Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải thiện chất lượng nguồn nước Hồ Dầu Tiếng:
Cần các giải pháp đồng bộ
Chủ nhật: 23:10 ngày 24/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Nguyễn Thị Hiếu-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng, cần phải có giải pháp đồng bộ quyết liệt của các tỉnh và các ngành liên quan, chứ không riêng Tây Ninh.

Hồ lắng tại các bãi cát là một trong những giải pháp mà tỉnh đưa ra đối với hoạt động khai thác cát, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Đi tìm nguyên nhân khiến nước hồ Dầu Tiếng bị đục”, phản ánh về thực trạng các nguồn thải xả vào hồ, hoạt động khai thác cát, cũng như các tác động khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu về giải pháp mà các ngành chức năng đưa ra để bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, vừa phục vụ cho việc khai thác đa mục tiêu của hồ trong thời gian tới.

Quản lý chặt nguồn thải

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), do diện tích mặt hồ khá lớn liên quan đến nhiều tỉnh, nên việc quản lý các nguồn thải vào hồ cũng là một vấn đề nan giải, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các tỉnh mới bảo đảm quản lý chặt các nguồn thải vào hồ Dầu Tiếng.

Tại Tây Ninh, việc quản lý các nguồn thải trực tiếp hoặc gián tiếp của các cơ sở sản xuất khu vực thượng lưu sông Sài Gòn được ngành TN&MT quản lý rất chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất đều đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường cột A. Thời gian qua, ngành TN&MT cũng không nhận được phản ánh nào của người dân khu vực thượng lưu sông Sài Gòn về tình trạng các cơ sở sản xuất xả thải không đạt chuẩn ra môi trường. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình trạng các cơ sở sản xuất lén lút xả thải.

Riêng về tình trạng ô nhiễm tại bến Cửu Long, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, bà Hiếu cho biết, các cơ sở sản xuất khu vực này đều xây dựng hệ thống xử lý đạt cột A khi xả thải ra suối Tà Ly.

Thế nhưng, do bến Cửu Long nằm trong địa bàn tiếp giáp với tỉnh Bình Phước, nên việc quản lý các nguồn xả thải ở tỉnh bạn đổ vào khu vực này như thế nào thì Tây Ninh không nắm được. Hằng năm, có xảy ra tình trạng nước tại bến Cửu Long bị ô nhiễm nhưng qua kết quả kiểm nghiệm, phần lớn là các chất gây ô nhiễm do bùn lắng lâu ngày, chưa phát hiện các chất gây ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Riêng đối với hoạt động khai thác cát, tỉnh đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ như các tàu khai thác cát phải có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; trong quá trình khai thác, không được bơm rửa trực tiếp trên tàu mà phải đưa về bãi, bơm vào bể lắng theo đúng quy định… hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hồ Dầu Tiếng.

Bà Hiếu cho rằng, hoạt động canh tác của người dân trên vùng đất bán ngập tuy có ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng nhưng không đáng kể. Trước đây, người dân sau khi trồng mì thường bỏ lại cây mì trên đồng, đến khi nước lên gây ô nhiễm. Tình trạng này sau đó đã được các ngành chức năng chấn chỉnh.

Bà Hiếu nhấn mạnh, để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng, cần phải có giải pháp đồng bộ quyết liệt của các tỉnh và các ngành liên quan, chứ không riêng Tây Ninh.

Việc quản lý nguồn thải của các cơ sở kinh doanh, chăn nuôi xả vào hồ Dầu Tiếng sẽ được các ngành chức năng tăng cường kiểm soát.

Theo dõi chặt, khoanh vùng các vùng có nguy cơ ô nhiễm

Ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (DT-PH) cho biết, theo quy luật, vào mùa khô, mực nước xuống thấp. Ngoài việc chủ động kiểm đếm nguồn nước trên các lưu vực, đặc biệt chuyển nước từ sông Bé sang lưu vực sông Sài Gòn, chuyển từ hồ Phước Hoà sang hồ Dầu Tiếng.

Hiện tượng đục nước trong hồ Dầu Tiếng vào mùa khô do nhiều nguyên nhân, trong đó có hoạt động khai thác cát… trên lưu vực có rất nhiều hoạt động sản xuất chăn nuôi, nhà máy, nuôi cá lồng bè, xả thải, trồng cây sản xuất trên đất bán ngập, chăn thả gia súc. Tất cả hoạt động trên lưu vực đều ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước Dầu Tiếng.

Hiện nay, trên lưu vực, hoạt động khai thác cát ảnh hưởng phần nào đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng. Xuất phát từ trách nhiệm của chủ hồ là quản lý tốt chất lượng nguồn nước để phục vụ ngành kinh tế dân sinh của địa phương, công ty đã tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn xả thải, các hoạt động trên hồ, đặc biệt là hoạt động khai thác cát theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt chú trọng đến chất lượng nước.

Công ty kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm hoá lý, kịp thời thông báo cho các đơn vị sử dụng nước trong hệ thống, kiến nghị các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với công ty giám sát kiểm tra nguồn xả thải trong hồ Dầu Tiếng, đặc biệt quan tâm tới hoạt động khai thác cát.

Trước tình hình đó, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó họp bàn với các đơn vị dùng nước trong hệ thống, các đơn vị sở, ngành, cơ quan liên quan để quản lý tốt hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là an ninh an toàn nguồn nước.

Công ty cũng đã phối hợp ngành TN&MT, NN&PTNT đưa ra nhiều biện pháp đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, vừa bảo đảm khai thác đa mục tiêu, vừa bảo đảm chất lượng nguồn nước. Đó là mục tiêu hàng đầu. Công ty đã đưa ra kế hoạch luân phiên hoạt động khai thác cát, giảm sản lượng khai thác cát vào mùa khô, đặc biệt tại các cửa lấy nước ảnh hưởng trực tiếp.

Đối với hoạt động nuôi cá bè trên lòng hồ Dầu Tiếng, ông Hùng cho biết, theo Luật Thuỷ lợi, các địa phương được quy hoạch phát triển thuỷ lợi trong hồ. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa có quy hoạch nuôi cá, cá lồng bè trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Hiện nay, trên địa bàn xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có khoảng 50 lồng bè. Công ty đang quyết liệt cùng với huyện, sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra để trục xuất những bè cá nuôi trong lòng hồ.

Việc nuôi cá bè, do lượng thức ăn của cá, hoá chất ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hồ. Do đó, công ty đang khoanh vùng các bè cá, lập biên bản vi phạm và đề nghị UBND huyện Dầu Tiếng, các sở, ngành liên quan xử lý nghiêm các bè cá nuôi trái phép trong hồ.

Ông Hùng cho biết thêm, trong thời gian tới, công ty sẽ tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nước hồ Dầu Tiếng như kiểm tra khoanh vùng ô nhiễm để có giải pháp khống chế ô nhiễm. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh liên quan để kiểm tra, xử lý các trường hợp xả thải chưa đạt tiêu chuẩn vào hồ.

Do công ty là doanh nghiệp nên khi phát hiện phải lập biên bản để đề nghị các tỉnh xử lý theo quy định. Khoanh vùng ô nhiễm, công ty thường xuyên lấy mẫu nước tại các nguồn xả thải vào hồ, các nhánh sông, suối đổ vào hồ phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Về lâu dài, công ty tổ chức cùng các tỉnh liên quan họp bàn về các giải pháp để bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng được ổn định, phục vụ cho việc phát triển đa mục tiêu của hồ.

Nước tại bến Cửu Long, một trong những nhánh sông đổ vào hồ Dầu Tiếng cũng cần có giải pháp xử lý.

Chất lượng nguồn nước Hồ Dầu Tiếng quan trọng với người dân

Theo ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nước hồ Dầu Tiếng ô nhiễm, mắt thường có thể nhìn thấy nguồn nước đục hơn là đúng thực tế.

Công ty phân tích chất lượng nước nguồn hằng ngày đưa ra giải pháp xử lý thích hợp để nước sạch được cung cấp đến khách hàng đạt quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc xử lý tốn nhiều chi phí ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Nước hồ Dầu Tiếng có tầm quan trọng đối với hoạt động của công ty. Đây là nguồn nước thô chủ yếu đưa về nhà máy nước để xử lý, cung cấp cho khu vực thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và huyện Châu Thành. Nhà máy cấp ra mạng lưới bình quân 19.000m3/ngày đêm. Do đó chất lượng nguồn nước thô ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xử lý nước và chất lượng nước sạch cung cấp cho sinh hoạt.

Trước tình trạng chất lượng nguồn nước thô hồ Dầu Tiếng có chiều hướng xấu, nhằm thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và bảo đảm chất lượng nước cấp đến người tiêu dùng đạt quy chuẩn quy định, công ty thực hiện các giải pháp như kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước hồ; kiểm soát nuôi cá bè và khai thác cát tại khu vực cống xả nước vào kênh Tây; đồng thời thông báo kịp thời cho các đơn vị sử dụng nước hồ về cao trình tại công trình thu nước, lưu lượng, chất lượng nước nguồn.

Riêng đối với nhà máy xử lý nước của công ty, hằng ngày, tăng tần suất phân tích chất lượng nguồn nước thô, kiểm soát các chỉ tiêu gây ô nhiễm chính nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có thể gây ô nhiễm nguồn nước; giám sát chặt chẽ quy trình xử lý nước và kiểm tra chất lượng nước từ nguồn, qua các công đoạn xử lý keo tụ, lắng, lọc, khử khuẩn, đến mạng cấp.

Triển khai xét nghiệm nhanh một số chỉ tiêu biến động- nhất là chỉ tiêu pH, độ đục, độ màu, chất hữu cơ, Nitrat để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân luôn đạt tiêu chuẩn.

Hy vọng trong thời gian tới, với việc các cơ quan có thẩm quyền đều có những giải pháp để bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, chất lượng hồ Dầu Tiếng sẽ luôn được bảo đảm, hạn chế thấp nhất tình trạng nước hồ bị ô nhiễm.

Thế Nhân - Hồng Thắm

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh