Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý:
Cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình
Thứ ba: 09:23 ngày 26/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 25.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp chiều 25.11

Góp ý thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, bà Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Trong đó, góp ý về quảng cáo trên báo in tại Điều 21, đại biểu cho rằng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung sửa Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012 như sau: “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”.  

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, vì vậy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tự chủ tài chính khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều vào hoạt động quảng cáo trên các phương tiện này, vì vậy, các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu cho đơn vị, trong đó có biện pháp tối ưu hoá lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo, điều này cũng là nguyện vọng chính đáng để Luật cần cân nhắc điều chỉnh. 

Đại biểu cho rằng, việc tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012 là quá cao, không chỉ có ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống mà cũng sẽ gây phản ứng trái chiều từ độc giả, thính giả.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Vì vậy, đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Đồng thời, cần có nghiên cứu khảo sát, đánh giá chính thức từ phía người dùng về việc tăng diện tích quảng cáo lên gấp đối quy định hiện hành trước khi đưa vào sửa đổi lần này. 

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút.

Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút” .

Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim. 

Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng cần cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình.

Đại biểu cho rằng, để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều).

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần. 

Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. 

Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin.

Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.

Về báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Tại dự thảo Luật Quảng cáo quy định: Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết, việc quy định về chế độ báo cáo hoạt động của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là cần thiết, nhằm giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức này hiệu quả hơn, tuy nhiên cần bổ sung quy định về hình thức báo cáo: gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo của những chủ thể này.

Tố Tuấn (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục