Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần bảo đảm chất lượng nguồn nước thuỷ lợi
Thứ tư: 07:26 ngày 07/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, quá trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thuỷ lợi, lượng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thuỷ lợi ngày càng gia tăng, làm ô nhiễm nguồn nước.

Cầu Máng - kênh Tây. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Hồ chứa nước Dầu Tiếng là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia theo Quyết định số 166/QÐ-TTg ngày 7.2.2017 và Quyết định số 124/QÐ-TTg ngày 24.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Hồ có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp cho Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng luôn được sự quan tâm của các ngành chức năng và người dân.

Trên hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà có nhiều hoạt động bao gồm: sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn thả gia súc trên đất bán ngập; các nhà máy chế biến, trang trại chăn nuôi, hoạt động khai thác khoáng sản cát, nhà máy điện mặt trời, nuôi cá lồng - bè, xả thải... Tất cả những hoạt động trên đều có nguy cơ gây ô nhiễm đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng. Do đó, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương có liên quan.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện Luật Thuỷ lợi về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi, có nhiều chuyển biến rõ rệt, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt, duy trì dòng chảy trên các tuyến kênh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra… Ðặc biệt, chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi thời gian qua đã được cải thiện.

Hiện nay, trên lưu vực có 91 cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống công trình thuỷ lợi. Trong đó, Tây Ninh có 25 cơ sở, Bình Dương 10 cơ sở, Bình Phước 54 cơ sở. Các đơn vị trên hầu hết do Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cấp phép, riêng có 2 cơ sở được Tổng cục Thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp cấp phép và chịu sự kiểm tra, giám sát của công ty. Công ty đã ký văn bản thoả thuận đấu nối vào công trình thuỷ lợi đối với 5 cơ sở.

Ðối với hoạt động khai thác cát, công ty phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, điều kiện khai thác của các đơn vị khai thác cát; tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị đánh giá, tham mưu điều chỉnh thời gian khai thác cát phù hợp với diễn biến của mực nước hồ nhằm bảo đảm hài hoà giữa phát triển đa mục tiêu và bảo vệ bền vững môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Tuy nhiên, ngoài các cơ sở chế biến cao su, chế biến tinh bột sắn (khoai mì) có đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì phần lớn cơ sở chăn nuôi nhỏ chưa được đầu tư hệ thống xử lý, chỉ sử dụng hầm biogas nên khó kiểm soát được nguồn nước thải có thải vào hồ hay không. Vì vậy, công ty kiến nghị các địa phương chỉ cấp phép xây dựng cho các trang trại chăn nuôi bảo đảm phạm vi vùng bảo vệ hồ chứa.

Một đoạn kênh Ðông - lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Ð.H.T

Nhiều rác thải tại các tuyến kênh nhánh

Thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đều quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước tại các công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, tại các tuyến kênh nhánh dẫn nước thuỷ lợi vào nội đồng, tình trạng ô nhiễm môi trường nước vẫn diễn ra. Ở nhiều tuyến kênh thường xuyên có các loại rác thải, xác động vật…

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, nguồn nước mặt từ công trình thuỷ lợi phục vụ cho các nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cơ bản bảo đảm chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, nguy cơ bị ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước vẫn còn do các công trình thuỷ lợi tiếp nhận nước thải, rác thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân sinh sống trong khu vực. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi xảy ra nhiều nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy.

Tại tuyến kênh nhánh chạy qua một số xã trên địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Tây Ninh như tuyến TN17, tình trạng bảo đảm vệ sinh môi trường về cơ bản đã được xử lý tốt. Thế nhưng, ở các tuyến kênh nhánh của tuyến kênh TN17 đưa nước tưới vào các cánh đồng thì tình trạng vứt rác thải, xác động vật vẫn còn diễn ra thường xuyên dù người dân và báo chí đã nhiều lần phản ánh. Thậm chí, ở nhiều tuyến kênh nhánh đi qua khu dân cư, người dân còn đặt ống xả đưa nước thải sinh hoạt gia đình ra kênh.

Cụ thể, tại tuyến kênh nhánh TN17-21, TN17-15 và một tuyến kênh nhánh của kênh TN17 nằm ven quốc lộ 22B (cùng trên địa bàn ấp An Ðiền, xã Thái Bình, huyện Châu Thành), rác thải, ống xả nước thải từ nhà dân cũng được ra kênh.

Tương tự, tuyến kênh nhánh TN17-13 đi qua địa phận xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) có đoạn đầy rác. Có trường hợp hộ dân nuôi cá còn đưa ống bơm nước thải cá ra kênh.

Theo ông Trần Thế Hiệp- Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tình trạng người dân vứt rác, xác động vật xuống các tuyến kênh nhánh rất khó xử lý vì khó có thể bắt quả tang. Thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp với ngành Thuỷ lợi để vớt rác lên bờ.

Ông Phan Văn Quân- Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Châu Thành) cho biết, các tuyến kênh nhánh của kênh TN17 chảy qua địa bàn xã bị ứ đọng rác thải, chủ yếu là trên thượng nguồn đổ về, gây bức xúc trong nhân dân địa phương vì ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp cùng ngành Thuỷ lợi thu dọn rác, đồng thời tuyên truyền đến các hộ dân, nông dân sản xuất ven kênh nhánh không vứt rác thải xuống kênh.

Xác động vật vứt bừa bãi trên tuyến kênh TN17-15 (xã Thái Bình, huyện Châu Thành).

Ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, do là doanh nghiệp nên công ty không có thẩm quyền bắt quả tang hay lập biên bản các trường hợp vứt rác xuống kênh thuỷ lợi thuộc phạm vi công ty quản lý. Khi phát hiện các tuyến kênh có tình trạng rác bị vứt xuống nhiều, công ty phối hợp với chính quyền địa phương đưa rác lên bờ đem đi chôn hoặc tiêu huỷ.

Theo ông Mỹ, do nguồn nước kênh nhánh chủ yếu chỉ phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp nên rác thải cũng có ảnh hưởng nhưng không nhiều đến chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, rác thải bị người dân vứt bỏ trên kênh, gây ứ đọng tại các miệng cống sẽ gây mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh.

Thế Nhân - Thuý Hằng

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, quá trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thuỷ lợi, lượng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thuỷ lợi ngày càng gia tăng, làm ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm, nhận thức của các hộ dân và ở một vài địa phương trong việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi còn hạn chế. Ngoài ra, hệ thống công trình thuỷ lợi được xây dựng đã lâu, qua thời gian dài sử dụng đã bị xuống cấp, bồi lắng (nhất là kênh tưới dưới 50 ha) làm hạn chế khả năng dẫn nước, cũng là nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm nước.

Tin cùng chuyên mục