Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với đường biên giới giáp Campuchia khá dài, lại có nhiều đường mòn, lối mở, việc quản lý nhập lậu phế liệu thực sự là vấn đề không dễ dàng đối với các ngành chức năng.
Một cơ sở thu mua phế liệu tại khu vực cửa khẩu Xa Mát.
Vừa qua, UBND tỉnh có công văn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc nhập lậu phế liệu trên tuyến biên giới gửi các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389/TN; UBND các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị kể trên triển khai, ngăn chặn và xử lý tình trạng buôn lậu phế liệu qua biên giới trên địa bàn tỉnh.
HU MUA KHÔNG CẦN BIẾT NGUỒN GỐC
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu phế liệu qua biên giới, UBND tỉnh giao Cục Hải quan tỉnh rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng các quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng phế liệu nhập khẩu, bảo đảm đúng các điều kiện, tiêu chuẩn về phế liệu nhập khẩu theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác định đầu nậu, đường dây, điểm tập kết phế liệu không đúng quy định, lập chuyên án đấu tranh, không để tình trạng chôn lấp phế liệu bất hợp pháp gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng ngăn chặn phế liệu nhập lậu vào nội địa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, khu vực gần cửa khẩu quốc tế Xa Mát có 4 vựa phế liệu hoạt động mua bán với quy mô khá lớn. Trong khi đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục chưa lập hồ sơ nhập khẩu phế liệu cho bất cứ trường hợp nào. Vấn đề đặt ra, tại sao ở vùng biên giới dân cư không đông đúc, số lượng phế liệu từ vật dụng sinh hoạt hằng ngày không nhiều, lại có tới 4 vựa thu mua phế liệu hoạt động nhộn nhịp?
Tại một vựa phế liệu nằm gần cửa khẩu Xa Mát, chủ vựa cho biết, số phế liệu bà mua được do những người đi thu mua chở đến bán. Còn việc họ thu mua ở đâu, có sang Campuchia hay không, bà không quan tâm.
Cũng tại vựa phế liệu này, chúng tôi nhận thấy phần lớn những vỏ chai nhựa PET, các ống nước cũ, bao bì giấy… đều còn nguyên nhãn hiệu bằng chữ Thái Lan, chữ Campuchia. Bên cạnh đó, cơ sở này không hề có biện pháp bảo vệ môi trường, phế liệu được vứt ngổn ngang trên đất, có chỗ còn đọng nước.
Cũng theo bà chủ vựa, số phế liệu sau khi thu mua sẽ được vận chuyển xuống thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Riêng vấn đề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, vựa phế liệu vừa mới được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh kiểm tra và hướng dẫn, và đây là lần đầu tiên vựa thực hiện.
Tại một vựa phế liệu khá lớn khác, khi chúng tôi cùng cán bộ UBND xã Tân Lập vừa đến, chủ vựa bảo là đang ngưng thu mua để đổ đất làm lại mặt bằng. Vì thế, chúng tôi không thể vào bên trong để tìm hiểu thực tế. Tuy nhiên, người chủ vựa này cho biết, anh không tìm hiểu về nguồn gốc phế liệu do những người thu mua đem đến bán. Và vựa chỉ mua những loại phế liệu thông thường, độc hại như rác thải điện tử, vỏ bình ắc-quy... thì không mua.
CẦN TÍCH CỰC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Với đường biên giới giáp Campuchia khá dài, lại có nhiều đường mòn, lối mở, việc quản lý nhập lậu phế liệu thực sự là vấn đề không dễ dàng đối với các ngành chức năng. Trong năm 2017, Công an tỉnh chỉ mới phát hiện và xử lý 2 vụ nhập lậu phế liệu từ Campuchia tại 2 vựa nằm tại địa bàn các xã biên giới.
Thực tế, vấn đề kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu ở các xã khu vực biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Biên, hoạt động kinh doanh cũng như việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường tại các vựa phế liệu ở khu vực cửa khẩu Xa Mát thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh.
Lãnh đạo UBND xã Tân Lập cho biết, ngày 17.10.2017, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và UBND xã Tân Lập kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại một cơ sở thu mua và sơ chế phế liệu nhựa, nằm gần cửa khẩu Xa Mát.
Qua kiểm tra, tại cơ sở này, nước thải phát sinh từ việc rửa phế liệu chảy xuống hồ chứa, ngấm xuống đất; cơ sở cũng chưa xây dựng bãi tập kết phế liệu, chưa có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, lại thu mua chất thải nguy hại (thùng nhớt, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật...); chất thải nguy hại còn để ngoài trời xen lẫn với chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, khi kiểm tra, xác định vi phạm của cơ sở thu mua phế liệu này, Ban quản lý KTT chỉ yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, ngoài việc bắt buộc các cơ sở thu mua phế liệu phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong kinh doanh sản xuất, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc phế liệu để có biện pháp xử lý triệt để tình trạng nhập lậu ở khu vực biên giới.
THIÊN TÂM