Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chiến thắng 30.4 – Chưa bao giờ là cuộc nội chiến
Thứ ba: 16:09 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta.

Mít tinh mừng chiến thắng 30.4.1975 tại Tây Ninh. Ảnh tư liệu

Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4), khi hầu hết đồng bào hân hoan đón mừng ngày vui đoàn viên của cả dân tộc, thì đâu đó còn có những luận điệu lạc lõng, cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam­ – Bắc, “chiến thắng 30.4 là vết nhơ của cuộc nội chiến trong lịch sử dân tộc”.

Đó là những luận điệu xuyên tạc, mù quáng, bất chấp sự thật lịch sử: Chiến thắng 30.4 là chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho toàn dân tộc.

Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam như thế nào?

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, Việt Nam buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham chiến phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Genève đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia ngày 21.7.1954, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Dù có mặt tại hội nghị, nhưng Mỹ đã không ký Hiệp định Genève, điều này nằm trong toan tính, ý đồ xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Và sự thật lịch sử đã chứng minh thông qua việc Mỹ từng bước hất chân Pháp ra khỏi Việt Nam, buộc Pháp ký hiệp ước trao quyền hành chính ở miền Nam cho Ngô Đình Diệm, rũ bỏ trách nhiệm thi hành Hiệp định Genève về lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Bằng sự “can thiệp có hệ thống”, thông qua chế độ nguỵ quyền bù nhìn, trong 21 năm, Mỹ đã áp dụng các chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam: từ “Chiến tranh đơn phương”, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (từ năm 1961 đến giữa năm 1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968), đến chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, phá hoại bằng không quân, Hải quân lần thứ hai ở miền Bắc (từ năm 1969 đến năm 1973).

Để triển khai các chiến lược, Mỹ huy động 6,6 triệu lượt lính Mỹ và 72.600 quân chư hầu tham chiến ở Việt Nam. Trong 21 năm đó, số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn, trong đó riêng số bom mà máy bay Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản), gấp 3 lần số bom sử dụng trong chiến tranh Thế giới 2, bình quân mỗi người Việt Nam thời đó phải hứng chịu khoảng 250 kg bom ném xuống từ máy bay Mỹ; rải xuống khắp miền Nam Việt Nam khoảng 75 triệu lít chất độc hoá học dioxin.

Chỉ sau khi thất bại chiến dịch 12 ngày đêm ném bom rải thảm trên bầu trời Hà Nội (từ ngày 18 - 30.12.1972), Mỹ mới chịu từ bỏ ý đồ trực tiếp xâm lược Việt Nam. Vào ngày 27.1.1973, tại Paris, Mỹ đã ký kết Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” với phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh và các bên liên quan. Tổng chi phí chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là 686 tỷ USD.

Với tất cả những gì mà Mỹ làm ở Việt Nam là quá rõ ràng, hiển nhiên, không thể chối cãi sự thật lịch sử rằng Mỹ đã đem quân đến xâm lược Việt Nam, không thể đánh tráo khái niệm để gọi Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam­ – Bắc như luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, chống phá, bất mãn chế độ thường rêu rao.

Ý kiến người trong cuộc và các học giả

Đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975, đa số ý kiến của những người trong cuộc và các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai do Mỹ lập nên.

Chính người trong cuộc như Nguyễn Văn Thiệu- người đứng đầu chế độ Sài Gòn - khi còn đương nhiệm đã công khai “lý tưởng” của chính quyền ông ta: “Mỹ còn viện trợ thì chúng ta còn chống Cộng”, “nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập”.

Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ thẳng thắn thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất”, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.

Cố giáo sư Trần Chung Ngọc- cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (người định cư ở Mỹ sau sự kiện 30.4.1975) đã chỉ ra: “Cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của Mỹ… Còn cuộc chiến hậu Genève là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ, Mỹ xâm lăng vì cái thuyết Domino sai lầm…”.

Trong cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hoá Mỹ (xuất bản năm 1991 tại Mỹ), tác giả John Carlos Rowe và Rick Berg thẳng thắn chỉ ra: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam”.

Học giả John Prados (thuộc Cục Lưu trữ an ninh quốc gia và Đại học G.Washington), năm 2009 khi xuất bản cuốn “Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng 1945 – 1975” đã thừa nhận: cuộc chiến này, đối với người Mỹ là một sai lầm và không thể chiến thắng.

Giáo sư, tiến sĩ E.Tin-pho, Học viện Chỉ huy tham mưu Không quân Mỹ nhận định: "Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến tranh vẫn tồn tại dai dẳng, đến nay chưa thể khắc phục xong.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đối với Việt Nam là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên CNXH.

Đối với thế giới, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc.

Do đó, bất kỳ ai yêu chuộng hoà bình, có lương tri cũng đều nhìn nhận rõ ràng rằng cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 là cuộc chiến tranh của Nhân dân việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai do Mỹ lập nên, tuyệt đối không hề là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam­ – Bắc như các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Hoàng Trần

Tin cùng chuyên mục