Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bức tranh tổng thể về gia công hàng hóa cho nước ngoài
Thứ tư: 09:02 ngày 19/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với lợi thế là quốc gia có chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí nhân công rẻ, Việt Nam là điểm tìm kiếm những đơn vị gia công của nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới.

Tổng cục Thống kê cho biết, để có bức tranh phản ánh hoạt động gia công trong xuất khẩu của Việt Nam, trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho đối tác nước ngoài của năm 2016 với nguồn nguyên liệu đầu vào hoàn toàn thuộc về nước đặt gia công.

Số liệu về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài được Tổng cục Thống kê biên soạn và tổng hợp theo hướng dẫn của Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc và theo hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Đã có đóng góp cho xuất, nhập khẩu

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017, trong năm 2016 cả nước có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài, trong đó có 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài. Giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp của các doanh nghiệp nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tổng tiền phí gia công các doanh nghiệp nhận được trong năm 2016 là 8,6 tỷ USD.

Hoạt động nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài đã có những đóng góp trong xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sau gia công của các doanh nghiệp thực hiện gia công hàng hóa cho đối tác nước ngoài chiếm hơn 18% (32,4 tỷ USD) tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu từ các đối tác nước ngoài của các doanh nghiệp này chiếm 11,5% (20,2 tỷ USD) tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Hoạt động gia công hàng hóa tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công và nhập khẩu nguyên liệu đạt 16,3 tỷ USD chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.

Trong khi đó, giá trị hàng hóa sau gia công của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 6,7 tỷ USD chiếm 20,6% và nhập khẩu nguyên liệu đạt 3,8 tỷ USD chiếm 19%; giá trị hàng hóa sau gia công của các doanh nghiệp nhà nước đạt giá trị khiêm tốn khoảng 150 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,5% và nhập khẩu nguyên liệu đạt 99,6 triệu USD, chiếm 0,5%.

Điều này cho thấy hoạt động gia công của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là làm thuê cho các đối tác nước ngoài, bởi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ hưởng phần phí (tiền công) từ việc gia công lắp ráp, phần lớn nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp.

Dệt may, giầy dép dẫn đầu

Hai ngành gia công chính của nước ta là dệt may và giầy dép, với doanh thu từ gia công 2 mặt hàng này chiếm trọng số trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho thương nhân nước ngoài của Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, trong năm 2016, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào thuộc sở hữu nước ngoài mang về cho Việt Nam 8,6 tỷ USD tiền phí gia công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất với 81,7% (7 tỷ USD), doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 17,4% (1,5 tỷ USD), doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng 0,9% (77 triệu USD).

Hoạt động gia công nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công; tiếp đến là giầy dép thu về 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công; lắp ráp điện tử máy tính thu về 63 triệu USD, chiếm 0,7%; lắp ráp điện thoại thu 268 triệu USD, chiếm 3,1%; gia công hàng hóa khác thu 1,4 tỷ USD, chiếm 16,2% (Bảng 2).

Đối với hoạt động gia công hàng dệt may, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông là các đối tác chính với 3,5 tỷ USD phí gia công, chiếm 85% tổng phí gia công thu được từ ngành này. Trong đó, các thương nhân đến từ Hàn Quốc đặt thuê gia công nhiều nhất với phí gia công Việt Nam thu được gần bằng các đối tác còn lại với gần 2 tỷ USD, chiếm tới 48,1% số tiền thu được từ gia công hàng dệt may; tiếp đến là Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông.

Hoạt động gia công giầy dép với nguồn nguyên liệu đầu vào thuộc về đối tác nước ngoài đứng ở vị trí thứ 2 với số tiền thu được là 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công. Các đối tác lớn đặt thuê gia công mặt hàng này là: Hàn Quốc 1,2 tỷ USD, chiếm 43,9%; Đài Loan 678 triệu USD, chiếm 24,8%; Trung Quốc 322 triệu USD, chiếm 11,8%; Hồng Kông 165 triệu USD, chiếm 6% và Hoa Kỳ 149 triệu USD, chiếm 5,4%. Trong năm 2016, Việt Nam đã thực hiện gia công giầy dép cho 5 đối tác lớn trên với số tiền thu được chiếm tới 92% tổng số tiền thu được từ gia công giầy dép.

Số tiền thu được từ hoạt động lắp ráp điện thoại với linh kiện thuộc sở hữu của các đối tác nước ngoài chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn với 3,1% (268 triệu USD), chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc với số tiền Việt Nam thu được là 142 triệu USD.

Phí gia công thu được từ việc lắp ráp hàng điện tử máy tính chiếm tỷ trọng tương đối thấp với 0,7% (63 triệu USD) tổng phí gia công mà Việt Nam thu được. Hoạt động gia công nhóm hàng hóa khác (tấm module năng lượng mặt trời, xuồng phao cứu sinh, tấm tản nhiện…) cho đối tác nước ngoài gửi nguyên liệu thu được 1,4 tỷ USD, chiếm 16,1%.

So với giá trị hàng hóa sau gia công, số tiền Việt Nam thu được từ hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do chủ sở hữu nước ngoài cung cấp chiếm 26,4%.

Giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động

Hoạt động gia công cho nước ngoài đã đem lại hiệu quả về mặt xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động trong các doanh nghiệp của năm 2016, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, hoạt động gia công còn có vai trò rất lớn đối với các doanh nghiệp trong việc học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển, tăng cường khả năng quản lý doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, do nguyên liệu phục vụ cho gia công, lắp ráp phần lớn do phía nước ngoài cung cấp và sở hữu, do đó doanh nghiệp Việt Nam khó có thể chủ động trong quá trình sản xuất và chưa thực sự làm chủ được công nghệ vì vậy giá trị gia tăng đem lại từ hoạt động này không cao. Tỷ lệ thu từ hoạt động gia công so với giá trị hàng hóa sau gia công đạt giá trị thấp.

Kết quả điều tra cho thấy, trong năm 2016 tổng số tiền các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động gia công so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công chỉ chiếm 26,4%. Trong đó, tỷ lệ phí gia công trên tổng giá trị hàng hóa sau gia công của mặt hàng điện thoại đạt mức cao nhất với 32,4%, cao hơn tỷ lệ chung (26,4%), điện tử máy tính đạt 30,9%, giầy dép 27,3%, dệt may 24,5%, thấp hơn tỷ lệ chung, các mặt hàng khác là 30%, cao hơn tỷ lệ chung.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp trên tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 62,3%, cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ giá trị nguyên liệu đầu vào nhập khẩu so với giá trị hàng hóa sau gia công cao nhất ở nhóm hàng điện thoại với 78,9%, nhóm hàng điện tử máy tính 76,4%, nhóm dệt may 67,1%, nhóm giầy dép 47% và nhóm hàng hóa khác là 74,7%.

Hàng hóa sau gia công bán tại Việt Nam khá khiêm tốn

Mặt khác, hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp. Theo kết quả điều tra, trong năm 2016 tổng giá trị hàng hóa sau gia công, lắp ráp với nguyên liệu đầu vào thuộc sở hữu nước ngoài đạt 32,4 tỷ USD, trong đó hàng hóa sau gia công, lắp ráp được bán tại Việt Nam là 1,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 3,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công, lắp ráp.

Xét theo từng nhóm hàng gia công, tỷ lệ này của mặt hàng điện tử máy tính đạt giá trị cao nhất với 23,3%; tiếp đến là mặt hàng giầy dép, dệt may và điện thoại với tỷ lệ tương ứng là 7,9%, 1% và 0,2%.

Tỷ lệ hàng hóa sau gia công, lắp ráp được để lại tiêu thụ tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công của mặt hàng điện tử máy tính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 5 nhóm hàng. Nguyên liệu đầu vào của nhóm hàng này thuộc sở hữu của Hàn Quốc và Trung Quốc, giá trị hàng điện tử máy tính sau gia công lắp ráp thuộc sở hữu của Hàn Quốc được bán tại Việt Nam là 41,6 triệu USD, chiếm 29,9% và của Trung Quốc là 6 triệu USD, chiếm 49,5% so với tổng giá trị sau gia công, lắp ráp của mặt hàng này của hai đối tác trên.

Trong khi đó, giá trị hàng giầy dép sau gia công được bán tại Việt Nam thuộc sở hữu của các đối tác: Campuchia với 665 triệu USD, Trung Quốc 80 triệu USD và Xamoa 34,6 triệu USD. Tỷ lệ giá trị sản phẩm này sau gia công thuộc sở hữu của ba đối tác trên so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công của mặt hàng này được bán tại Việt Nam tương ứng là 69,2%; 8,1% và 98,5%.

Giá trị hàng dệt may sau gia công với nguyên liệu đầu vào thuộc sở hữu của đối tác Australia và Đài Loan được để lại tiêu thụ tại Việt Nam đạt giá trị cao nhất với 77 triệu USD và 65 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét theo tỷ lệ hàng hóa sau gia công được bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công của mặt hàng này thì hàng hóa thuộc sở hữu của Australia và Philippines lại chiếm tỷ lệ nhiều nhất tương ứng là 28,2% và 27,5%.

Với mặt hàng điện thoại chỉ có duy nhất hàng thuộc sở hữu của Hàn Quốc được bán tại Việt Nam với 1,6 triệu USD, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 0,2% so với tổng giá trị hàng sau gia công, lắp ráp của hàng hóa này.

Với nhóm hàng hóa khác, tỷ lệ hàng hóa bán tại Việt Nam chủ yếu do Đài Loan sở hữu nguyên liệu đầu vào, với trị giá bán tại Việt Nam chiếm 23,1% so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công của nhóm hàng này. Các đối tác sở hữu khác như Hàn Quốc, tỷ lệ bán tại Việt Nam chiếm 3,2% còn lại Trung Quốc và Nhật Bản tỷ lệ này khá thấp tương ứng là 1% và 0,4%.

Cần tận dụng tốt cơ hội từ các hợp đồng gia công

Có thể thấy kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã phản ánh khá rõ nét bức tranh về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

Hoạt động này đã đóng góp đáng kể vào hoạt động xuất, nhập khẩu và sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế với 8,6 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Để hoạt động này mang lại hiệu quả hơn, tạo ra giá trị tăng cao hơn cho nền kinh tế đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tốt cơ hội từ các hợp đồng gia công nhằm tiếp cận với trình độ quản trị, học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận mẫu mã sản phẩm, công nghệ hiện đại từ các đối tác nước ngoài vì hầu hết các nước thuê gia công đều là các quốc gia phát triển, có kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị tốt và trình độ công nghệ cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần gắn kết với nhau tạo chuỗi giá trị cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp hàng hóa, tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước phát triển./.

Nguồn Chinhphu

Tin cùng chuyên mục