Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất.
Nông dân tham quan mô hình trồng chuối tại một HTX trên địa bàn huyện Tân Châu.
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, việc triển khai thực hiện nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói chung.
Hỗ trợ, kết nối thêm nhiều doanh nghiệp
Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hoá hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu, trên địa bàn huyện có diện tích trồng cây ăn trái lớn, giúp nông dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Song, nông dân trồng cây ăn trái hiện nay gặp khó khăn do giá đầu ra nhiều loại trái cây bị giảm, khó tiêu thụ, trong khi giá phân bón lại tăng cao. Huyện rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp ổn định giá các loại vật tư nông nghiệp; hỗ trợ huyện thu hút đầu tư và kết nối các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây và các loại nông sản.
Đại diện Công ty TNHH Sáu Như Một (huyện Tân Biên) chia sẻ, giai đoạn đầu thành lập, công ty đặt ra mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn trồng bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP; đầu ra được bảo đảm vì có doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá tốt để xuất khẩu.
Thực tế, thời gian qua, sản phẩm bưởi VietGAP đều bán cho thương lái với giá hàng thường, đầu ra thất thường vì nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ, doanh nghiệp không còn tham gia chuỗi liên kết. Chính vì vậy, để đầu ra sản phẩm được bảo đảm, công ty mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp đồng hành cùng người sản xuất.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành mong muốn tỉnh hỗ trợ, kết nối thêm nhiều doanh nghiệp, công ty lớn đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu nông sản cho nông dân huyện nhà. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho địa phương phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy thành lập các liên hiệp hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức mạnh trong liên kết, hợp tác.
Để hiện thực hoá Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh.
Theo đó, tỉnh tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh theo 2 nhóm sản phẩm (nhóm chủ lực cấp tỉnh, nhóm đặc sản địa phương) và 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.
Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường
Đối với nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 23.4.2011 của UBND tỉnh như: bột mì, cao su, rau củ, cây ăn trái, thịt heo, thịt và sữa bò, thịt và trứng gia cầm, thảo dược... xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, tăng cường chế biến để đa dạng hoá sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Công nhân đóng gói chuối vào thùng trước khi xuất đi.
Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, tỉnh tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hoá, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP của tỉnh đến với các thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung đổi mới cơ cấu cây trồng nhằm phát huy lợi thế ngành sản xuất chủ lực, bảo đảm nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn như cây công nghiệp, cây ăn trái, lúa chất lượng cao.
Tạo điều kiện phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân, nhất là các hình thức sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ).
Lĩnh vực chăn nuôi, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng chuyển dịch chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu an toàn sinh học và môi trường sang chăn nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp; tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi: heo, trâu, bò, gà, thuỷ cầm, dê, cừu…
Tập trung bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng nước tự nhiên nội địa, hồ chứa. Thường xuyên thả giống bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản.
Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản; chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thuỷ sản; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và đất quy hoạch ba loại rừng, phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, duy trì ổn định độ che phủ rừng; giảm thiểu các vụ vi phạm tài nguyên rừng; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các loại rừng; phát huy tiềm năng, vai trò của rừng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp các dịch vụ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biên giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản đạt bình quân từ 2%-2,5%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,1%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng nâng cao, không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Nhi Trần