Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Tây Ninh thực hiện như thế nào?
Bài cuối: Giảm trường công, mở rộng trường tư
Thứ bảy: 16:54 ngày 09/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nằm trong chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh, phát triển giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, ngày 31.1.2024, UBND tỉnh có Quyết định số 263 ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt mục tiêu, cần thực hiện hai việc cơ bản: kêu gọi đầu tư và sửa đổi chính sách.

Kêu gọi nhà đầu tư

Năm 2023, dân số của Tây Ninh đạt 1.194.905 người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 680.609 người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế đạt 669.765 người, chiếm tỷ lệ 56,05%.

Dự báo đến năm 2025, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế đạt khoảng 700.000 người (tăng khoảng 30.235 người so với năm 2023); lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt khoảng 210.000 người (năm 2023 đạt 187.534 người).

Đến năm 2030, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước đạt khoảng 780.000 người (tăng 80.000 người so với năm 2025); lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 273.000 người (tăng 63.000 người so với năm 2025. Nhu cầu lao động qua đào tạo đến năm 2030 là 85.466 lao động, bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo cung ứng cho thị trường lao động 12.209 (hiện đạt 10.312 người).

Trong giờ học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tân Biên.

“Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện” - trích Nghị quyết 19, năm 2017 của Trung ương.

Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, việc xây dựng Đề án “Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cần thiết.

Tây Ninh hiện có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả trong và ngoài công lập. Cơ sở công lập gồm: Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, Trung tâm DVVL - GDNN tỉnh Tây Ninh, Trung tâm GDNN-GDTX Cụm thành phố Tây Ninh và 6 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, mạng lưới cơ sở GDNN Tây Ninh giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2023 (giảm 4 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện) và nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục bảo đảm cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Cơ sở công lập tranh thủ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh đến năm 2030 đạt chuẩn trường chất lượng cao. Hoàn thiện đề án trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định nâng cấp Trường trung cấp Y tế Tây Ninh thành Trường cao đẳng Y tế trước năm 2025.

Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, bố trí ngân sách Nhà nước, kinh phí xã hội hoá để nâng quy mô, chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Tiếp tục sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã thành Cụm trung tâm GDNN-GDTX khu vực còn lại đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu học tập” - đề án nêu giải pháp thực hiện.

“Có khởi nhưng chưa thật sắc”

Để giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp khắc phục hạn chế, cần có sự điều chỉnh chính sách, thậm chí phải xem xét sửa một số luật và văn bản dưới luật.

Luật Giáo dục nghề nghiệp- được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 quy định: Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở bắt đầu từ Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị, “đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề”.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, theo đó, phấn đấu năm 2025 có 40% học sinh phổ thông đi học nghề.

Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh thỉnh giảng tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tân Biên

Thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp. Diễn biến tỷ lệ học sinh sau THCS tiếp tục học ở các trường nghề như sau: năm 2020 đạt tỷ lệ 12,5%, năm 2021 đạt 14,1%, năm 2022 đạt 14,6%, năm 2023 đạt 13,8%. Dự kiến năm 2024, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề khoảng 3.000 em, nâng tỷ lệ lên xấp xỉ 18%, trong khi tỷ lệ theo kế hoạch được giao đến năm 2025 phải đạt 40%.

Có nên bỏ cơ chế “cả ba cùng quản”?

Trên cơ sở Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, năm 2015, liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 39 hướng dẫn sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Kể từ đây (trung tâm mới) có tên gọi đầy đủ là “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên” (kèm tên huyện).

Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do UBND tỉnh ra quyết định thành lập và UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Loại hình trung tâm GDTX lâu nay vẫn tồn tại một điều bất hợp lý: Sở GD&ĐT quản lý về chuyên môn (giáo dục - đào tạo) và con người, trong khi Sở LĐ-TB&XH lại quản lý mảng dạy nghề. Sau khi có Thông tư 39, thêm UBND huyện quản lý về cơ sở vật chất, tài chính và con người (đến đây, GD&ĐT không còn chức năng quản lý về con người).

Sau gần 10 năm thực hiện cơ chế “cả ba cùng quản”, có nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi bổ sung luật, thông tư để trung tâm GDNN - GDTX trở về trực thuộc Sở GD&ĐT. Theo phân tích, bất cập hiện nay ở chỗ, UBND huyện quản lý con người và tài chính nhưng không phải đơn vị giao việc cho trung tâm.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH  thực hiện chức năng giao việc, giao nhiệm vụ cho trung tâm nhưng lại không nắm đội ngũ trung tâm. Chưa kể còn nhiều điều khó nói khác, vì thực tế “3 cơ quan chủ quản” này không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề.

Trước khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, những người học trường nghề không có mã ngạch về bậc lương, tức là họ không có cơ hội được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Như vậy có thể thấy, một loạt chính sách về tiền lương, tuyển dụng, cách dùng người mới là nguyên nhân sâu xa khiến cho học sinh phổ thông chưa thật mặn mà với hệ thống trường nghề, trung cấp và cao đẳng.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 được thông qua có quy định: Những người học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng “được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định”. Việc luật hoá điều này được nhìn nhận như một nỗ lực để các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp có “đất sống”.

Năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ có 55% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành, tức tỷ lệ ĐBQH ủng hộ bộ luật này không cao. Sau 10 năm luật “đi vào cuộc sống”, có một số ý kiến cho rằng nên quy các bậc học trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện về một mối do Bộ GD&ĐT quản lý; không nên giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý trường học vì Bộ này trên thực tế không thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực.

Việc tách hệ thống đào tạo nghề (gọi là đào tạo thợ) với hệ thống đào tạo thầy, thực ra không cần thiết, bởi nó chỉ khác nhau về tên gọi. Bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, giáo viên, luật sư, sĩ quan cho đến những người thợ học trong các trường nghề ra… nói cho cùng cũng đều là những người làm nghề cả. Như vậy, việc “nhất thể hoá” hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học giao cho Bộ GD&ĐT quản lý hợp lý hơn chăng?

“Khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập” - trích Kết luận 91 năm 2024 của Bộ Chính trị.

Việt Đông - Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục