Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có những bến sông xưa từng đông vui “trên bến dưới thuyền” thời chuyên chở đường sông là chính, nay đã trở lại đìu hiu vắng vẻ… Thế nhưng, Bến Kéo (huyện Hoà Thành) vẫn là nơi còn nguyên vẹn cảnh xôn xao “trên bến, dưới thuyền”.
Sông Vàm Cỏ Đông có bao nhiêu bến sông? Chưa ai có thể thống kê hết được. Nhưng có nhiều bến sông đã thành tên của một miền đất quê hương, như những bến Cây Ổi, Băng Dung, Bến Sỏi, Bến Cừ thuộc Châu Thành; hay những Bến đình Trường Đông, Trường Tây thuộc huyện Hoà Thành; hoặc Bến Đình nối Cẩm Giang đến làng xưa Tiên Thuận.
Có những bến đã hoặc sắp bị quên đi, bởi có cầu bắc qua như bến Gò Chai. Có cả những bến sông xưa từng đông vui “trên bến dưới thuyền” thời chuyên chở đường sông là chính, nay đã trở lại đìu hiu vắng vẻ… Thế nhưng, Bến Kéo (huyện Hoà Thành) vẫn là nơi còn nguyên vẹn cảnh xôn xao “trên bến, dưới thuyền”.
Bến Kéo năm 1930
Có một tin vui về chuyện địa danh. Anh Dương, cán bộ Địa chính xã Long Thành Nam cho biết xã đã có ấp mang tên Bến Kéo. Kể từ năm 2012, ấp mới Bến Kéo chính thức được thành lập, tách ra từ ấp cũ Long Yên. Vậy là một tên gọi xa xưa của một bến sông nay đã thành tên ấp, tên làng. Ấp Bến Kéo nay ôm gọn trong lòng mình cả ngôi đình Long Thành- di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và ngôi mộ vị Thành hoàng của đình là cụ Trần Văn Thiện cũng được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh…
Đấy là chưa kể tới Gò Duối nổi nênh như một cù lao ven rạch Tây Ninh. Nơi ấy cũng có một ngôi miếu thờ “ông em” Quan lớn Trà Vong là tướng Huỳnh Công Nghệ- những người đã từng nổi danh là “sinh vi tướng, tử vi thần” thời lưu dân đi “mở đất” Tây Ninh. Rất có thể Gò Duối còn là một đồn điền dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi ông vua này có chủ trương cho lập những đồn điền kiểu “Tịnh vi nông, động vi binh” (thời bình làm dân, thời chiến làm lính). Vậy mới có cái tên “gò Ruộng Quan” còn trong ca dao xưa ở đất Long Thành.
Vào một ngày thu bầu trời ủ dột, hay một ngày hè chang chang nắng, cuồn cuộn mây xa, Bến Kéo thời nay vẫn luôn sôi động cảnh làm ăn. Khoảng mười năm trước thì ghe chài lưới, ghe bầu đậu bến xôn xao, tất bật. Đến nay, cá sông Vàm Cỏ Đông ngày một ít đi, người dân Bến Kéo lại chuyển sang làm những bè nuôi cá. Phần nhiều là cá lóc, cá nàng hai. Bây giờ thì có thêm cả những bè nuôi vịt.
Vậy nên, khung cảnh Bến Kéo trở nên nhộn nhịp và tươi tắn lắm. Xanh mướt những dề lục bình bao quanh bè cá. Những chiếc phao nổi bằng thùng nhựa màu xanh dương hay xanh lá. Đây đó sặc sỡ những điểm nhấn màu cam vàng hay đỏ. Đấy là những tấm bạt lưới, vè để kết vào những khung tre làm bè nuôi cá. Để cho “tông xuyệt tông” hay sao, mà thế nào cũng có người mặc áo màu cam. Họ đi ra đi vô xem xét, hoặc cho cá, cho vịt ăn, làm nhộn nhịp cả một khúc sông Vàm.
Để nhìn rõ một chân dung Bến Kéo thì phải tới Bến Đình, tức là cái bến sông từ cổng đình Long Thành đi xuống. Tốt nhất là gặp một ghe bầu từ miền Tây đi lên vừa cập mũi vô bờ, xin với chủ ghe cho lên ra tới đuôi ghe thì toàn cảnh Bến Kéo hiện ra, đẹp đến bất ngờ. Bên trái bến sông đã đông đúc cửa nhà ấy là một con xẻo nhỏ. Xẻo chỉ sâu vào, vừa đủ chỗ cho khoảng hơn chục căn nhà sàn nối tiếp bên nhau.
Sàn nhà chỉ cao lên khỏi mặt nước vài ba tấc hay nửa mét. Những mái tôn dốc ra hai phía, còn óng ả mới thay hoặc bị gỉ sét biến màu nâu. Nhà nào cũng có ghe xuồng hay vỏ lãi composite sơn hai màu xanh trắng. Ở bên này cũng luôn nhộn nhịp cảnh làm ăn như ở phía làng bè.
Nhưng ở phía bên phải của Bến Đình kia mới thật sự là Bến Kéo của thời xưa xa lắc. Cái bến ấy ở ngay sau những vòm cây vườn của vài ngôi nhà có mặt tiền hướng ra sông. Nổi bật là một cái băng chuyền bốc hàng và hai dãy nhà kho cao như nhà ở 4- 5 tầng. Bây giờ, nó vẫn mang tên là kho- cảng Bến Kéo, nhưng là của một doanh nghiệp tên gọi Đặng Huỳnh. Xa hơn nữa, là cảng mới Fico, nơi có những trụ cẩu thép cao cùng một tấm mái vòm cong vươn ra sông che cho những con tàu vừa cập bến.
Dưới màu biếc xanh của cây nổi lên trắng muốt một tượng Phật Bà Quan Thế Âm hướng mặt ra sông. Ở đấy từng có một xóm nhỏ chuyên trồng mai tết. Cái miếu nhỏ của người dân xóm ấy có tên là miếu “Bà Vương Hải Yên Hà”. Sau khi xóm thành cảng Fico, những người quản lý cảng vẫn cho giữ lại và tu sửa thêm cho ngôi miếu, để những ai có tín ngưỡng thờ Bà thì tiếp tục được vào dâng cúng hương hoa.
Kể về miếu, ở ngay xóm nhỏ Bến Đình cặp sát bờ sông vẫn còn một ngôi nữa gọi miễu Ông Tà. Bàn thờ chỉ đặt một cục đá thường trùm vải đỏ. Có một câu chuyện thú vị liên quan đến hòn đá ấy. Là vào thời dân Long Thành xây đình Bến Kéo, có một ông dân chài chuyên việc lặn tìm các cây gỗ rừng bị trôi về Bến Kéo trong mùa lũ. Mỗi khi lặn tìm, do nước sâu mà ông phải mượn hòn đá để ôm mà lặn xuống.
Nhờ thế, dân Long Thành tìm được nhiều gỗ quý xây ngôi đình lớn. Bây giờ hỏi đình Long Thành có người còn chưa biết, nhưng nếu gọi tên là đình Bến Kéo thì người Long Thành Nam ai cũng chỉ cho thật ngọn ngành. Coi vậy mà cái tên Bến Kéo lại được người ta nhớ hơn là tên ấp cũ Long Yên, dù cái tên này thật đẹp và có lẽ còn xa xưa hơn cái tên Bến Kéo.
Ai người Tây Ninh đã đọc hoặc nghe kể theo sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh thì đã biết nguồn gốc cái tên Bến Kéo. Ấy là khi người Pháp vào chiếm đóng Tây Ninh sau Hiệp ước 1862 với triều vua Tự Đức, đường bộ thì chúng theo con đường sứ (782 và 784 và 781 ngày nay), đường thuỷ theo sông Vàm Cỏ Đông, lên tới Bến Kéo thì dừng lại. Chúng chuyển súng đạn, hàng hoá lên đây rồi thuê dân dùng xe trâu, xe bò kéo về đồn ở tỉnh lỵ, nay là thành phố Tây Ninh. Vì vậy Bến Kéo mới thành tên.
Trong một tác phẩm lịch sử khác là Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858- 1898) của cố Giáo sư Trần Văn Giàu (NXB TP.HCM, 2001), cũng xuất hiện địa danh Bến Kéo. Đấy là khi viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền và Pô-kum-Pao, sau khi nghĩa quân thắng trận thứ nhất tại bến Trường Đổi, tiêu diệt viên quan ba chủ tỉnh Lac-cơ-lô-zơ, “Đô đốc La-gơ-răng-đe cấp tốc gửi chiến thuyền “long din” đem quân cứu viện đến Tây Ninh…
Địch đổ bộ lên benkeo, ngoài vàm sông, cách Tây Ninh 7 dặm mà không một tên Pháp nào dám ló ra khỏi thành để đi đón viện binh từ benkeo đến…”. Đấy là vào khoảng từ ngày 7 đến 14.6.1866. Chú ý rằng Nhà sử học đã chép nguyên cái tên này không bỏ dấu, tức là chép lại theo các tài liệu do quân Pháp ghi chép. Do vậy, có thể hiểu là cái tên này đã được xác định từ trước năm 1866. Hơn 150 năm đã qua. Bến Kéo vẫn đông vui, và cũng là một nơi đáng để bảo tồn.
TRẦN VŨ
(còn tiếp)