Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ Công Thương vẫn muốn siết ôtô nhập khẩu
Thứ tư: 20:24 ngày 04/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lượng xe lắp ráp trong nước đã tăng đáng kể nhưng ưu thế này không giữ được lâu nên theo Bộ Công Thương, cần tiếp tục "quản' xe nhập khẩu.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam, Bộ Công Thương vẫn khẳng định, Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô không tạo phân biệt đối xử giữa xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu.

Nghị định 116 có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định ATIGA với cam kết thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% - ngày 1/1/2018. Với Nghị định 116, một số nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước thành viên WTO (Mỹ, EU, Nhật Bản) lo ngại có thể tạo thêm thủ tục, gây cản trở doanh nghiệp xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam.

Sản xuất, lắp ráp ôtô tại Nhà máy ôtô Vinfast (Hải Phòng). Ảnh: Giang Huy

Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, điều các quốc gia trên quan ngại là vấn đề kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA khi ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước không bị yêu cầu như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia. Tuy nhiên, ông Hải cho hay, quá trình lắp ráp, sản xuất xe trong nước cũng phải tuân thủ và từng chiếc xe đều theo quy trình kiểm tra trước khi được lưu thông.

Cũng nhờ nghị định này, Bộ Công Thương đánh giá, cục diện giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước đã có thay đổi đáng kể. Năm 2017, tỷ lệ nhập khẩu gấp 2,5 lần lắp ráp. Năm 2018, tỷ lệ này tăng lên 3,72 lần và 6 tháng năm 2019 giảm xuống còn 1,74 lần. Song, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu có xu hướng giảm nên cần giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu. Nhất là từ năm 2018, xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA của ASEAN. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn do có lợi thuế về ưu đãi thuế quan.

Do đó, theo Bộ Công Thương, cần duy trì Nghị định 116 để "quản lý nhập khẩu ôtô hợp lý trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và phát triển ngành ôtô trong nước".

Trước đó, tại bản dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 116 đã đề xuất sửa điều kiện doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu ô tô phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm vệ sinh, phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, những quy định cốt lõi về kiểm tra xe nhập khẩu theo lô, hay chứng nhận kiểu loại... lại không được bộ này đề xuất sửa.

Tại cuộc họp về điều kiện kinh doanh của Tổ công tác Chính phủ gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, sửa đổi Nghị định 116 là phù hợp trong bối cảnh thị trường, hoạt động nhập khẩu đã đi vào ổn định và Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi theo hướng ôtô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.

Trong khi đó, theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, những quy định giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, giấy chứng nhận kiểu loại... chỉ là "giải pháp ngắn hạn". Về dài hạn, theo vị này, khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. "Xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu thì đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước", vị này lo ngại.

Bình luận với VnExpress về những đề xuất này, một chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, vấn đề của ngành công nghiệp ôtô không phải là có bảo hộ hay không. "Nếu có bảo hộ đi nữa thì trong nước cũng không thể làm được vì giá thành quá cao, và như vậy ngành này vẫn khó phát triển được", ông chia sẻ.

Cũng trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương còn đề xuất loạt chính sách thuế để 'tiếp sức' cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong 3 tháng (không theo phương thức khấu trừ như hiện nay) với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định...; không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô (để giảm giá thành xe); nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe.

Thuế nhập khẩu sẽ theo nguyên tắc, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do. 

Bên cạnh đó, điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số chi tiết quan trọng xe dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến 2025; áp dụng thuế 0% với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá... nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ôtô...

Bộ này còn đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất cho dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô. Ngoài ra, các dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50.000 xe một năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, kèm theo nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số... cũng được đề nghị hưởng một loạt chính sách ưu đãi và hỗ trợ.

Về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng cần có chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia với các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, tập trung vào thương hiệu, dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu khu vực.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục