Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ lúa Hè Thu năm 2023, tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam xuất hiện tình trạng thương lái cạnh tranh thu mua lúa của nông dân, giá lúa liên tục lập đỉnh, phá vỡ kỷ lục trong hơn 10 năm trở lại đây, trong khi lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch gần hết, khiến thị trường lúa gạo không chỉ nóng lên về giá, nguồn cung mà còn khiến nhiều người lo ngại về tình hình an ninh lương thực. Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Nông dân thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2023.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới.
Thu nhập của nông dân còn thấp
Trả lời chất vấn về thực trạng nông dân thu nhập còn thấp, cuộc sống bấp bênh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong đó, người trồng lúa có thu nhập thấp nhất. Trong bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng cao, cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với nông dân.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc bảo đảm nguồn thu nhập cho nông dân là điều được ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, trong đó việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo giảm 20%-25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm: phân bón, giống, thuốc. Chi phí giảm là thành quả giúp tăng thu nhập cho người dân.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Nếu nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành, nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành, nghề khác.
Nếu tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn thì nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa mà có nhiều nguồn thu nhập khác.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian tới cần có sự liên kết các hợp tác xã để có giá ưu đãi, khuyến khích nông dân vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Nông dân phấn khởi thu hoạch lúa vì bán được giá cao.
Bảo đảm an ninh lương thực là ưu tiên số 1
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 7 tháng năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của cả nước là 1,7 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn, tăng 1,8% - 2% so năm 2022. Ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Hiện nay giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn; gạo 25% tấm 598 USD/tấn. So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Việc giá gạo tăng cao được đánh giá là mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, tạo ra cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gạo, đồng thời đặt ra những yêu cầu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng.
NHiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ Hè Thu.
Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ưu tiên hiện tại là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và NN&PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các bên phải tôn trọng, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thoả thuận, làm ăn với nhau. Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực, thứ hai là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo, theo Bộ trưởng, như một cam kết của Việt Nam với lương thực thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”. Cần lấy yếu tố bảo đảm chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các địa phương đôn đốc trong lập, phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất, bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp bảo đảm an ninh lương thực và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép; hài hoà lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cuộc sống cho người bị thu hồi đất.
Minh Dương