Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khắc phục tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trễ hạn:
Cần tăng cường phối hợp, liên thông dữ liệu
Thứ tư: 14:50 ngày 01/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - So với các ngành khác, lĩnh vực đất đai thuộc ngành TN&MT có số lượng hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn nhiều. Trong 3 năm qua, có trên 32.000 hồ sơ trễ hạn.

Từ năm 2021-2023, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) của tỉnh tiếp nhận trên 733.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Đây là lượng hồ sơ rất lớn, chủ yếu là hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai. Riêng trong đợt “sốt đất” năm 2022, số lượng hồ sơ tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. So với các ngành khác, lĩnh vực đất đai thuộc ngành TN&MT có số lượng hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn nhiều. Trong 3 năm qua, có trên 32.000 hồ sơ trễ hạn.

Giao dịch hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị xã Hoà Thành.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, ngành này hiện có 88 thủ tục (cấp tỉnh 78, cấp huyện 9, cấp xã 1). Trong số 78 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, có 35 thủ tục lĩnh vực đất đai, đo đạc và bản đồ; 20 thủ tục lĩnh vực tài nguyên nước và khí tượng thuỷ văn; 6 thủ tục lĩnh vực môi trường. Tất cả các thủ tục này đều được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đến nay, ngành TN&MT có 12 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 66 thủ tục dịch vụ công trực tuyến một phần; có 28 thủ tục đã tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến. 

Hồ sơ trễ hạn chủ yếu ở cấp huyện

Để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của ngành, Sở TN&MT bố trí 6 công chức, viên chức trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 42 viên chức, người lao động thuộc các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Một cửa cấp huyện đối với hồ sơ đất đai hộ gia đình, cá nhân. Tuỳ theo tình hình thực tế từng thời điểm, Sở có sự điều chỉnh, phân bổ cán bộ, viên chức, người lao động phù hợp. 

Từ năm 2021-2023, ngành TN&MT của tỉnh tiếp nhận trên 733.000 hồ sơ TTHC. Đây là lượng hồ sơ rất lớn, chủ yếu là hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai. Riêng trong đợt “sốt đất” năm 2022, số lượng hồ sơ tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. So với các ngành khác, lĩnh vực đất đai thuộc ngành TN&MT có số lượng hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn nhiều, trong 3 năm qua, có trên 32.000 hồ sơ trễ hạn.

Trao đổi tại chương trình giám sát của HĐND tỉnh, ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở TN&MT cho biết, các hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai như giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân… bị trễ hạn tập trung chủ yếu ở cấp huyện. Năm 2022, hồ sơ lĩnh vực đất đai tại các chi nhánh tăng đột biến trong khi nhân sự thiếu, cơ sở vật chất chưa bảo đảm để giải quyết số lượng hồ sơ lớn dẫn đến trễ so với ngày hẹn trả kết quả, gây áp lực lớn cho các chi nhánh và hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Việc liên thông giữa phần mềm chuyên ngành về quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và phần mềm một cửa điện tử chưa thực hiện thông suốt, dẫn đến phải nhập dữ liệu đầu vào trên cả hai hệ thống phần mềm, mất nhiều thời gian trong khâu tiếp nhận hồ sơ. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan TN&MT và cơ quan Thuế còn hạn chế, chưa thuận tiện trong giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai trên hệ thống một cửa điện tử. Hồ sơ trễ hạn cấp tỉnh chủ yếu là do sự phối hợp chưa tốt giữa Sở TN&MT và Văn phòng UBND tỉnh.

Chuyên viên Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh kiểm tra hệ thống cổng thông tin VNPT-iLIS.

Tăng cường phối hợp - Đồng bộ thông tin

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp cơ quan Thuế chạy thông suốt phần mềm liên thông giữa hai ngành; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan trong công tác giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai.

Sở tiếp tục cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và đồng bộ các phần mềm quản lý đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các TTHC về lĩnh vực đất đai, tạo môi trường minh bạch, công bằng trong tiếp cận chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết nhanh các TTHC liên quan đến quyền sử dụng đất.

Về cơ sở dữ liệu đất đai, hiện tại, Văn phòng Đăng ký đất đai đã và đang triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh Tây Ninh kết nối 9/9 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc huyện, thị xã, thành phố bằng phần mềm VNPT-iLIS. Sau khi triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai vận hành trên địa bàn huyện Dương Minh Châu đi vào hoạt động đồng bộ, hiệu quả, Sở TN&MT sẽ phối hợp các đơn vị liên quan dựa trên cơ sở dữ liệu đất đai hiện có, nghiên cứu triển khai ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh và ứng dụng di động.

Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất về tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức ngành TN&MT trong thực hiện TTHC về đất đai, môi trường. Trên cơ sở đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót; tiếp tục phối hợp Công an các địa phương chấn chỉnh tình trạng “cò” bấm số làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất tại bộ phận Một cửa một số địa phương.

Người dân lấy số thứ tự giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bên đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng bộ phận Một cửa cấp huyện đáp ứng yêu cầu theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP để phục vụ tốt công tác tiếp nhận, số hoá hồ sơ; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ lắp đặt đường truyền chuyên dùng cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh; hỗ trợ thực hiện liên thông đồng bộ giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai của ngành TN&MT.

Hải Đăng

Tin cùng chuyên mục