Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thông tin tiếp bài báo “Nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng”:
Bước đầu công ty sản xuất đã nhận lỗi
Thứ tư: 23:31 ngày 12/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Báo Tây Ninh số ra ngày thứ bảy 8.4.2017 có đăng bài “Nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng”, phản ánh những bức xúc của bà con nông dân ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên về tình trạng phân bón “khó tan”. Sau khi cùng người dân kiểm tra sản phẩm và qua khảo sát thực tế, bước đầu, đại diện công ty sản xuất đã nhận lỗi.

Đại diện Công ty Tinh Hoa cùng người dân khảo sát thực tế tại ruộng mía của ông Long.

PHÂN BÓN KHÓ TAN LÀ “CẦN THIẾT”?

Trên tinh thần cầu thị, chỉ sau một ngày nhận lời mời hẹn gặp phóng viên và người dân, đúng 12 giờ ngày 7.4.2017, ông Trần Văn Đông- Giám đốc điều hành Công ty cổ phần nông nghiệp Tinh Hoa (gọi tắt là Công ty Tinh Hoa) đã có mặt tại ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Buổi họp diễn ra tại nhà anh Lê Tấn Đông (người gửi đơn phản ánh vụ việc). Vừa bắt đầu buổi họp, anh Đông vào trong nhà lôi ra bao phân bón Siêu Lúa Te 02 do Công ty Tinh hoa sản xuất còn lại khoảng 1/3.

Sau khi nhìn mẫu mã bao bì, sản phẩm và kết quả thử nghiệm do chủ nhà này tự lấy mẫu đem đi thử tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Giám đốc Trần Văn Đông xác nhận đây chính là phân bón do công ty mình sản xuất. Anh Lê Tấn Đông lấy một cái tô đổ đầy nước để trước mặt mọi người rồi bảo: “Giám đốc cứ lấy số lượng phân bón tuỳ thích bỏ vào trong tô nước xem có tan không?”.

Trong thời gian chờ đợi “thử nghiệm”, Giám đốc điều hành giải thích về chất lâu tan có trong Siêu Lúa Te 02. Cùng chứng kiến và nghe giải trình còn có thêm 2 hộ dân khác cũng gặp phải tình trạng phân bón khó tan. Đại ý nội dung giải thích xoay quanh vấn đề chất lâu tan đó là nhằm duy trì lượng chất cần thiết cho cây trồng hấp thu từ từ.

Giám đốc Trần Văn Đông khẳng định: “Kết quả mà anh Lê Tấn Đông đem đi thử nghiệm là có thể chấp nhận được, nằm trong sai số cho phép của ngành phân bón”. Tuy nhiên, chủ nhà không phục và hỏi: “Chất SiO2 hay còn gọi là cao lanh vượt gấp 3 lần, nếu tính về trọng lượng và diện tích chiếm chỗ trong một bao phân 50kg thì việc khách hàng bị thiệt thòi là quá rõ, giám đốc giải thích như thế nào về điều này?”. Giám đốc Đông trả lời: “SiO2 cũng là một hợp chất có lợi cho cây trồng”.

Sau khoảng nửa giờ đồng hồ tranh luận, mọi người chuyển sang xem xét kết quả “thử nghiệm” trong tô nước. Kết quả cho thấy, trong bao phân bón Siêu Lúa Te 02 dạng viên có tất cả 3 màu (màu gạch, màu trắng và hơi vàng) thì những viên có màu trắng tan nhanh trong nước, 2 màu còn lại có tan nhưng rất chậm, nhất là viên có màu hơi vàng hầu như không tan. 10 phút nữa trôi qua, khi gạn khô tô nước, dưới đáy tô vẫn còn lại không ít viên màu gạch và màu hơi vàng (có số lượng ít nhất trong bao phân), thậm chí còn nguyên hình dạng và màu sắc. Đem những viên phân bón còn lại ra phơi nắng, phân khô cứng lại như lúc còn trong bao. Anh Lê Tấn Đông tiếp tục thắc mắc: “Giám đốc nói là cần phải có SiO2 để lưu giữ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây hấp thu từ từ nên chậm tan, nhưng trường hợp phân bón NPK 14- 8- 6 + Te (của Công ty Tinh Hoa) mà ông Nguyễn Văn Long đã mua và sử dụng, trên bao bì đâu có ghi thành phần chất này, tại sao ông Long bón phân đã gần 15 tháng nay vẫn không tan, vẫn có thể phân biệt rõ hình dạng, màu sắc?”.… Để trả lời câu hỏi này, tất cả mọi người cùng nhau đến nhà ông Long.

XIN LỖI LÀ XONG?

Tại nhà ông Nguyễn Văn Long, tổ 30, ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, chủ nhà vào trong lấy ra một cái vỏ bao NPK 14- 8- 6 + Te. Vừa trông thấy, Giám đốc Trần Văn Đông liền xác nhận đây chính là bao phân bón do Công ty Tinh Hoa sản xuất. Quan sát kỹ, đúng là thành phần các chất được in trên vỏ bao không có chất SiO2.

Ông Long cho biết: “Sau khoảng 15 tháng bón phân, cho đến nay tôi phát hiện phân vẫn còn trên ruộng, vẫn “y chang” hình dạng và màu sắc. Mặc dù ruộng mía có thời điểm bị ngập sâu dưới nước khoảng 0,5m trong suốt 3 tháng trời, nếu không tin tôi dẫn mọi người đi xem”. Thế là đại diện phía công ty sản xuất phân bón cùng một số hộ dân bị ảnh hưởng đã ra tận ruộng mía khảo sát. Không mất nhiều thời gian tìm kiếm, mọi người đã phát hiện ra phân “khó tan” nằm xen lẫn trong và trên mặt đất.

Chính ông Long đã dẫn Giám đốc đến tận chỗ phân bón “lòi” lên trên mặt đất để minh chứng. Ông chủ ruộng mía lấy một hạt phân vẫn còn màu xanh đậm bỏ trong lòng bàn tay và nói: “Bán phân như vầy là chết nông dân rồi, hèn chi vụ đó cây mía chỉ toàn ăn…đất”. Tất cả mọi người đều im lặng sau câu nói như xé lòng của nông dân Nguyễn Văn Long.

Quay trở vào nhà, ông Long lấy làm tiếc khi không còn mẫu phân NPK 14- 8- 6 + Te để làm “thử nghiệm” như ở nhà anh Đông, nhưng ông cho biết vẫn còn 1,5 bao phân Siêu Lúa Te 02 của Tinh Hoa. Cuộc thử nghiệm “chất khó tan” thực hiện lần thứ hai. Mẫu thử được lấy trong bao đã khui, lần này là cho phân bón vào trong chén nước. Sau khoảng 30 phút, kết quả cũng giống như lần vừa mới thử trong tô nước trước đó ở nhà anh Lê Tấn Đông, phân không tan hết, nhất là những viên màu gạch và màu hơi vàng, đem phân ra nắng phơi khô, viên phân cũng cứng lại như cũ.

Phóng viên đã gọi cho ông Châu Thanh Long- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, và ông Long đã trả lời như sau:  “Về mặt pháp lý thì chúng tôi không xử lý doanh nghiệp này được, vì bao phân bón đã kéo về nhà người dân. Trừ khi bao phân còn nằm trong cửa hàng kinh doanh, chúng tôi mới xử lý được. Trong trường hợp này, chỉ có thể doanh nghiệp và người dân tự thống nhất lấy mẫu đi thử nghiệm, sau khi có kết quả, hai bên tự thương thảo với nhau. Mặt khác, doanh nghiệp này không nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nên chúng tôi không xử lý được”.

Đồng thời, Phó Chi cục trưởng Châu Thanh Long cho biết: “Nếu người dân cần, chúng tôi sẽ đến lấy mẫu nhưng cũng chỉ để tham khảo chứ vẫn không xử lý được, dù có chuyển kết quả mẫu này xuống cho cơ quan chức năng nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở cũng không xử lý được. Lấy mẫu là lấy trong nhà máy ở dưới (TP.HCM) mới được. Cơ quan chức năng Tây Ninh chỉ xử lý được khi doanh nghiệp đóng ở tỉnh Tây Ninh”. Xem ra, nếu nông dân ở tỉnh Tây Ninh mua phân bón mà chưa sử dụng hết, và dù cho có sớm phát hiện được phân giả, phân kém chất lượng, nhưng vật chứng đang để ở tại nhà dân thì cũng “bó tay” (?!).

Đem những hạt phân còn lại sau khi ngâm nước ra phơi nắng sẽ cứng lại như cũ.

Qua xem xét nhãn mác các vỏ bao bì, sản phẩm còn lại trong bao, “thử nghiệm” nhanh phân bón trong nước, khảo sát thực tế ngoài ruộng mía, ông Trần Văn Đông- Giám đốc điều hành Công ty cổ phần nông nghiệp Tinh Hoa nhìn nhận: “Nếu đúng như ông Long chỉ bón loại phân này, thì đây có thể là lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của Công ty Tinh Hoa. Chúng tôi thành thật nhận lỗi cùng bà con! Thật tâm mà nói, không có công ty phân bón nào làm ăn đàng hoàng mà lại muốn bán sản phẩm cho khách hàng một lần rồi bỏ chạy. Chúng tôi đã quay lại đây, tức là sẵn sàng nhìn nhận thiếu sót để cùng nhau tìm hướng giải quyết, mong bà con đừng quá bức xúc”. Về phía nông dân, ông Nguyễn Văn Long cũng xác nhận, thời gian gần đây ông có sử dụng loại phân khác, nhưng không cùng màu sắc với phân bón của Tinh Hoa.

Mặc dù phía công ty đã xử lý vụ việc trên tinh thần hết sức cầu thị, nhưng anh Lê Tấn Đông không đồng ý với cách giải quyết vụ việc chỉ dừng lại ở lời xin lỗi. Theo nguyện vọng của anh, nếu công ty đã bán phân bón kém chất lượng cho khách hàng thì hướng xử lý không chỉ là xin lỗi, mà còn phải có trách nhiệm “bồi thường” cho bà con. Điều này không khó thực hiện, công ty hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng hàng bán ra, bán đi đâu và bán cho ai bằng nhiều cách. Thể hiện quyết tâm đấu tranh đến cùng, anh Đông đã bỏ tiền túi ra mua luôn bao phân Siêu Lúa Te 02 còn lại của ông Long để làm cơ sở đòi quyền lợi. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về vụ việc khi có thêm thông tin mới.

MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục