Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp.
Ngày 14.6.2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo quy định mới, từ ngày 1.7.2020, “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Đây là thông tin được đông đảo giáo viên đặc biệt quan tâm từ đầu năm học 2019 - 2020 bởi thời gian thực hiện sắp tới gần.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu...”; “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”... cho nên đã có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục cũng như nâng cao đời sống của giáo viên. Nhưng suốt cả thời gian dài, thu nhập thực tế của nhà giáo vẫn thuộc loại thấp, cuộc sống vẫn khó khăn khiến nhiều người không tận tâm với công việc, nhiều người bỏ nghề.
Từ tháng 5.2011, Chính phủ có quyết định thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nghề giáo. Tuy vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý nhưng đó là niềm vui lớn, là sự khích lệ quan trọng đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp. Với phụ cấp thâm niên, đa số có thêm một khoản thu nhập, người gắn bó với nghề càng lâu phụ cấp càng cao.
Kể từ khi thực hiện trả lương theo thâm niên bên cạnh niềm vui vẫn còn nhiều điều bất cập. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra mặt hạn chế “...khi tính phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, có nhiều giáo viên không thực sự tâm huyết, có suy nghĩ chỉ chăm chăm lên lớp dạy đi dạy lại giáo án cũ, gọi là soạn bài nhưng cũng chỉ như “lấy lệ” không có sự đổi mới phương pháp. Một môi trường giáo dục như thế mãi “giậm chân tại chỗ”...
Thực tế là nhiều giáo viên không có sự phấn đấu, ngồi chờ “đến hẹn lại lên” là lương sẽ tăng”. Nhưng có lẽ sự bất cập nhất là chênh lệch thu nhập giữa những giáo viên lâu năm với giáo viên mới vào nghề. Tuy cùng dạy một chương trình, cấp học, khối lớp nhưng chênh lệch nhau có khi lên cả chục triệu đồng/tháng. Và vô lý hơn nếu tính chi trả thừa giờ thì chênh nhau tới hai ba trăm ngàn đồng/tiết dạy. Điều này khiến nhiều giáo viên mới ra trường nản lòng, giảm động lực để theo đuổi và cống hiến cho nghề...
Trước thông tin về việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề nghiệp, cách tính lương sẽ thay đổi, phản ứng của giáo viên rất khác nhau. Chuyện trò với một nhóm giáo viên Ngữ văn, tốt nghiệp Trường Sư phạm cấp 2 Tây Ninh năm 1987, họ cho rằng bỏ phụ cấp thâm niên tức là thu nhập “bị mất đi gần 1/3”, cuộc sống sẽ khó khăn hơn bởi không biết đối tượng sắp về hưu như họ sẽ xếp vào ngạch, bậc nào? Còn một nhóm giáo viên tiểu học “có thâm niên” trên mười năm công tác thì cho rằng “bỏ cũng được không bỏ cũng không sao nhưng có thể bỏ hay hơn, hợp lý hơn”! Vui vẻ và ủng hộ nhiệt tình nhất là số giáo viên tiểu học, mầm non mới ra trường “chưa được hưởng thâm niên”.
Bạn Đ.T.L.Q, dạy ở một trường tiểu học thuộc huyện Tân Châu bộc bạch: “Học cao đẳng 3 năm ra trường “ăn” lương trung cấp, xếp giáo viên hạng IV, hệ số khởi điểm 1,86. Tất tần tật được hai triệu sáu, sống kham khổ lắm. Biết đâu xếp lương mới sẽ được “đổi đời””.
GS - TS Phạm Tất Dong hoàn toàn ủng hộ cách tính lương mới dành cho giáo viên. Ông cho rằng: “Theo tôi, một cách tính công bằng nhất là lương của giáo viên phải được căn cứ vào trình độ, năng lực và những cống hiến trong nghề. Nếu giáo viên ở miền ngược, miền núi, biên giới, hải đảo... thì chắc chắn nên được nhận mức lương hấp dẫn hơn ở miền xuôi và những nơi có điều kiện tốt hơn...”.
Xung quanh việc bỏ phụ cấp thâm niên và cách tính lương mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Tới đây, không còn phụ cấp thâm niên nữa. Phụ cấp này đang là một bức tranh phân cấp giữa người mới vào ngành và người lâu năm. Khi bỏ phụ cấp thâm niên, có thể phân hoá về phụ cấp sẽ không còn hoặc được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi. Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.
Bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành Giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc bỏ phụ cấp thâm niên, định vị bậc lương theo năng lực, trình độ đào tạo và những cống hiến trong nghề là một “cú hích” cho người trẻ, chấm dứt kiểu “sống lâu lên lão làng”. Đây cũng là một động lực cho thế hệ trẻ, thu hút người giỏi vào sư phạm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thu hút nhân tài thì phải tăng chế độ đãi ngộ, mà trước hết là tăng lương.
Tuy nhiên, theo GS - TS Phạm Tất Dong, điều cần phải chú trọng là trình độ của giáo viên phải thực chất, phải có sự thanh kiểm tra, phải đánh giá đúng năng lực, thái độ, đạo đức nghề nghiệp chính xác để xác định mức lương. Cách tính lương mới cần phải minh bạch, sát sao để động viên được sự cố gắng, kích thích được năng lực sáng tạo của giáo viên.
DIỆU MAI