Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng:
Cần xác định đúng hướng quy hoạch
Thứ sáu: 00:19 ngày 23/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không đúng quy hoạch hoặc theo phong trào một số loại cây trồng cho lợi nhuận trước mắt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh.

Tự ý chuyển đổi, gây mất cân đối cây trồng

Ông Võ Văn Mỹ, ở ấp Lộc Thuận, xã Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) có 1,2 ha đất ruộng sản xuất không hiệu quả, năm 2018, ông lên liếp trồng giống sầu riêng Ri6. Hiện cây sầu riêng được 5 năm tuổi và bắt đầu cho vụ trái đầu tiên. Theo ông Mỹ, trái sầu riêng có giá và đầu ra ổn định, ông đang học tập kinh nghiệm cách sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Ngoan, ngụ ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây gia đình ông trồng đậu và trồng lúa trên diện tích 1,7 ha, nhưng lợi nhuận thấp, tốn nhiều công lao động, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng, nên gia đình quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng sang trồng nhãn tiêu da bò.

Ông Ngoan cho biết thêm: "Cách đây 10 năm, người làm vườn trên địa bàn xã Truông Mít không còn xa lạ với cây nhãn tiêu da bò, do đa số người dân đều chuyển sang trồng loại cây này và đều gặp chung tình trạng cung vượt cầu, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người chặt bỏ cây nhãn để chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Gia đình tôi chọn trồng cây sầu riêng Ri6 với mong muốn nâng cao thu nhập và phát triển vùng cây ăn trái chất lượng tại địa phương".

Ông Thân Văn Mến, ngụ ấp Thuận Tân chia sẻ, trước đây gia đình trồng 1,5 ha lúa, nhưng lợi nhuận thấp nên quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh. Qua học tập kinh nghiệm ở miền Tây thấy cây bưởi dễ trồng, dễ chăm sóc, giá bán lại cao, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sang trồng bưởi.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít cho biết, khoảng 4 năm nay, trên địa bàn xã nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng nhãn 1.700 ha; trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác khoảng 500 ha, trong đó sầu riêng hơn 400 ha.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân xã Truông Mít tiếp tục vận động người dân liên kết với doanh nghiệp xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất vùng cây ăn trái và các mô hình sản xuất khác, quan tâm cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, từ năm 2017 đến năm 2021 trên địa bàn huyện chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác các loại cây trồng khác 5.833 ha.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không thực hiện theo quy định, người dân tự ý chuyển đổi, làm cho quy hoạch ngành gặp khó khăn. Những vùng chuyển đổi cây trồng của người dân không đạt hiệu quả cao, dẫn đến mất cân đối, cung vượt cầu.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiến nghị tỉnh tạo điều kiện phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân. Đồng thời, tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá và bán tự động… đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Tiếp tục phối hợp xây dựng và áp dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc, số hoá và lưu trữ các thông tin từ vùng trồng, thổ nhưỡng, cho đến kỹ thuật, công nghệ, các thông tin khác trên các khâu nuôi trồng của toàn chuỗi giá trị.

Cần tìm hiểu nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được tỉnh tích cực thực hiện và phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp (lúa, mía, cao su...) sang trồng rau các loại, cây ăn trái, đặc biệt là các cây ăn trái đặc thù của tỉnh như bưởi da xanh, xoài, mãng cầu, chuối, sầu riêng… nhằm tạo ra những sản phẩm có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước với giá trị thu được cao hơn trồng lúa, mía. Đồng thời chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Đối với nhóm cây ăn trái, đây là nhóm cây trồng đã có bước phát triển nhảy vọt trong những năm qua. Từ diện tích 16.154 ha cây ăn trái vào năm 2016 đến năm 2021 đạt 23.289 ha, tăng 7.135 ha so với năm 2016.

Ước tổng diện tích chuyển đổi năm 2022 đạt 1.200 ha (chủ yếu từ diện tích cây lúa, cao su không hiệu quả sang trồng mì, cây ăn trái). Luỹ kế từ năm 2016 đến cuối năm 2022 thực hiện chuyển đổi 39.700 ha, trong đó chuyển sang trồng cây hằng năm là 33.500 ha và chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 6.200 ha.

Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây như sầu riêng, mãng cầu, mít, nhãn, bưởi, dừa... đều mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Xuân, việc chuyển đổi cây trồng một số nơi mang tính tự phát, khi giá nông sản xuống thấp người dân lại chuyển sang cây trồng khác. Nhiều nơi không gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, còn nhiều diện tích cây trồng chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định, do đó chưa thúc đẩy được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Việc phân tích, đánh giá, xác định mức độ phù hợp về điều kiện canh tác, loại giống… còn gặp khó khăn. Chi phí đầu tư khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái hay các cây hằng năm áp dụng công nghệ cao như dưa lưới khá cao làm ảnh hưởng đến việc mở rộng các diện tích chuyển đổi.

Đối với vấn đề đầu ra cho sản phẩm khi thực hiện chuyển đổi là không thể đánh giá được vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thực hiện chuyển đổi theo nhu cầu của người sản xuất hoặc theo nhu cầu liên kết tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp liên kết thu mua, nếu cơ sở bảo đảm có hợp đồng thu mua thì người sản xuất thực hiện chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu liên kết. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không bảo đảm đầu ra cho tất cả các sản phẩm sau khi thực hiện chuyển đổi, mà sẽ làm trung gian giới thiệu để cơ sở sản xuất kết nối với cơ sở tiêu thụ hàng hoá.

Ông Xuân khuyến cáo người sản xuất trước khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần tìm hiểu trước nhu cầu của thị trường, điều kiện tự nhiên để chọn lựa cây trồng phù hợp, nhằm tránh tình trạng chạy theo số đông dẫn đến lượng hàng hoá cung vượt cầu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất; thực hiện chuyển đổi theo định hướng, chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu và hình thành vùng chuyên canh, phát huy lợi thế của từng vùng, góp phần liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng và xây dựng “Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh” nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ.

Ông Xuân cũng cho biết, việc phát triển vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ như: hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt. Đồng thời kết hợp hệ thống tưới tự động kết hợp với việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh hại tránh gây ảnh hưởng sức khoẻ của người nông dân.

Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt sử dụng phổ biến trong các vườn cây ăn quả, góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động; đặc biệt là tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS) tại tỉnh Tây Ninh trên các loại cây bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ... cho cơ sở (tổ chức, cá nhân) sản xuất cây ăn quả. Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Trung Quốc.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục