Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần gia tăng giá trị cây lúa
Thứ tư: 17:02 ngày 20/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp Tây Ninh, lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn, khoảng 49.000 ha, chiếm 18,2% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Mỗi năm, nông dân trong tỉnh trồng gần 150.000 ha lúa.

Diện tích đất trồng lúa của tỉnh khá lớn nhưng giá trị thu về khá thấp. Lợi nhuận bình quân ước tính chỉ hơn 30 triệu đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa 3 vụ. Bình quân, mỗi vụ lúa, nông dân chỉ có lời khoảng 10 triệu đồng/ha.

Mặt khác, cây lúa đang gặp nhiều hạn chế như diện tích đất trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP chiếm tỷ lệ rất thấp. Ðến nay, tỉnh vẫn chưa có hệ thống sân phơi, máy sấy. Ðáng quan ngại là tình hình sâu hại thường xuyên diễn biến phức tạp và gây nhiều thiệt hại, trong khi trình độ sản xuất của nông dân chưa cao.

Một thực trạng khác là diện tích sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời nông dân trong tỉnh còn có thói quen sạ quá dày: khoảng từ 150-180kg giống/ha, trong khi tiêu lượng giống chuẩn chỉ cần 110kg/ha. Theo kết quả khảo sát gần đây của cơ quan chuyên môn, đa phần nông dân trong tỉnh còn sử dụng giống kém chất lượng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có điều kiện để đa dạng hoá sản phẩm lúa gạo như làm ra sản phẩm VietGAP, lúa đặc sản, sản phẩm organic. Ðồng thời, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất trên cây lúa còn chậm, mối liên kết chưa bền vững.

Trong chế biến và tiêu thụ, tỉnh hiện đã có 1 nhà máy chế biến có công suất 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông nông và doanh nghiệp. Hiện tại, Tây Ninh chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm lúa gạo của địa phương, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Do thông tin về thị trường còn hạn chế cùng với một số nguyên nhân khác nên về cơ bản, giá bán lúa tươi hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng vùng trồng lúa đã được quan tâm đầu tư khá mạnh nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ðáng chú ý là cho đến nay, người trồng lúa không có sự nỗ lực để gia tăng giá trị hay làm giàu từ cây lúa, và hiện ở một số vùng trồng lúa, nông dân đang có xu hướng chuyển sang trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Trong tương lai, cây lúa khó có thể trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh hoặc là loại cây trồng giúp nông dân làm giàu. Do khả năng tăng giá trị cây lúa bằng các giống mới hoặc phương thức sản xuất tiên tiến là không cao. Hơn nữa, cây lúa không có lợi thế để địa phương đầu tư vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn để khép chuỗi cây lúa.

Chính vì thế, cây lúa cần được nghiên cứu, sản xuất theo hướng giảm dần diện tích ở mức bảo đảm các yêu cầu về an ninh lương thực của quốc gia và địa phương. Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa hằng năm được quy hoạch còn khoảng 130.000 ha và đến năm 2030, còn khoảng 120.000 ha.

Ðể giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận phù hợp và ổn định, tỉnh cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và nơi khác cung ứng các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao thích ứng với điều kiện tự nhiên của Tây Ninh. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất lúa như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Song song đó, các ngành chức năng cần tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho nông dân; tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các chính sách phát triển nông nghiệp để nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời thu hút sự tham gia của doanh nghiệp thu mua.

Mặt khác, các địa phương trong tỉnh cần vận động nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ liên kết... để hình thành vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất.

BẢO TÂM

Tin cùng chuyên mục