Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh dại-không thể xem thường
Thứ hai: 07:31 ngày 31/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hầu hết các trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại là do chủ quan, không đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Tiêm phòng dại cho chó, mèo để bảo vệ con người (ảnh minh hoạ).

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 11.2018, toàn tỉnh đã có 4 ca tử vong vì bệnh dại do động vật cắn, tăng gấp đôi so với năm 2017 (năm 2017 có 2 ca tử vong). Trong đó có 2 ca tại Dương Minh Châu, 1 ca ở Gò Dầu và 1 ca ở Tân Châu. Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều ca tử vong vì bệnh dại nhất trong vài năm trở lại đây.

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại là do chủ quan, không đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Khi phát hiện có ca tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lập tức phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã xuống nhà hướng dẫn cho người nhà đi tiêm phòng dại, tẩy uế vật dụng và có kế hoạch xử lý đàn chó dại, tránh lây lan ra cộng đồng.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật (chủ yếu là chó, mèo, dơi…) lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Giai đoạn tiền triệu chứng thường từ 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị. Bệnh dại do virus dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. Người bệnh dại tử vong chỉ sau vài ngày có triệu chứng đầu tiên. Điều duy nhất con người có thể làm để thoát khỏi bệnh dại chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại ngay sau khi có dấu hiệu bị động vật cắn, cào xước, liếm vào vết thương…

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 1.11.2018, toàn tỉnh có 7.036 ca bị chó, mèo cắn, giảm 2.509 ca so với cùng kỳ. Trong đó, huyện Tân Biên dẫn đầu với 844 ca, kế đến là huyện Dương Minh Châu có 740 ca, Hoà Thành có 692 ca, Tân Châu có 595 ca, Châu Thành có 204 ca. Các huyện còn lại không ghi nhận trường hợp nào.

Ông Nguyễn Văn Mấy - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hằng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng ngàn trường hợp bị chó, mèo cắn. Có người bị chó nhà cắn, có người bị chó thả rong ngoài đường cắn. Nhìn chung, ý thức phòng ngừa bệnh dại của người dân còn kém, chưa tự giác tiêm ngừa dại cho chó, mèo và có biện pháp quản lý chó, mèo tại nhà.

Tháng 3.2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh ban hành kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rong năm 2018 có 5 thành viên phối hợp với lực lượng Công an và Thú y địa phương. Kết quả, đội đã thực hiện 23 chuyến bắt chó thả rong trên địa bàn tỉnh, bắt được 317 con chó thả rong. Theo đó, Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 259 trường hợp và không tiêm phòng vắc-xin dại, với tổng số tiền là 50,8 triệu đồng; thanh lý 58 con.

Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại cho người dân thông qua tờ rơi và các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, người dân vẫn còn hời hợt trước vấn đề này.

UBND tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch, văn bản nhằm tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, chó thả rong vẫn còn ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn. Số chó, mèo được người nuôi tiêm ngừa dại vẫn còn rất ít, chủ yếu ở các vật nuôi có giá trị cao, gia đình có điều kiện.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bệnh dại còn tồn tại như: chó được nuôi hầu như không có chuồng nhốt, không rọ mõm, không xích, không tiêm ngừa dại… Khi chó thả rong bị bắt, chủ không nhận lại chó do sợ đóng phạt vi phạm hành chính. Việc thống kê đàn chó tại địa phương còn nhiều khó khăn do người nuôi chó không đăng ký tại chính quyền địa phương. Lực lượng thú y cơ sở mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng và không có kinh phí hỗ trợ để thực hiện. Việc sử dụng thuốc Đông y để điều trị bệnh dại vẫn còn dẫn đến các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người.

Nuôi chó, mèo là thói quen và nhu cầu của đa số người Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, các giống chó, mèo ngoại nhập thu hút các gia đình có điều kiện. Trong đó có nhiều giống chó hạng nặng, hung hăng, độ nguy hiểm cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bị chó, mèo cắn. Do đó, để đẩy lùi bệnh dại trong cộng đồng, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Hay nói đúng hơn chính là người nuôi phải có trách nhiệm đối với vật nuôi và phải có ý thức phòng, ngừa bệnh dại cho chó, mèo và ngược lại.

Ý thức phòng ngừa bệnh dại của người dân còn kém, chưa tự giác tiêm ngừa dại cho chó, mèo và có biện pháp quản lý chó, mèo tại nhà. Ảnh: Đ.H.T

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; không cho trẻ nhỏ đến gần vật nuôi trong nhà…

Trường hợp người bị chó, mèo cắn, cào xước không nên chủ quan điều trị tại nhà bằng phương pháp Đông y mà phải đến các cơ sở y tế để khám và tiêm vắc-xin phòng dại huyết thanh kháng dại kịp thời. Bên cạnh đó, người nhà không nên vội đập chết chó, mèo khi bị cắn mà phải theo dõi để chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời nếu chó có dấu hiệu phát bệnh dại.

Lê Thùy

 

 

Tin cùng chuyên mục