Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 113 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2024): Xôn xao bến cảng Nhà Rồng
Bài cuối: “Người hiến dâng cả đời mình không chút đắn đo”
Thứ hai: 21:45 ngày 10/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo các nhà nghiên cứu, uy tín tuyệt đối của Nguyễn Ái Quốc được biểu hiện trong những vai trò Người đã thực hiện và thực hiện xuất sắc.

Những năm 20 của thế kỷ XX là những năm cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, có thể gọi là những năm bản lề trong lịch sử cận đại Việt Nam gắn chặt tới tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc.

Đây là thời kỳ mà lịch sử nước ta trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối và sự xuất hiện Nguyễn Ái Quốc như một vị cứu tinh của dân tộc. Đúng như K. Marx đã viết: “Nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”.

Nguyễn Ái Quốc trong lễ mít tinh chào mừng Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Người đứng bên cạnh là đồng chí Voroshilov (Tư lệnh Quân khu Moskva) và Zinoviev (Chủ tịch Quốc tế Cộng sản)

“Người ra đi, đi tìm hình của nước”

Lịch sử đặt ra những yêu cầu thì chính lịch sử tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết nó. Nguyễn Ái Quốc chính là sản phẩm của sự vận động lịch sử những năm 20 đó. Uy tín của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu hình thành từ năm 1919 với yêu sách của nhân dân An Nam gửi hội nghị Versaille, báo chí Pháp gọi là “quả bom chính trị”. Uy tín đó được củng cố, phát triển qua những hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp. Những hoạt động đó không chỉ có tiếng vang lớn trên đất Pháp, đặc biệt từ khi xuất bản tờ Le Paria và cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Một vài tờ báo xuất bản ở Sài Gòn như tờ Jeune Annam (An Nam trẻ) của Lâm Hiệp Châu số 1 ra ngày 23.3.1926 đăng lại bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông”, “Varen và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc đã đăng trên tờ Le Paria số 35, tháng 8.1925. Trước đó mấy năm, Nguyễn An Ninh trong bài báo “Hướng tới một quốc gia Đông Dương” đã đưa Nguyễn Ái Quốc vào bậc nhất những người anh hùng của dân tộc. “Cái duy nhất tôi muốn chỉ cho người An Nam thấy, qua những sự kiện không còn ai không biết là ngôi vua đã thành ra tan khói rồi, nhưng dân tộc ta, nhân dân ta chưa chịu thua, chưa chịu chiếm đóng... Chúng ta tự hào có những Phan Châu Trinh, những Phan Bội Châu, những Nguyễn Ái Quốc, những Đề Thám, những Lương Văn Can, những Lương Ngọc Quyến và một số những vị anh hùng vô danh”.

Theo các nhà nghiên cứu, uy tín tuyệt đối của Nguyễn Ái Quốc được biểu hiện trong những vai trò Người đã thực hiện và thực hiện xuất sắc: tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc; truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin trong quần chúng bị áp bức, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu một con người có một trong những cống hiến trên cho dân tộc thì cũng đã xứng đáng được gọi là bậc vĩ nhân, huống chi một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện ba vai trò quan trọng và vĩ đại đó. Nguyễn Ái Quốc thực sự là một vĩ nhân, một bậc kỳ tài của dân tộc.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1968) đánh giá: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Một nét biểu hiện khác của thiên tài Nguyễn Ái Quốc là sự xuất hiện đúng lúc của Người. Sự xuất hiện đúng lúc của Người đã rút ngắn con đường dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, hạn chế một cách đáng kể những tổn thất, những mất mát không cần thiết của đội ngũ những nhà cách mạng Việt Nam. Uy tín và tài năng của Người đã góp phần giải quyết nhanh chóng và có hiệu lực những sự kiện trọng đại, có tính chất vạch mốc. Sự xuất hiện của Người tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản là một bằng chứng cho những điều đã trình bày ở trên. Chủ nghĩa Marx-Lenin đánh giá cao vai trò của quần chúng, nhưng cũng không hạ thấp vai trò cá nhân trong lịch sử, đặc biệt những cá nhân có uy tín cao, tuyệt đối trước quần chúng nhân dân, lại xuất hiện đúng lúc trong những chỗ ngoặt lịch sử. Cá nhân đó, những vĩ nhân lỗi lạc đó chỉ thúc đẩy lịch sử tiến lên, rút ngắn được những khoảng cách dẫn đến thắng lợi. Nguyễn Ái Quốc với tài năng và uy tín của mình là một nhân vật như vậy trong lịch sử cận - hiện đại Việt Nam.

“Chia tay dòng sông, con đò và bến nước”

Từ tuổi thanh xuân cho đến lúc từ biệt cõi đời, Hồ Chí Minh đã cống hiến không mệt mỏi vì độc lập dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Người đã sống một cuộc đời oanh liệt”. “Mang trên mình sứ mạng lịch sử vĩ đại, Hồ Chí Minh, nhà chiến lược thiên tài, người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta mang trong mình những đạo đức cao thượng. Bình sinh Hồ Chủ tịch là người giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị. Vua Nghiêu, vua Thuấn, Chúa Giêsu là những người giản dị. Bậc đại khoa học, đại văn hào cũng vậy. Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi, và tin rằng vì chỗ đó, Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mà mọi người không nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to”- trích “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sau khi vị lãnh tụ “nghe câu dân ca lần cuối”, một tờ báo có tên “Ký sự Peru” (một quốc gia khu vực Nam Mỹ) đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả đời mình không chút đắn đo cho lý tưởng cao đẹp nhất về tình yêu tự do và dân chủ thật sự”. Dưới tiêu đề ‘Chống lại những lực lượng quân phiệt lớn nhất của thời đại”, tờ “Miền Nam nước Đức” khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã giải phóng nước Việt Nam mà còn góp phần xoá bỏ hệ thống thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á. Rồi cụ trở thành nhà lãnh đạo của một dân tộc chống lại những lực lượng quân phiệt lớn nhất thời đại”. “Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, giáng một đòn chí mạng vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á. Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã thành lập nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á - nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, và đã bảo vệ nhà nước đó trong chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Tài năng kiệt xuất của nhà cách mạng, người tổ chức và cổ vũ những thắng lợi vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam, tinh thần nhân đạo sâu sắc và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu được sự mến yêu và sự kính trọng vô hạn của nhân dân mình và toàn thể nhân loại tiến bộ… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa trước ngày toàn thắng nhưng Đảng do Người sáng lập ra, nhân dân Việt Nam anh hùng do Người giáo dục đã thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, đã bảo vệ danh dự, tư do và độc lập của Tổ quốc, đuổi hết bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi… Hôm nay cũng như hôm qua, hãy cất cao thật mạnh mẽ trên toàn thế giới lời kêu gọi chiến đấu của chúng ta: “Không được đụng đến Việt Nam” (trích Tuyên bố của hội nghị quốc tế “Việt Nam và thế giới” kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, họp tại Hà Nội, tháng 5.1980). “Hồ Chí Minh, một cái tên đã đi vào truyền thuyết, một người anh hùng của thời đại chúng ta, bằng tấm gương của mình đã rèn luyện một dân tộc, khiến cho những hành động anh hùng của dân tộc này thành thực tế hằng ngày… Có những nhân vật lãnh đạo đã thể hiện trước được những đức tính đẹp đẽ nhất của con người trong tương lai và đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật đó. Đảng chúng tôi, tờ báo chúng tôi xin gửi lời chia buồn thống thiết đến nhân dân Việt Nam” (trích Báo Dân chúng, Cộng hoà Uruguay, Nam Mỹ). “Thật đáng tiếc là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không được chứng kiến ngày đất nước của Người hoàn toàn giải phóng, 30.4.1975. Không chỉ Việt Nam, thế giới mất đi một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX” - Báo Người vô sản, Thuỵ Điển viết sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Trong vở sân khấu mang âm hưởng sử thi “Danh nhân lớn lên từ điệu hò, câu ví” của đoàn ca kịch Nghệ An (giải xuất sắc tại Liên hoan sân khấu dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999) có bài hát “Xôn xao bến cảng Nhà Rồng”. Lời bài hát: “Đất nước đau thương nên người phải ra đi, chia tay dòng sông, con đò và bến nước. Chia tay những người thân bao niềm thương nhớ, tiễn Bác ra đi xôn xao bến cảng Nhà Rồng. Người ra đi mang theo câu ví dặm. Người ra đi, đi tìm hình của nước. Bác đến với Lê nin, Bác đứng giữa trời Âu, Bác reo lên khi đã tìm ra chân lý. Bác reo lên vì hạnh phúc dân tộc Việt Nam”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục