Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần đánh thức tiềm năng vận tải đường thuỷ nội địa
Thứ tư: 05:00 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để phát triển giao thông đường thuỷ, cần phải giải quyết căn cơ tình trạng lục bình trên sông. Đồng thời cần phải mở thêm nhiều bến cảng phục vụ vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ, đủ khả năng tiếp nhận những phương tiện có tải trọng lớn vào bốc dỡ hàng.

Hoạt động vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng Fico, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), hệ thống đường thuỷ nội địa của tỉnh có tổng chiều dài 617km, trong đó có hai con sông chính là Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông chạy dọc từ Bắc xuống Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển giao thông vận tải đường thuỷ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc khai thác vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thời gian qua, Tây Ninh đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GT-VT. Hiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh đủ khả năng bảo đảm cho sự phát triển kinh tế. Sắp tới, nhiều tuyến đường chính của tỉnh như QL22, QL22B, đường tỉnh 784… tiếp tục được nâng cấp, mở rộng.

Thế nhưng, hoạt động vận tải đường sông của tỉnh chỉ mới vận chuyển lượng hàng hoá rất nhỏ- chiếm khoảng 3% so với vận tải chung toàn ngành của tỉnh. Đây là vấn đề đáng được quan tâm. Hiện nay, hoạt động vận tải đường thuỷ tại tỉnh chủ yếu là vận tải hành khách ngang sông và hầu hết các bến phà chưa được đầu tư xây dựng cơ bản.

Trên toàn tỉnh cũng chỉ có 3 bến cảng chính phục vụ vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ là cảng Thanh Phước (Gò Dầu), cảng FICO và cảng Bến Kéo (Hoà Thành). Giao thông đường thuỷ chưa phát triển nên số lượng phương tiện đăng ký vận tải chỉ khoảng 300 chiếc, hàng hoá chủ yếu là vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng...

Một trong những nguyên nhân khiến giao thông đường thuỷ của tỉnh chưa phát triển là lục bình gây cản trở lưu thông. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp xử lý lục bình, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Để phát triển giao thông đường thuỷ, cần phải giải quyết căn cơ tình trạng lục bình trên sông.

Đồng thời cần phải mở thêm nhiều bến cảng phục vụ vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ, đủ khả năng tiếp nhận những phương tiện có tải trọng lớn vào bốc dỡ hàng. Thực tế, trên sông Vàm Cỏ Đông, từ Bến Kéo đến Vàm Trảng Trâu không có bến cảng lớn nào để phục vụ cho vận tải đường thuỷ quy mô lớn. 

Một lãnh đạo Sở GT-VT cho biết, đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ Bến Sỏi xuống hạ lưu đi các tỉnh miền Tây có thể lưu thông được sà lan trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn; đoạn từ Bến Sỏi đến rạch Bến Đá có thể lưu thông sà lan 1.000 tấn. Đây là một lợi thế lớn về vận tải đường thuỷ của tỉnh. Vận tải bằng đường thuỷ phát triển sẽ giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm tai nạn, giảm tác nhân gây hư hỏng đường giao thông, đồng thời chi phí vận chuyển cũng thấp hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ.

Vì vậy, để khai thác tối đa tiềm năng của đường sông, tỉnh đang từng bước điều chỉnh cơ cấu vận tải đường thuỷ tương xứng với giao thông vận tải toàn ngành; song song đó, bảo đảm việc quản lý, khai thác sử dụng hệ thống sông, rạch ổn định, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời kết nối các tuyến đường thuỷ của tỉnh với các tuyến đường thuỷ các tỉnh, thành lân cận.

Trong thời gian tới, ngành GT-VT chú trọng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tăng cường đầu tư, khai thác vận tải đường thuỷ, bước đầu là xây dựng một số cảng vận tải hàng hoá quan trọng, sau đó đầu tư các cảng tiếp theo. Với nhiều giải pháp được đưa ra, hy vọng đến năm 2020, vận tải bằng đường thuỷ của tỉnh đạt khoảng 20% so với vận tải toàn ngành và sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

THẾ NHÂN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục