Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp tục đợt khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” trên địa bàn tỉnh, ngày 22.2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát biểu tại buổi làm việc với đoàn khảo sát.
Sáp nhập “nguyên đai, nguyên kiện”
Đại diện CDC Tây Ninh cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 2018 trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Phòng, chống sốt rét. Tháng 4.2020, đơn vị sáp nhập thêm Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Tháng 10.2020, UBND tỉnh quyết định sáp nhập thêm Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh vào đơn vị; cuối năm 2022, sáp nhập Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế vào CDC Tây Ninh.
Sau khi hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy, CDC tỉnh có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ; quản lý sức khoẻ cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Hiện tại, Trung tâm có 154 biên chế trên tổng số 204 biên chế được giao.
Lãnh đạo đơn vị nhìn nhận, giai đoạn 2018-2023, Trung tâm cơ bản thực hiện đầy đủ các khoa, phòng theo quy định của Bộ Y tế. Được thành lập trên cơ sở hợp nhất 6 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh, rất thuận lợi cho các đầu mối triển khai chương trình, dự án, cho các đơn vị tuyến cơ sở liên hệ công tác cũng như tổng hợp, báo cáo số liệu, các chỉ tiêu chuyên môn trong hoạt động kiểm soát bệnh tật.
Khó khăn, tồn tại hiện nay là, Trung tâm chưa thành lập được phòng khám đa khoa - chuyên khoa theo chức năng nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân được xác định là “do chưa có bác sĩ chuyên khoa đảm bảo theo quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ”.
Trước tình hình đó, Trung tâm đưa ra phương hướng, biện pháp khắc phục: đào tạo bác sĩ chuyên khoa Nhi, dự kiến năm 2024 đủ điều kiện thành lập phòng khám chuyên khoa và khám bệnh nghề nghiệp theo quy định. Lãnh đạo Trung tâm phân tích, việc thành lập phòng khám đa khoa cần có thời gian, do nguồn nhân lực bác sĩ có chuyên ngành Tai mũi họng, Răng hàm mặt, mắt, Da liễu, Chẩn đoán hình ảnh… mới hội đủ điều kiện.
Chế độ chính sách
Năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 47/2022/NQ-HĐND nhằm hỗ trợ cho nhân viên Y tế và chế độ thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế. “Nhưng thực tế đơn vị vẫn không tuyển được viên chức theo chế độ thu hút đối với một số chuyên ngành đặc biệt như chuyên khoa Mắt; Tai, mũi họng; Răng hàm mặt; Ngoại; Bệnh nghề nghiệp... theo quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để thành lập phòng khám đa khoa và khám bệnh nghề nghiệp” - đại diện CDC báo cáo. Nguyên nhân, đơn vị này thuộc khối Y tế dự phòng nên khó tuyển dụng được bác sĩ có các chuyên khoa về lĩnh vực khám chữa bệnh, đặc biệt các chuyên khoa lẻ như Tai mũi họng; Mắt; Răng hàm mặt; Nội; Ngoại; Chẩn đoán hình ảnh; Da liễu, vì đa số bác sĩ mới ra trường đều muốn làm việc trong môi trường điều trị đúng với chuyên ngành được đào tạo.
Phần lớn viên chức các đơn vị sáp nhập về Trung tâm có nhiều trình độ khác nhau như: kỹ sư, báo chí, quay phim, kiểm nghiệm thực phẩm, cử nhân hoá học, cử nhân luật… Điều này ít nhiều gây khó khăn cho đơn vị khi sắp xếp nhân sự cũng như xây dựng đề án vị trí việc làm tại các khoa, phòng thuộc Trung tâm, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến quyền lợi của viên chức. Điều đó “do lịch sử để lại, quá trình sáp nhập, mặc dù Sở Y tế có chủ trương đối với một số viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt, chưa phù hợp có thể xin chuyển công tác hoặc thực hiện tinh giản biên chế… Khi sáp nhập, các đơn vị thực hiện theo chủ trương chuyển giao tất cả từ nhân sự, chuyên môn và trang thiết bị về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật”- đại diện Trung tâm giải thích và nói thêm rằng, đây là kiểu sáp nhập "nguyên đai, nguyên kiện”.
Muốn tăng tự chủ, nhưng…
Từ thực tế của đơn vị, đại diện Trung tâm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm thẩm định định mức chi của các chương trình y tế - dân số giai đoạn 2023-2028 (theo dự thảo đề cương chi tiết của nghị quyết quy định định mức chi thường xuyên của các chương trình y tế - dân số giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh).
Ngoài nội dung trong báo cáo, thành viên đoàn khảo sát đặt một số câu hỏi về hoạt động của Trung tâm sau sáp nhập. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đề nghị lãnh đạo Trung tâm thông tin rõ hơn hiện tại đơn vị có bao nhiêu người chưa rõ vị trí việc làm, làm chưa đúng chuyên môn, giải pháp cho thực trạng này như thế nào?
“Trung tâm đang tự chủ tài chính ở mức ba, vậy có muốn lên tự chủ mức hai không, nếu có tại sao và nếu không, tại sao?”– ĐBQH Trần Hữu Hậu đặt câu hỏi. ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đề nghị lãnh đạo Trung tâm cho biết, đề án vị trí việc làm của Trung tâm như thế nào, việc này xây dựng đến đâu, điều này quan trọng, vì tới đây, chế độ lương căn cứ vào vị trí việc làm.
Giải trình một số nội dung, lãnh đạo Trung tâm cho biết, đơn vị hiện có một số người khó xác định vị trí việc làm, vì chuyên môn của những người này học ngành Luật, Báo chí không liên quan đến ngành Y. Việc có muốn tăng mức độ tự chủ hay không, lãnh đạo Trung tâm cho biết, “lên” được hay không, phụ thuộc vào nguồn thu. Muốn tăng thêm nguồn thu, phải mở rộng, cho ra đời một số dịch vụ.
“Chúng tôi không muốn giữ hạng, khi lên hạng hai tự chủ, chúng tôi tự chủ được 100% khoản chi thường xuyên, do đó ngân sách Nhà nước sẽ giảm. Như vậy lên tự chủ nhóm hai có lợi hơn giữ mức độ ba hiện nay” - lãnh đạo đơn vị phân tích. Trung tâm có kế hoạch thành lập phòng khám đa khoa để từ đó liên doanh liên kết, tăng nguồn thu, nhưng việc thiếu bác sĩ đang là một trở ngại. Muốn giải quyết bài toán này, cần có chính sách đủ mạnh để thu hút học sinh Tây Ninh vào học ngành Y, khi ra trường quay về làm tại tỉnh nhà.
“Hiện tại, việc thành lập phòng khám đa khoa chưa thể thực hiện và chưa biết khi nào mới thành hiện thực, vì cần có con người. Chính sách đào tạo nhân lực Y tế đã có từ lâu nhưng những trường hợp này lại học chuyên môn ở khối điều trị, trong khi Y học dự phòng lại khác"- lãnh đạo Trung tâm nêu.
Về việc tăng thu nhập đối với người lao động, “anh em có chút đỉnh”- lãnh đạo đơn vị này trả lời câu hỏi thành viên đoàn khảo sát. Trung tâm thẳng thắn đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh để những người không có chuyên môn Y tế nhưng đang làm trong ngành Y được hưởng chế độ hỗ trợ, dù mức hỗ trợ có thể không bằng với người học ngành Y.
Phân tích về những bất cập đang tồn tại, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế (trong vai trò thành viên đoàn khảo sát) cho biết, có trường hợp tốt nghiệp kỹ sư ngành Hoá học, sau đó học thêm bằng Dược sĩ, làm việc trong ngành Y tế nhưng không thể chuyển mã ngạch (để hưởng chế độ) của ngành Y. Điều này do những quy định hiện nay của bộ, ngành Trung ương, không thuộc thẩm quyền địa phương.
Việt Đông – Phương Thuý (lược thuật)