Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bảo hiểm xã hội Việt Nam - 25 năm vững trụ cột an sinh
Chủ nhật: 21:14 ngày 16/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
25 năm trước (16/2/1995 - 16/2/2020), lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam - một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thành lập. Kể từ đây, việc đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và mọi người dân được thực hiện đầy đủ hơn, kịp thời hơn và ngày càng tốt hơn.

Trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội

Sáng 15/2/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28 NQ-TW và nhiệm vụ công tác 2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Soi chiếu vào những mục tiêu đã được đặt ra cho ngành bảo hiểm xã hội, có thể thấy trong 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ mà còn kịp thời đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung để Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Từ chỗ chính sách bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng, chuyển sang thực hiện cho mọi người lao động, trên cơ sở quan hệ đóng - hưởng, với hai hình thức: bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động có quan hệ lao động theo quy định và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân.

Chính sách bảo hiểm y tế liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân.

Các Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã tiếp tục khẳng định: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28 và nhiệm vụ công tác năm 2020 diễn ra ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, qua 25 năm hình thành và phát triển, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đóng vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Với trọng trách bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước vào con đường phát triển bền vững, ngành bảo hiểm xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với quá trình phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Mô hình tổ chức hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được hoàn thiện theo chủ trương của Đảng về cải cách, tinh gọn bộ máy. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành lưới an sinh lớn nhất.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 25 năm qua có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng.

Bảo hiểm xã hội quận Long Biên là một trong 30 quận, huyện của Hà Nội đã có hàng trăm người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau các hội nghị tuyên truyền về chế độ, chính sách tại cơ sở. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hành trình 1/4 thế kỷ nỗ lực không ngừng để tạo nên những dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã cho những con số “biết nói”. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng lên qua các năm: Năm 1995 - năm đầu tiên thực hiện Điều lệ bảo hiểm xã hội, cả nước có trên 2,2 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đến năm 2019, ước có gần 16 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574.000 người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300.000 người.

Năm 2009 - năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cả nước có gần 6 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đến năm 2019, ước có trên 13,4 triệu người tham gia (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Đặc biệt, năm 2003, cả nước có gần 11,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, nhưng đến năm 2019, ước đã có trên 85,9 triệu người tham gia (bao phủ gần 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21. Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, phải mất từ 40 đến 80 năm.

Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian. Cuối năm 2019, tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu bảo hiểm thất nghiệp đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu bảo hiểm y tế đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004). Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ, một trong những thành tựu của ngành bảo hiểm xã hội mà ông ấn tượng đó là, trong vài năm gần đây, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã gia tăng nhanh chóng, hướng tới phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc. Theo ông, trước khi Nghị quyết số 28 ban hành, cả nước chỉ có khoảng 280 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, toàn quốc đã có hơn nửa triệu người tham gia, tăng gấp đôi so với năm 2018 và bằng 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, kể từ năm 2008. Đây là một kết quả minh chứng cho sự nỗ lực đáng ghi nhận của ngành bảo hiểm xã hội.

Bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động

Người dân làm thủ tục thụ hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: TTXVN

Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là hết sức quan trọng, ngành bảo hiểm xã hội đã luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số nợ bảo hiểm xã hội năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành. Con số này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động.

Tính từ năm 1995 đến nay, toàn ngành đã giải quyết cho hơn 3,2 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng, trên 120 triệu người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).

Từ năm 2003 đến 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 1,9 tỷ lượt người. Số lượt người được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 28%, thì đến giai đoạn 2015-2019, đã đạt 43%.

Giám định viên bảo hiểm xã hội giám sát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại Trung tâm y tế huyện Tây Sơn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Quỹ bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội. Công tác quản lý tài chính được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đảm bảo phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội. Hoạt động đầu tư quỹ đảm bảo đúng quy định, tỷ lệ lãi suất đầu tư bình quân luôn tăng trưởng dương, cao hơn tăng trưởng kinh tế và cao hơn chỉ số lạm phát, được kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá và ghi nhận là an toàn, hiệu quả và có tăng trưởng.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục