Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quản lý an toàn thực phẩm:
Bài cuối: Thi hành luật - Cần đổi mới
Thứ sáu: 14:26 ngày 04/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại diện 3 sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tỉnh thành lập một cơ quan quản lý nhà nước theo hướng thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP), đáp ứng yêu cầu về quản lý ATTP trong tình hình mới.

Ngành Công Thương: Khó trong thi hành luật

Ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo khoản 1 Điều 34 Luật ATTP, cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khi có đủ các điều kiện bảo đảm ATTP phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên hiện nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại không thể hiện cụ thể ngành nghề kinh doanh. Điều này gây khó khăn cho cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Bên cạnh đó, khoản 5, Điều 10 Nghị định số 17 của Chính phủ quy định: “Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải bảo đảm yêu cầu về sức khoẻ, không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp”, nhưng mẫu sổ khám sức khoẻ định kỳ (theo Thông tư 14 của Bộ Y tế) lại không có tiêu chí để xác định các bệnh trên. Do vậy, không thể xác định được hành vi vi phạm của cơ sở và điều kiện bảo đảm ATTP.

Một số hành vi không được quy định hoặc quy định không rõ trong Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, nhưng lại được quy định phải xử lý VPHC theo Nghị định số 115 và Nghị định số 124 của Chính phủ.

Ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Ông lấy ví dụ, hành vi vi phạm được quy định theo Nghị định số 124 năm 2021 (điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 115) là “Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 155 và Thông tư số 13 năm 2020 của Bộ Công Thương, không còn cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Đăng Khoa, Nghị định số 15 năm 2028 đã cắt giảm, rút nhiều thủ tục hành chính như: kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, nhưng lại khó khi thực hiện ký cam kết ATTP đối với các cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Hiện các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ đang gặp khó khăn trong việc chứng minh năng lực bảo đảm ATTP của mình do không được cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận; khó khăn trong việc tự công bố và cho cơ quan quản lý trong công tác quản lý tự công bố.

Nguyên nhân, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm chưa đầy đủ, đặc biệt là các loại thực phẩm không phổ biến, thực phẩm đặc thù địa phương; không bắt buộc tự công bố đối với những sản phẩm chế biến không bao gói sẵn, trong đó có một số sản phẩm chế biến có hạn sử dụng dài nhưng không thuộc diện phải thực hiện tự công bố sản phẩm nếu không bao gói sẵn như: lạp xưởng tươi, khô các loại... Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) bày tỏ, khó khăn hiện nay là việc phân cấp quản lý về ATVSTP; vẫn còn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về chất lượng, ATTP do sự thay đổi hoặc bãi bỏ các điều khoản trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trước đây...

Trong khi đó, ý thức chấp hành quy định về ATTP tại một vài cơ sở sản xuất, cửa hàng, doanh nghiệp và người sản xuất chưa tốt; vẫn còn cơ sở sử dụng chất cấm, chất phụ gia không đúng quy định trong sản xuất; một số cơ sở sản xuất ATTP vi phạm điều kiện vệ sinh tại khu vực sản xuất.

“Hành vi sử dụng chất cấm, chất tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh là hành vi vô đạo đức, phải tăng chế tài để răn đe”- ông Mấy kiến nghị.

Kiến nghị thành lập cơ quan chuyên quản lý về ATTP

Theo ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương, ngành kiến nghị các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT tham mưu Chính phủ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất “chỉ một đầu mối” thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Đối với địa phương, cần bổ sung thêm biên chế phục vụ công tác quản lý ATTP của ngành; cấp kinh phí tổ chức các khoá đào tạo và chứng chỉ lấy mẫu cho các cán bộ phụ trách lĩnh vực ATTP để công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm giám sát ATTP được hiệu quả hơn.

Kiểm tra mẫu thực phẩm tại một cơ sở sản xuất chả lụa chay ở thị xã Hoà Thành.

Bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế cũng đề xuất Trung ương sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để quản lý ATTP; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất; tiếp tục triển khai tập huấn thanh tra chuyên ngành, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý tại địa phương theo kịp các văn bản mới ban hành.

Đối với địa phương, đề xuất tỉnh thành lập một cơ quan quản lý về ATTP để thực hiện quản lý, tránh tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành quản lý. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ công tác bảo đảm ATTP; quan tâm bố trí kinh phí; đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhiệm vụ công tác bảo đảm ATTP, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP và huy động các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo đảm ATTP.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ATTP đến các cấp huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường, thị trấn; thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp; bố trí cán bộ có đủ chuyên môn về quản lý ATTP từ cấp huyện đến cấp xã và tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức làm công tác ATTP tại địa phương đáp ứng yêu cầu về quản lý ATTP trong tình hình mới, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn. Ban hành các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên ATTP tuyến cơ sở vì đây là đầu mối quan trọng giúp cho chính quyền cấp xã thực hiện tốt vai trò quản lý ATTP.

Một người tiêu dùng thông thái - một tuyên truyền viên tích cực

Chia sẻ về những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý của các ngành về ATTP thời gian qua, trong đợt giám sát công tác quản lý ATTP đối với 3 sở: Công Thương, Y tế và NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, nhận định: “Bức tranh toàn diện về công tác quản lý ATTP của tỉnh đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, ý thức đối với công tác quản lý ATTP của tỉnh.

Tôi đánh giá rất cao ý thức và trách nhiệm khi nhận trọng trách bảo đảm sức khoẻ, an toàn tính mạng cho người dân Tây Ninh. Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận những vấn đề lớn hiện nay, trước hết là thiếu nguồn nhân lực, không có thiết bị phục vụ đoàn kiểm tra về ATVSTP... Đây là những hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm nay. Trong khi đó, cơ chế đặt ra ở đây là không có một cơ quan chủ quản, mà chỉ có Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP”.

Kiểm tra mẫu thực phẩm tại một cơ sở sản xuất chả lụa chay ở thị xã Hoà Thành.

Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương- nhất là chính quyền cơ sở trong bảo đảm an ninh, ATTP. Ban Văn hoá - Xã hội sẽ kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất xây dựng một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý chung về công tác ATTP; đồng thời nghiên cứu xây dựng một đơn vị chịu trách nhiệm về kiểm nghiệm, phân công phụ trách theo chuyên môn.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị hạn chế đến mức thấp nhất việc hai, ba ngành kiểm tra trùng lặp các doanh nghiệp trong một năm. Dẫn chứng, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Sở Công Thương đến kiểm tra, sau đó Sở Y tế tiếp tục đến kiểm tra- tức là có thể có những ngành khác cũng đến kiểm tra cơ sở đó như vậy. Bà Nguyễn Thị Xuân Hương đề nghị: “Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin với nhau, tránh trường hợp doanh nghiệp phản ánh, đồng thời phải thống nhất về quan điểm xử phạt”.

Song song đó, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị nâng cao trách nhiệm về công tác quản lý ATTP của Ban Chỉ đạo các cấp huyện và xã, đặc biệt là đối với thức ăn đường phố. Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội để nâng cao ý thức của người dân, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.

Tâm Giang

Ngày 5.5.2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 154 thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Nếu chúng ta thực hiện theo đúng kế hoạch, chúng ta sẽ thực hiện tốt, bảo đảm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương.

Chúng ta đã xác định đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc và phát triển bền vững của đất nước. Đảng đã khẳng định đây là việc rất quan trọng và hệ trọng, cần nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền địa phương cũng như Ban Chỉ đạo liên ngành”.

Tin cùng chuyên mục