Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bồ câu trong lòng phố
Thứ sáu: 20:02 ngày 14/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thành phố mình không chỉ có vườn chim, nơi các loài chim trời và cò vạc bay về trú ngụ. Thành phố mình còn có những đàn bồ câu điểm tô cho bầu trời bình yên. Nhiều nơi lắm, tôi không nhớ hết. Nhưng dường như lúc nào đó dừng chân, ngước mắt lên bầu trời, tôi thường bắt gặp những cánh chim bay, xao xác giữa trời mây. Loài chim này quen thuộc lắm. Vậy nên người lớn thật dễ dàng nhận ra chúng là những (cô) chú bồ câu.

Sao quen ư? Nếu bạn thường xem ti vi, ắt có lúc sẽ gặp cảnh này. Đấy là cảnh bầy chim bồ câu sà xuống tìm ăn trước một kiến trúc cổ, một nhà thờ, hay quảng trường thành phố nào đó. Có nơi chúng còn đậu trên tay người xoè những nắm thức ăn. Có lần tôi còn thấy cảnh ngay trước nhà thờ Đức Bà, TP. Hồ Chí Minh, những người phụ nữ đem rải thóc cho chim ăn. Đích thị chim bồ câu đấy, thưa bạn! Một loài chim trở nên nổi tiếng trong tranh Picasso, được Liên Hợp Quốc chọn làm biểu tượng hoà bình trên trái đất. Điều này khiến tôi lại nhớ về những năm đất nước còn chiến tranh, chim bồ câu thường xuất hiện trong hành trang và ký ức người ra trận. Này nhé: một cuốn sổ tay, trang đầu thường vẽ đôi chim câu tung cánh bay. Một chiếc khăn tay, có hình thêu nắn nót cũng một đôi chim bồ câu đang âu yếm bên nhau, hoặc cùng nhau dang rộng cánh. Các cô gái quê có người yêu đi xa cũng thường may một đôi áo gối, trên ấy thêu một đôi lứa chim câu, như là một ước nguyện sẽ có ngày chàng trai ấy trở về gối đầu trên gối ấy. Vậy mà khi đất nước hoà bình, đã có rất nhiều chàng trai, cô gái ra đi mãi mãi không về.

Bạn có biết Bài Ca Hy Vọng không? Với những câu ca: “Từng đôi chim bay đi/ Tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến… gió mùa xuân…”. Thì cũng là nhạc sĩ viết về những cánh chim bồ câu đấy! Không chỉ là biểu tượng của hoà bình, bồ câu còn tượng trưng cho niềm hy vọng. Tôi từng nghe những người tù kháng chiến trong lao tù đế quốc Mỹ, ai cũng thuộc và hát bài ca ấy. Như biểu hiện của niềm hy vọng sắt son sẽ tới ngày toàn thắng, họ lại dang rộng đôi cánh tự do trên bầu trời đất nước quê hương. Thăm di tích nhà tù Côn Đảo trở về, nhà thơ Anh Ngọc viết: “Tiếng hát bay ra từ những xà lim/ Cái lỗ khoá hình ngôi sao năm cánh/ Trổ lên trời một vì sao giá lạnh/ Một chấm xanh nơi tiếng hát bắt đầu…” (Sóng Côn Đảo- trường ca).

Tôi cũng mượn cái “chấm xanh” của nhà thơ để chấm hết những dòng liên tưởng lan man, để trở về với những đôi cánh chim bồ câu trong thành phố Tây Ninh. Mà đến giờ vẫn cho tôi những cảm giác bình yên, thanh sạch, hồn nhiên nhất, cho dù cuộc sống có bề bộn thế nào đi nữa. Tôi nhớ những đàn chim bay ràn rạt bên sườn núi Bà, nơi có động Kim Quang mỗi mùa Hội xuân Núi Bà mùng 4 tết. Nhớ cả đàn bồ câu bay trên nóc chùa Trung, chùa Hiệp Long mỗi dịp hội hè. Nhớ cả Thanh Điền ngoại ô có chùa Tứ Phước, nơi sư cô nuôi chim bằng những cái rổ tre. Mỗi sáng chúng lại đậu đầy trước sân đợi thóc từ tay người tu sĩ… Nhưng gần nhất là ngay ven rạch Tây Ninh, đoạn có công viên nhỏ xinh như một cây đàn tì bà trên phố Yết Kiêu. Trưa chủ nhật tôi qua, thấy bầy bồ câu đậu giữa sân công viên tìm ăn, bên cạnh mấy anh chị công nhân chăm sóc hoa kiểng đang giở nón ăn trưa dưới bóng cây gần đấy. Hỏi, một chị bảo: Chúng đang đợi đấy! Giữa trưa sẽ có người rải thóc cho ăn. Bà ấy là người trong một quán ăn ven rạch. Khi thấy bóng bà ấy cầm chiếc rá con đi ra, là nhiều đàn chim tíu tít bay về.

Quả nhiên, chỉ thoáng chốc sau những cánh chim câu đã đan dệt rợp trời, làm xôn xao bóng nước, khi người phụ nữ đã luống tuổi rải tung ra từng nắm thóc. Hỏi, bà bảo chẳng phải chim bà nuôi, nhưng bà thích cho chúng ăn. Chỉ là gìn giữ một cảnh quan.

Vâng, tôi đã nhiều lần dừng xe để ngắm bầy chim ấy mỗi lần có dịp đi trên phố Trần Hưng Đạo. Chúng chao qua, liệng lại từ bờ rạch bên này sang tới bờ kia. Chúng yểu điệu đảo những vòng tròn trên khoảng trời xao xác bóng dừa thẫm xanh dưới nền trời mây trắng. Bên đầu phố Quang Trung chỉ thấy vài tổ chim loáng thoáng. Mà đàn chim đến ăn này có tới mấy trăm con. Có nghĩa rằng chúng đã tụ về đây từ nhiều nơi trong thành phố. Cảnh quan này, có lẽ vẫn thắp lên trong lòng người dân thành phố một niềm hy vọng, dù có giản dị, bình thường hơn những niềm hy vọng của một thời qua.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục