Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hệ thống thuỷ lợi cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ, lượng nước phong phú, dồi dào, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Đường ống đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới hai huyện Châu Thành và Bến Cầu. Ảnh: Đ.H.T
Những năm qua, vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thường xuyên xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện biên giới như Tân Biên, Châu Thành và Bến Cầu, nơi hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp căn cơ chính là đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh mương, điều tiết nguồn nước phù hợp, tránh tình trạng “nơi thừa, chỗ thiếu”.
Bước đầu phát huy hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ cuối năm 2022, giai đoạn 1 của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (Dự án) được đưa vào vận hành khai thác, cung cấp nước tưới tự chảy trên toàn bộ hệ thống kênh chính từ xã An Cơ (huyện Châu Thành) đến xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã vùng biên giới hai huyện này.
Ông Nguyễn Minh Lý- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn có 419 tuyến kênh thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và các tuyến rạch, suối có khả năng tiêu thoát nước với tổng chiều dài là 94.367.142 m. Thời gian qua, UBND huyện đã đầu tư 34 công trình thuỷ lợi, tổng chiều dài 41.977m, phục vụ tưới, tiêu 4.754 ha đất sản xuất. Hệ thống thuỷ lợi thuộc Dự án được đưa vào vận hành khai thác cũng đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tưới hàng trăm héc-ta đất dọc các tuyến kênh.
Ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long) đang canh tác khoảng 0,5 ha hoa màu cho biết, mùa khô năm nay khá gay gắt. Thời tiết từ cuối năm 2023 đến nay liên tục nắng nóng, lại không có mưa, nhưng các giếng khoan tại khu vực ấp Thành Đông vẫn có đủ nước để bơm, không bị hụt như những năm trước. Theo ông Bảy, khu vực ruộng của gia đình ông cách tuyến kênh chính của Dự án khoảng 500 m, không thể lấy nước tưới trực tiếp như những ruộng ở gần.
Tuy nhiên, từ khi Dự án vận hành, ông nhận thấy lượng nước các giếng trong khu vực này được cải thiện rõ rệt. “Có đợt tôi bơm liên tục hai, ba ngày để tưới ruộng mà nước vẫn lên mạnh; mấy năm trước, bơm chừng vài ba tiếng đồng hồ là nước hụt, lên yếu lắm, không đủ nước tưới”- ông Bảy chia sẻ thêm.
Trên địa bàn huyện Bến Cầu, ông Lê Văn Út (ngụ ấp Phước Tây, xã Long Phước) cho biết, những năm trước, việc canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây rất vất vả, nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng chủ yếu là từ giếng khoan nên tốn kém nhiều chi phí. Có lúc do nắng, mực nước ngầm tuột sâu khiến các giếng bị tắc mạch, không có nước tưới ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Theo ông Út, từ khi hệ thống kênh thuộc Dự án qua địa bàn được khơi thông dòng chảy, ông và các hộ có đất dọc theo tuyến kênh này hưởng lợi rất nhiều. Nước tưới được bảo đảm, cây trồng phát triển tốt hơn.
Tuyến kênh dẫn nước được đầu tư kiên cố hoá.
Sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi
Gia đình bà Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu) có khoảng 3 ha đất nông nghiệp. Hằng năm khi đến mùa mưa, gia đình bà gieo sạ lúa, đến mùa khô lại chuyển qua các loại cây trồng khác, ít cần nước hơn.
Theo bà Bé, khu vực nhà bà chỉ cách tuyến kênh dẫn nước của Trạm bơm Long Hưng chưa đầy 500m nhưng vì không có mương dẫn nên không thể lấy nước tưới cây trồng, buộc phải sử dụng nước giếng khoan. Vào mùa khô, mạch nước ngầm thường bị tuột nên rất khó bơm được nước, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Bà mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư, nối dài tuyến kênh Trạm bơm Long Hưng đến khu vực biên giới, giúp bà con nông dân nơi đây thuận lợi canh tác nông nghiệp, phát triển kinh tế vùng biên giới.
Để cung cấp nước tưới cho 5 ha mì của gia đình, ông Huỳnh Văn Tý (ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành) phải khoan đến 4 giếng bơm nhưng vẫn không đủ nước khiến cây mì kém phát triển, chi phí đầu tư tăng cao, giảm lợi nhuận. Ông đề nghị ngành chức năng tiếp tục đầu tư các tuyến kênh nhánh để dẫn nước tưới ra rộng hơn, phát huy tối đa hiệu quả của Dự án, người dân dễ dàng canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tam- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn xã có hai trạm bơm (Long Thuận và Long Hưng) bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng 80% diện tích đất sản xuất của nông dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa có hệ thống thuỷ lợi, như tại khu vực cầu Thúc Múc và ấp Long Hưng (tổng diện tích khoảng 85 ha), tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô thường xuyên diễn ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, Dự án đã được đưa vào vận hành khai thác, nhưng mới chỉ có tuyến kênh chính và một số ít tuyến kênh dẫn nước được đầu tư nên những khu vực gần với dự án mới có nước tưới.
Theo ông Nguyễn Văn Nấu- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu, trên địa bàn có 5 trạm bơm, phục vụ nước tưới cho 3.205 ha (theo thiết kế) đất sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy cho 770 ha rừng. Ngoài ra, còn có 4 con rạch chính dài 110km; 32 tuyến kênh cấp 1, dài hơn 135 km; 65 tuyến kênh cấp 2, dài hơn 137 km phục vụ tiêu - tưới cho 18.366 ha.
Về cơ bản, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, do được đầu tư từ lâu, công suất thiết kế nhỏ nên hiện Trạm bơm Bến Đình không đủ sức cung cấp nước tưới theo nhu cầu sản xuất- đã vượt gần gấp đôi so với công suất thiết kế- của nông dân.
Huyện đã kiến nghị với ngành chức năng tỉnh khảo sát, thiết kế nâng cấp công suất hoặc xây mới thêm một trạm bơm thuộc hệ thống Trạm bơm Bến Đình để bảo đảm việc cung cấp nước tưới cho người dân. Riêng khu vực giáp biên giới còn một số nơi thiếu hệ thống thuỷ lợi, gây khó khăn vào mùa khô. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi tỉnh triển khai nối dài tuyến kênh dẫn nước thuộc Dự án từ ấp Long Cường- xã Long Khánh đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Chủ động nguồn nước sản xuất nông nghiệp
Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270,65 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, cấp nước tưới chủ động 120.936,71 ha, đạt tỷ lệ 80%); tiêu nước cho gần 97.000 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu mét khối/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống thuỷ lợi cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ, lượng nước phong phú, dồi dào, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân; sau khi Dự án (giai đoạn 1) hoàn thành, phục vụ cấp nước tưới tự chảy cho khu vực các xã biên giới của huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, những tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì, có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực.
Để chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với hạn, thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, xây dựng kế hoạch cấp nước phục vụ tưới tiêu, vận hành an toàn đập, hồ chứa, hệ thống kênh; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thuỷ lợi để vận hành, điều tiết kịp thời, hợp lý và chủ động nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình thu hoạch và xuống giống để hỗ trợ nông dân kịp thời, bảo đảm kế hoạch mùa vụ.
Minh Dương