Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những đứa khác đều ngoan ngoãn, lễ phép khi gặp người lớn, còn thằng cháu của bà càng lớn càng lì lợm, ngang bướng. Bà con hàng xóm trách thằng bé thì ít, mà trách bà nội thì nhiều. Họ đàm tiếu sau lưng: “cháu hư tại bà”.
Hơn 60 tuổi bà T mới có đứa cháu đầu tiên, nó lại là cháu nội trai nên bà cưng như trứng mỏng. Ngày cháu thôi nôi, bà làm gần 20 mâm để mời bà con, họ hàng đến dự, rồi bà ẵm nó đi vòng vòng để khoe cháu. Nghe ai đó khen, cháu nội giống bà, bà lại càng “nở lỗ mũi”.
Thằng bé mới tập đi, mỗi lần vấp té, nó khóc nhưng mẹ nó không chịu đỡ lên, chỉ bảo nó tự đứng dậy. Thế là bà mắng mẹ nó, rồi chạy lại vỗ về: “Có sao không con? Ðể bà nội đánh cục gạch này nha, tại nó mà cục vàng của bà té”.
Rồi bà đập tay xuống cục gạch: “Chết mày nè, chết mày nè”. Mỗi lần mẹ nó hoặc ai đó trong nhà vô ý làm thằng bé té, hoặc gặp chuyện phải la rầy nó, thì bà lại dùng chiêu cũ là giả vờ đánh, la người đó vì cái tội “làm cháu cưng bà khóc”.
Mẹ nó can ngăn, nói bà đừng làm vậy, vì cháu sẽ bắt chước rồi quen thói- chỉ biết đổ lỗi cho người khác và thích dùng bạo lực. Nhưng bà lại bào chữa: thằng bé còn nhỏ biết gì! Không ngờ thằng bé bắt chước thiệt, về sau cứ mỗi lần té là nó tự đánh vào cục gạch, cục đá hoặc bất cứ ai vô ý làm đau nó, vừa đánh nó vừa hằm hè: “Chết mày nè! Chết mày nè…” y chang kiểu của bà nội. Mẹ nó lắc đầu, còn bà lại cười: “Cháu tui thông minh thiệt, học nhanh quá”.
Mỗi lần thằng cháu nội bị té hay bị cảm là bà lại cuống cuồng lên; nào phải đi bác sĩ, đi bệnh viện, rồi nào không được ra ngoài sân, không được vọc đất, cũng không cho về nhà ngoại vì sợ trúng nắng, trúng mưa… Riết, thằng bé chỉ lúc thúc, quanh quẩn trong nhà, nước da xanh xao, người hay ốm yếu, bệnh tật.
Thấy thằng bé biếng ăn, bà mua bao nhiêu là cháo dinh dưỡng, bao nhiêu là thịt, cá, cua, tôm… về tẩm bổ cho nó nhưng nó không chịu ăn uống gì cả. Cứ mỗi lần nó ăn phải mất cả tiếng đồng hồ, lại còn phải làm đủ trò: múa, hát, cõng đi vòng vòng… vừa đút từng muỗng cơm vừa năn nỉ mãi nó mới chịu ăn.
Biết bà nội cưng chiều nên thằng bé ngày càng trở nên bướng bỉnh, không nghe ai, không sợ ai, kể cả mẹ nó. Gần như nó muốn gì là được đó. Ðang ngoài chợ, nó đòi mua đồ chơi, đòi không được thì lăn đùng ra giữa chợ khóc lóc, giãy giụa.
Vừa thương cháu, vùa sợ mất mặt với mọi người xung quanh, thế là bà đành chịu thua nó. Vừa mua đồ chơi xong, thấy thằng bé đi kế bên cầm cây kẹo, thế là nó lại bỏ đồ chơi, đòi mua kẹo cho bằng được, bà cũng phải chiều theo.
Khi nó biết nói, mẹ nó tâm sự: không muốn chở con trai đi đâu vì sợ xấu hổ với người ta. Gặp người lớn bảo nó chào hỏi, lúc vui thì nó nghe theo, lúc buồn thì cứ trơ mắt ra nhìn, la rầy cỡ nào cũng không nghe. Lúc đó, bà lại tiếp tục bênh: “Nó còn nhỏ, biết gì! Mai mốt nó lớn tha hồ dạy”.
Thằng bé đến tuổi, được mẹ đưa vào trường mầm non. Ðược mấy bữa, thấy cháu khóc, không chịu đi học, bà xót chịu không nổi thế là cho nghỉ. Bà lý luận: “Nó còn nhỏ, ép làm gì? Ba nó hồi xưa 7 tuổi mới đi học, có đi học lớp mầm, lớp chồi gì đâu mà sau cũng vô đại học đó thôi! Cháu bà cứ để ở nhà bà dạy”.
Và theo cách dạy của bà, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa đến giờ ăn biết tự cầm đũa mà ăn thì cháu nội cưng của bà một hai cứ bắt bà đút. Thằng bé gần như bị “tự kỷ”- vì chỉ chơi một mình, tự nói chuyện với mình, bởi không ai dám cho con mình chơi chung với nó, sợ vô ý làm trầy da cháu cưng của bà thì lại phiền lòng!
Những đứa khác đều ngoan ngoãn, lễ phép khi gặp người lớn, còn thằng cháu của bà càng lớn càng lì lợm, ngang bướng. Bà con hàng xóm trách thằng bé thì ít, mà trách bà nội thì nhiều. Họ đàm tiếu sau lưng: “cháu hư tại bà”.
T.TR