Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn:
Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn về nợ công và quản lý nợ công an toàn, hiệu quả
Thứ sáu: 09:44 ngày 17/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 16.11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội-Ảnh quochoi.vn

Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong phiên chất vấn đã có 49 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tranh luận.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn là vấn đề nợ công. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng nợ công đã và đang là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước, bởi lẽ, tình hình nợ công hiện nay đã sát trần cho phép là hơn 60% của tổng GDP thì rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như việc tỷ lệ thuế, phí/GDP giảm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn thực hiện việc đàm phán, ký kết khoản vay mới, đại biểu băn khoăn “điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào trong việc kiểm soát các việc chi tiêu nợ công trong thời gian tới?”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Ngân (TP.HCM) đặt vấn đề: năm 2010 chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng, đến năm 2017 lên đến 250.000 tỷ đồng. Vậy, với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư cho phát triển.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh nợ công của ta đang tăng rất cao thời gian vừa qua và đúng như đại biểu nói áp lực trả nợ lớn, chúng ta cần phải có lộ trình giảm dần bội chi là cần thiết, đảm bảo an toàn nợ công. Trước bối cảnh như thế, Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá và báo cáo với các cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp về quản lý nợ công, trong đó thể chế và các quy định về quản lý nợ công, quản lý vốn vay ODA… đang từng bước được hoàn thiện; sự phối hợp của các ngành trong quản lý ODA cũng được tăng cường; các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa được tập trung đầu tư…

Các giải pháp này đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, hiện nay nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép. Bộ trưởng khẳng định nếu giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến năm 2017 chỉ còn tăng 9%.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP.Hà Nội) tranh luận với Bộ trưởng về vấn đề liên quan đến nợ công. Đại biểu Tuấn cho rằng Bộ trưởng nói nhiều đến sự kìm hãm phát triển hay tăng tốc của nợ công và chúng ta thành công trong thời gian vừa rồi. Tuy nhiên, theo đại biểu, quan trọng là quan tâm đến hiệu quả của đầu tư công.

Vấn đề con số chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn hiệu quả đầu tư ra sao bởi vì nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì thiệt hại kép. Thiệt hại thứ nhất là áp lực để trả nợ tiền gốc và tiền lãi. Bên cạnh đó, phải trả bù lỗ cho các doanh nghiệp mà ta đầu tư không hiệu quả. Việc bù lỗ trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước ta, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng song song với báo cáo kìm hãm phát triển nợ công thì phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao, bởi vì không đầu tư được thì không phát triển được, nhưng đầu tư không hiệu quả thì làm cho kinh tế càng xấu hơn…

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn tập trung chất vấn về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững); công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, các hành vi gian lận, trốn thuế…; tình trạng chuyển giá có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với doanh nghiệp FDI và các biện pháp xử lý hoạt động chuyển giá.

Đại biểu cũng đặt câu hỏi về tình trạng nợ đọng thuế; tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng không xuất hóa đơn và thói quen mua hàng không lấy hóa đơn của người dân gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước; trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý thuế để phòng, chống tham nhũng; tăng thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng; lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, trong đó có thuế ô tô… và các giải pháp quản lý thuế, hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.

Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả; căn cứ xác định mức trần nợ công; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc vay về cho vay lại và hiệu quả việc sử dụng khoản vay lại; hiệu quả sử dụng vốn vay cho đầu tư công, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Luật quản lý nợ công.

Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Kết thúc phần trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tập trung giải quyết, khắc phục và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chưa được trả lời tại hội trường.

Từ 15-17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngày 17.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thực hiện chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3 thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục