Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Tây Ninh: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bài cuối: Tìm giải pháp cho công tác chuyển đổi số
Thứ sáu: 08:31 ngày 06/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại hội thảo khoa học giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các thành viên đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã thảo luận, tìm giải pháp chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao đổi thông tin về công tác đổi số trong lĩnh vực y tế ở tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay.

Thách thức đặt ra đối với Tây Ninh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xu hướng số hoá đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số giúp các quốc gia đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, chuyển đổi số y tế trở thành một xu hướng, một nhu cầu thiết yếu đối với Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng.

Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND hết sức quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Kết quả cho thấy, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương bước đầu được hình thành để phục vụ công tác quản lý.

GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh điều hành Hội thảo.

Tuy nhiên, theo đoàn công tác Học viện, trong 3 ngày khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, những khó khăn chung của cả nước cũng là thách thức đặt ra đối với tỉnh Tây Ninh.

Hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân hầu như chưa được triển khai. Thực tiễn đó đặt ra nhiều câu hỏi như: tại sao mức độ sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử có tỷ lệ thấp? Giải pháp nào để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, thúc đẩy thành công của quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế nói chung, hồ sơ sức khoẻ điện tử nói riêng?

Tại hội thảo, các thành viên đoàn công tác tập trung thảo luận các nhóm vấn đề trọng tâm như: Đánh giá toàn diện, kết quả của quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phân tích, nhận diện những khó khăn, điểm nghẽn của tiến trình chuyển đổi số y tế, đặc biệt là tiếp cận, sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân từ góc độ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn nhân lực y tế các cấp; nguồn lực tài chính; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong tiến trình tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, lãnh đạo tỉnh đã giao cho Sở tham mưu các chương trình giai đoạn, kế hoạch hằng năm về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số, trong đó có nhiệm vụ “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế”.

Ngày 7.10.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2272/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án Thiết lập hệ thống bệnh án điện tử với mục tiêu đầu tư trang thiết bị phục vụ xây dựng bệnh án điện tử cho các bệnh viện và trung tâm y tế công lập trên địa bàn tỉnh nhằm tạo lập một môi trường thông tin trực tuyến hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, góp phần thiết lập hệ thống hồ sơ quản lý sức khoẻ toàn dân.

ThS.BS CKII Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh báo cáo tham luận “Hiệu quả và lợi ích khi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt” đối với bệnh viện. Qua đó cho thấy, việc áp dụng thanh toán phí không dùng tiền mặt giúp đơn giản hoá thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn, không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới bệnh viện thông minh.

Đối với người dân, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt đem lại lợi ích như giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán.

Đối với xã hội, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt giúp các ngân hàng, đơn vị trung gian kết nối thanh toán nhanh chóng, không mất nhiều công sức. Những năm qua, tỷ lệ người bệnh và người nhà bệnh nhân chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng lên. Nếu năm 2020 không có bệnh nhân nào thanh toán chi phí không dùng tiền mặt, thì đến ngày 26.8.2024 đã có 5.179 ca bệnh thanh toán chi phí theo hình thức hiện đại này.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, thành viên đoàn công tác Học viện tham gia thảo luận.

ThS. Phí Văn Thâm, chuyên viên cao cấp Bộ Y tế phân tích về phân công trách nhiệm chưa rõ ràng của Chính phủ và Bộ Y tế, khó khăn về kinh phí thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế cả nước nói chung, ở tỉnh Tây Ninh nói riêng. GS.TS Nguyễn Hữu Minh- Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam chia sẻ khó khăn với Tây Ninh.

Ông cho rằng, Trung ương quy định cho địa phương quá nhiều chỉ tiêu, thời gian thực hiện ngắn, nên địa phương không thực hiện kịp. “Đây là vấn đề tôi cho rằng, chúng ta cần ý kiến với cấp trên để giảm bớt chỉ tiêu, thời gian thực hiện”- GS.TS Nguyễn Hữu Minh nói.

Các thành viên trong đoàn công tác Học viện còn thảo luận đánh giá toàn diện, kết quả của quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phân tích, nhận diện những khó khăn, điểm nghẽn của tiến trình chuyển đổi số y tế, đặc biệt là tiếp cận, sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân từ góc độ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn nhân lực y tế các cấp; nguồn lực tài chính; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong tiến trình tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát máy móc thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng (ảnh minh hoạ).

Đánh giá kết quả triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ từ cấp tỉnh đến cấp xã; khả năng tiếp cận và năng lực thích ứng của người dân, đặc biệt nhóm chịu nhiều thiệt thòi, đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ ra rào cản, thách thức đối với quá trình triển khai, tiếp cận, sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng, các yếu tố tác động, đề xuất giải pháp phù hợp và khả thi với quá trình chuyển đổi số y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là giải quyết điểm nghẽn trong triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân trong thời gian tới.

Hội thảo đã góp phần tích cực vào việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách có tính khả thi, thực chứng hơn, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, cải thiện dần chất lượng dịch vụ y tế các cấp của tỉnh Tây Ninh, thúc đẩy chuyển đổi số không trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số trong quản trị xã hội nói chung.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục