Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi):
Cần có cơ chế xử lý khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp
Thứ tư: 15:58 ngày 22/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hôm 21.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đã có 33 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận và 11 lượt đại biểu tranh luận.

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tranh luận xung quanh phạm vi điều chỉnh của luật là có nên mở rộng sang lĩnh vực ngoài nhà nước không? Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), việc mở rộng là cần thiết.

Nhiều nước khác đã thực hiện, và pháp luật hình sự của nước ta cũng đã có quy định. Trong chính sách hình sự của nhà nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức với vai trò đồng phạm trong các vụ tham ô, hối lộ.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) cũng đã quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là chủ thể trong các tội tham ô tài sản và hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ phù hợp với Bộ luật hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng đề nghị phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Đại biểu cho đây là điểm mới của dự thảo luật, bởi thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực tư hay ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện dưới nhiều hình thức, có sự liên kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư, làm ảnh hưởng đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cản trở hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng của chúng ta.

Việc mở rộng này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, phù hợp với một số quy định trong Bộ luật Hình sự, phù hợp với Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà chúng ta là thành viên…

ĐBQH Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) phát biểu tại hội trường- Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại băn khoăn về việc mở rộng diện phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, bởi theo đại biểu tội phạm tham nhũng đòi hỏi một chủ thể đặc biệt, không thể ai cũng vào diện tham nhũng được. Đại biểu cũng cho rằng tính khả thi không đảm bảo, vì một mặt các đại biểu cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng, như thế là mâu thuẫn với nhau… đại biểu đề nghị cân nhắc quy định mở rộng này.

Đồng ý với với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị là không nên đưa vào phạm vi áp dụng đối tượng ngoài cán bộ, công chức, viên chức của nhà nước quản lý trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Đại biểu cho rằng nếu như vậy có liên quan đến quyền công dân hay không và cơ sở thực tiễn nào để đưa vào những đối tượng mình không phải quản lý vì đây là một tổ chức xã hội, tổ chức xã hội từ thiện, làm từ thiện mà bắt người ta kê khai tài sản là không hợp lý.

Về cơ chế xử lý đối với tài sản tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ, tại Điều 122 và 123 dự thảo Luật vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng, còn đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý.

Theo đại biểu, thực tiễn có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ. Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án…

Về đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập, các đại biểu đồng ý như đánh giá của Ủy ban Tư pháp, trước mắt giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực có nguy cơ tham nhũng cao để đảm bảo tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn mà không mở rộng phạm vi đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch, bao gồm cả công chức cấp xã...

Tuy nhiên, cũng cần bổ sung quy định, ngoài những đối tượng đã nêu, đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác theo quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo phải kê khai tài sản theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi bị phát hiện hoặc tố cáo về hành vi có dấu hiệu tham nhũng.

Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra tại Điều 63. Đa số đại biểu nhất trí với phương án 1, quy định cụ thể trong dự thảo Luật khi hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra vì không phải vụ việc nào cơ quan nhà nước về thanh tra, kiểm toán cũng có thể xác minh, làm rõ và kết luận được.

Đối với những vụ việc nhất định, phức tạp vẫn cần có sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan điều tra. Thậm chí có những vụ việc khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, dù chưa kết luận được có đến mức xử lý hình sự hay không đã phải chuyển ngay tài liệu đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm kéo dài, đối tượng bị điều tra, xác minh có thể có điều kiện để hợp thức hóa sổ sách, chứng từ, tài liệu hoặc tiêu hủy chứng cứ, không thể xử lý hành vi tham nhũng được nữa.

ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết- Ảnh quochoi.vn

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật và  trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật; về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh; công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người dự kiến được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn, người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.

Về phòng ngừa tham nhũng: kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng chế độ liêm chính trong phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý tài sản tham nhũng, bảo đảm thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng…

Tại phiên họp này, Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, với 446 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 90,84%; thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với 438 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 89,21% số đại biểu tham dự; thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi), với 437 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 89%.

Sáng 22.11, với 83,1% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục