quán triệt, triển khai đến tất cả cán bộ chiến sĩ, nhất là số cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Công an các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước dành cho người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Sau 1 năm triển khai Quyết định số 22, mặc dù vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhưng với những kết quả nổi bật đã đạt được, nguồn vốn đã và đang là điểm tựa cho người lầm lỡ. Do đó, trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; thường xuyên phối hợp với ngành Công an, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và UBND cấp xã rà soát các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để cho vay.
Bên cạnh đó, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg; báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho vay để có hướng xử lý kịp thời; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Quyết định này.
Vũ Nguyệt