Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần hết đời người, bà Phạm Thị Nới, sinh năm 1956, ngụ tại ấp Bàu Tràm Nhỏ, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu vẫn luôn ước mơ có được căn nhà lành lặn, vững chắc.
Bà Nới và cháu gái trong ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo.
Nhà của bà Nới nằm lọt thỏm giữa đồng ruộng, cách xa với xóm giềng. Những cơn mưa to đầu mùa đến khiến cho con đường mòn men theo bờ ruộng, dài ngoằn ngoèo đầy sình lầy dẫn vào nhà bà Nới càng trở nên khó đi hơn. Tôi càng không khỏi chạnh lòng khi bước chân vào nhà của bà.
Ðó là một căn nhà xập xệ, chật hẹp, được dựng lên cách đây hơn 30 năm. Trong nhà, cột, kèo đều đã bị mối, mọt đục hư. Phần mái nhà thì dột nát, được che chắn, chắp vá một cách tạm bợ, còn vách nhà bằng đất nhiều chỗ ngả nghiêng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Bên trong căn nhà nhỏ hẹp, hư hỏng này là nơi trú ngụ của cả gia đình bà Nới gồm 3 thế hệ.
Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng bà Nới luôn chăm chỉ làm lụng, không ngại gian khổ, nhưng không biết sao cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy gia đình bà. Vợ chồng bà nghèo khổ đã đành, các con của bà lớn lên, do lam lũ và ít học, cũng không thoát được cái vòng lẩn quẩn của sự nghèo khó.
Bà Nới có hai người con. Vợ chồng bà đang sống với vợ chồng người con trai lớn. Trước đây, vợ chồng bà còn khoẻ, còn phụ hợ con cái làm lụng kiếm cái ăn. Còn bây giờ, hai vợ chồng bà đã có tuổi, lại bị bệnh tật đeo mang khiến sức khoẻ giảm sút, không còn làm lụng được nhiều nữa. Bà Nới mắc nhiều chứng bệnh, phải thuốc thang hằng ngày, rất tốn kém. Lực bất tòng tâm, không còn cách nào khác, vợ chồng bà đành phải nương tựa vào con.
Con trai, con dâu của bà kiếm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Công việc bấp bênh, nguồn thu nhập không ổn định. Không chỉ nuôi cha mẹ già, họ còn phải gồng gánh lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học. Hai đứa nhỏ, mặc dù học hành trong cảnh thiếu thốn, nhưng đứa nào cũng ham học và học rất giỏi.
Nhìn tình cảnh hiện tại, họ không nỡ lòng để con cái phải dở dang việc học rồi lại khổ như đời ông bà, cha mẹ. Dốc hết sức lo cho hai đứa nhỏ được đến trường, nên họ phải rất vất vả làm lụng để có đủ tiền xoay xở cho cuộc sống của một gia đình đông người. Thương con, bà Nới cũng không biết làm gì hơn để đỡ đần, chỉ ráng gắng sức trông coi việc nhà, mấy đứa cháu cho các con yên tâm đi làm.
Các con của bà Nới lo cái ăn cái mặc hằng ngày đã đủ chật vật, nói chi đến việc xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa. Mỗi mùa mưa tới, nhìn các cháu lo lắng khi trời nổi giông gió trong cảnh nhà dột cột xiêu mà lòng bà Nới không khỏi day dứt. Nét buồn lo luôn hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của bà.
Bà Nới cho biết: “Mỗi khi mưa to gió lớn, cả nhà không có chỗ ngủ, nhà dột, ướt tứ phía. Có năm mưa nhiều, nước vào ngập nhà, ướt hết đồ đạc, không có chỗ ngồi, đi lại khó khăn. Người lớn trong nhà có thể chịu đựng được, chỉ tội cho mấy đứa cháu nhỏ. Giờ đây, tôi không dám mong gì hơn, chỉ mong có một ngôi nhà lành lặn cho con cháu ở, yên tâm làm lụng, học hành”.
Em Phạm Thị Thanh Trúc, cháu của bà Nới cũng rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Mỗi lần mưa to gió lớn tới, em sợ nhà sập lắm. Mùa mưa năm trước, mưa kèm gió lớn làm tốc mái nhà, làm sách vở của hai chị em ướt nhẹp và lấm lem hết. Mỗi lần có mưa to, hai chị em đều ôm sách vở nấp vào một góc nhà tránh mưa”.
Bà Lê Thị Tuyền, Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận cho biết, gia đình bà Nới thuộc diện hộ cận nghèo. Gia đình bà hiện khó khăn về nhà ở. Do nguồn lực của địa phương còn hạn chế, nên chưa có kinh phí xây nhà cho gia đình bà Nới. Chính quyền địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, giúp gia đình bà Nới sớm có căn nhà mới để an cư lạc nghiệp.
CHÂU PHA