Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bão giật cấp 12 đang tiến vào Nam Bình Thuận - Bến Tre
Chủ nhật: 13:30 ngày 25/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đến 1 giờ ngày 25-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, hồi 13 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 200km, cách Bến Tre 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 1 giờ ngày 25-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh: TTDBKTTVTW

 Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại TPHCM, trong chiều và đêm nay có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25-11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Bão số 9 nhìn từ vệ tinh. Ảnh: TTDBKTTVTW

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay 24-11, trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay 24-11.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 27-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

* Để chủ động ứng phó với bão số 9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Văn bản 576 gửi các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... chỉ đạo triển, thực hiện việc kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu; tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện theo đúng quy trình, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.\

Nội dung văn bản cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở các tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục