Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những giải pháp mà Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh xem xét có thể cơ bản giải quyết được tình trạng “dự án một nơi, mỏ đất một nẻo”. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là các mỏ khoáng sản khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ khai thác đất) khi có cơ chế đặc thù phục vụ cho các dự án có hoạt động đúng giấy phép, có hạn chế sự ảnh hưởng đến môi trường không.
Một mỏ khai thác đất tại huyện Châu Thành.
RÀNG BUỘC TRÁCH NHIỆM CHỦ MỎ KHOÁNG SẢN
Theo Sở TN&MT, khi thực hiện cơ chế đặc thù, đối với trường hợp nâng công suất, chỉ cho phép nâng công suất khi hoạt động khai thác đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định địa chỉ sử dụng khoáng sản là nhà đầu tư/nhà thầu của dự án; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu, nhà đầu tư sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ để địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan. Thực hiện giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính khi cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp quyết định chủ trương đầu tư, các thủ tục khác có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cấp phép khai thác để sớm có nguồn nguyên liệu cho dự án.
Việc cấp phép khai thác phải bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc dự án. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Không cấp phép khai thác mới đối với các mỏ nằm gần hành lang bảo vệ đường có ảnh hưởng đến cảnh quan và an toàn giao thông.
Kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; thực hiện việc công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước. Trường hợp phát hiện loại khoáng sản khác không phải là khoáng sản làm VLXDTT, yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xử lý theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi; thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT đã cấp đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bán vật liệu cho tổ chức, cá nhân khác hoặc không cung cấp khoáng sản làm VLXDTT cho nhà đầu tư/nhà thầu đã ghi trong giấy phép đồng thời thu hồi giấy phép đã cấp để cấp cho nhà đầu tư/nhà thầu theo quy định.
Một bãi trữ đất nằm sát đường 783, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên không bảo đảm về môi trường.
VÌ SAO CÁC MỎ KHAI THÁC ĐẤT KHÔNG LẮP ĐẶT TRẠM CÂN ?
Theo quy định của Luật Khoáng sản, các mỏ khai thác khoáng sản đều phải lắp đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng khoáng sản khi bán ra khỏi mỏ để lưu trữ trên hệ thống nhằm bảo đảm cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, tránh thất thoát khoáng sản do một số chủ mỏ có thể khai báo không trung thực. Vì vậy mà thời gian qua, dư luận luôn đặt dấu hỏi, vì sao các mỏ khai thác cát phải lắp đặt trạm cân nhưng các mỏ khai thác đất thì không?
Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 8043/QĐ-STNMT ngày 10.12.2021 về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022. Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 7 thông báo kết luận kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản có yêu cầu các đơn vị lắp đặt trạm cân để giám sát.
Tuy nhiên, về tính khả thi để lắp đặt trạm cân giám sát các mỏ đất san lấp là chưa cao. Lý do: Mỏ vật liệu san lấp thường có quy mô nhỏ, công suất khoảng 20.000 đến 40.000m3/năm, trung bình mỗi năm khai thác từ 2 đến 6 tháng, khoáng sản khai thác không qua chế biến nghiền sàng nên gần như bằng với khối lượng khai thác tại mỏ. Khối lượng khai thác này hằng năm được thể hiện qua kết quả đo vẽ và kiểm kê trữ lượng, độ sâu khai thác. Do đó, đa số các mỏ khai thác khoáng sản vật liệu san lấp chưa triển khai.
Trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo 3346/BC-STNMT ngày 13.6.2018 về việc triển khai lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác khoáng sản và Công văn số 2452/STNMT-PQLTN ngày 27.4.2018 về việc chưa lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác để báo cáo khó khăn trong công tác triển khai lắp trạm cân giám sát sản lượng các mỏ đất san lấp gửi UBND tỉnh và đoàn kiểm tra theo Quyết định số 396/QĐ-ĐCKS ngày 20.11.2018 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với công tác kiểm kê, kiểm soát độ sâu, trữ lượng khai thác quản lý sản lượng tại mỏ đất san lấp trên địa bàn, các mỏ khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh giới hạn độ sâu khai thác từ 5-7m. Việc khai thác theo hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND ngày 12.4.2021 về việc ban hành quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Công văn số 3157/UBND-KT ngày 20.9.2022 về việc triển khai hướng dẫn công tác kê khai, nộp thuế, phí theo sản lượng nguyên khai thực tế trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Phía trước một mỏ khai thác đất tại huyện Tân Biên.
Hằng năm, các đơn vị khai thác khoáng sản phải lập và nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản hằng năm theo quy định Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24.12.2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.
Chính vì không có trạm cân để cân khối lượng đất cho từng xe chở đất ra khỏi mỏ nên đã nảy sinh nhiều bất cập xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, doanh nghiệp vận tải. Phần lớn các mỏ khai thác đất trên địa bàn huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, các xe tải vào chở đất hiện nay đa phần là xe có tải trọng lớn (xe ben 4 chân), thậm chí cả xe container… nhưng con đường vào các mỏ khai thác đất thường là đường có kết cấu sỏi đỏ, hoặc nhựa hoá theo tiêu chí đường giao thông nông thôn dẫn đến đường hư hỏng, gây bụi khi phương tiện lưu thông qua khiến người dân bức xúc là điều dễ hiểu.
Đây là vấn đề mà dư luận quan tâm, thực tế cho thấy dù công tác quản lý khai thác khoáng sản của ngành TN&MT tỉnh rất chặt chẽ, trong đó có việc quản lý các mỏ khai thác đất. Tuy nhiên qua thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn không ít doanh nghiệp khai thác mỏ đất có những hành vi vi phạm như khai thác quá độ sâu cho phép, khai thác vượt trữ lượng, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông khu vực đường vào mỏ khai thác do phần lớn xe tải chở đất đều có tải trọng lớn.
T.P