Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chất lượng môi trường nước được cải thiện tích cực
Thứ sáu: 05:56 ngày 21/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðến nay, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh; các cơ sở có nguồn thải lớn như nhà máy chế biến khoai mì, cao su, mía đường và các khu công nghiệp đều đã xử lý nước thải đạt cột A theo quy định.

Môi trường rạch Tây Ninh ngày càng được cải thiện. Ảnh: Ð.H.T

Tại kỳ họp thứ 4, HÐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu HÐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường như sau: môi trường hiện là vấn đề cộng đồng xã hội rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HÐND tỉnh, ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề bức xúc mà cử tri nhiều lần phản ánh.

Ðó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, suối; ô nhiễm không khí (mùi hôi gần các cơ sở sản xuất mì, cao su, khói bụi nơi khai thác đá, lò đốt rác y tế); vấn đề xả rác thải sinh hoạt trong địa bàn dân cư (cả ở đô thị và nông thôn) vừa gây mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm này của ai? Giải pháp nào để khắc phục hiệu quả nhất? 

Bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), người trả lời nội dung chất vấn này cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông (VCÐ), sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng (SG-HDT) chịu tác động từ nước thải của 3.858 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh.

Trong đó, có 181 cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp và 3.665 cơ sở ngoài khu công nghiệp, gồm có 143 nguồn thải với lưu lượng nước thải của mỗi nguồn trên 50m3/ngày/đêm, tổng lưu lượng nước thải ước tính từ 150.000 - 160.000m3/ngày. Ngoài ra, lưu vực sông VCÐ, SG-HDT còn bị tác động từ các hoạt động khai thác cát, nước thải từ sản xuất nông nghiệp - nuôi thuỷ sản, nước thải đô thị của thành phố Tây Ninh, các thị trấn và dân cư đang sinh sống ở ven sông chưa được xử lý; nước thải từ hơn 3.000 cơ sở nhỏ tuy có xử lý nhưng chưa đạt cột A, xả vào các lưu vực sông.

Ðể quản lý, bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông, từ năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo các nguồn nước thải phải được xử lý đạt cột A theo quy chuẩn quy định. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, tuyên truyền, cung cấp số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin để người dân biết, cung cấp thông tin đến chính quyền và ngành chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời...

Ðến nay, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh; các cơ sở có nguồn thải lớn như nhà máy chế biến khoai mì, cao su, mía đường và các khu công nghiệp đều đã xử lý nước thải đạt cột A theo quy định. Do đó, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông đã giảm dần mức độ ô nhiễm.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước, trong và sau các kỳ họp HÐND tỉnh, cử tri phản ánh về ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ các cơ sở. Cụ thể: năm 2015, cử tri phản ánh 20 vụ việc; năm 2016 chỉ còn 4 vụ việc; 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có 1 vụ bị phản ánh. Các ý kiến của cử tri đã được ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật và đã được cử tri đồng tình, không có trường hợp phản ánh nhiều lần. 

Về tình trạng ô nhiễm không khí, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, năm 2015, cử tri phản ánh 20 vụ việc; năm 2016 còn 9 vụ; 6 tháng đầu năm 2017 có 5 vụ việc. Các nội dung phản ánh chủ yếu là mùi hôi từ các cơ sở chăn nuôi gia cầm và Bệnh viện Lê Ngọc Tùng, nhà máy xử lý phế liệu rắn.

Các phản ánh của cử tri đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm và yêu cầu cơ sở phải khắc phục theo quy định của pháp luật; tổ chức đo đạc, đánh giá các thông số gây mùi đều đạt quy chuẩn, quy định về khí thải xung quanh (không có quy chuẩn quy định về mùi) và trả lời đến HÐND-UBND tỉnh nhiều lần để thông báo đến cử tri. Tuy nhiên, một số cử tri chưa đồng tình vì cho rằng còn mùi hôi nên tiếp tục phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau đó.

Về vấn đề xả rác thải sinh hoạt trong địa bàn dân cư, Giám đốc Sở  TN&MT cho biết, theo Quyết định số 11/2010/QÐ-UBND ngày 22.3.2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thì UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thực hiện. Sở Xây dựng đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2406/QÐ-UBND ngày 21.11.2013 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

Sau thời gian thực hiện đồ án quy hoạch, 2 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đã được thực hiện có hiệu quả (Tân Hưng, huyện Tân Châu và Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu); 2 khu xử lý đang được thực hiện (Bến Cầu và Tân Biên); có 11 bãi chôn lấp rác không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường đã được các địa phương đóng cửa. Dù vậy, vấn đề xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra (cả ở đô thị và nông thôn).

Ðể khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn giao Sở TN&MT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất thải rắn và giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1552/KH-UBND ngày 12.6.2017 về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, trong đó chỉ rõ nguyên nhân xả rác bừa bãi của người dân, nhiệm vụ xây dựng các điểm chứa rác tạm thời để người dân có nơi xả rác từ khu dân cư.

UBND tỉnh cũng đã phân công trách nhiệm của từng sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, các hộ gia đình, chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020. Kế hoạch này gắn liền với chỉ tiêu 17.5 trong tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Về trách nhiệm bảo vệ môi trường, bà Hiếu cho biết: Ðiều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân” và được cụ thể hoá trong các điều (từ 80 đến 83) quy định về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, nơi công cộng, hộ gia đình, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định và trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật, có lúc, có nơi chưa đầy đủ và thống nhất. Tổ chức bộ máy, quản lý Nhà nước và phân công, phân cấp, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có lúc thiếu chặt chẽ; chưa phát huy được sự tham gia tích cực của các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngành chức năng kiểm tra nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm môi trường do một nhà máy mì gây ra.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành ý thức bảo vệ môi trường của từng người dân và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đủ mức răn đe mọi hành vi vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường, triển khai thực hiện kế hoạch đến năm 2020, lắp đặt 8 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục tại các vị trí thường xảy ra ô nhiễm do tiếp nhận các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông và 2 trạm không khí tại các đô thị đông dân cư để theo dõi, quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành TN&MT cũng sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả; tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như xây dựng các điểm tập kết, lưu giữ tạm thời rác thải sinh hoạt cả ở đô thị và nông thôn, hình thành hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và một số thị trấn…

Tỉnh cũng sẽ phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên có hiệu quả; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến về bảo vệ môi trường.

HOÀNG THI

(lược ghi)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục