Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chính phủ sẽ sớm có lộ trình cải cách tiền lương
Thứ ba: 10:16 ngày 23/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước những khó khăn, thách thức, Chính phủ cần có các giải pháp nhằm phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Ngày 22-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm Quốc hội (QH) khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong thanh khoản, dòng tiền

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I-2023 vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ là 5,03%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân bốn tháng tăng 3,84%.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Phân tích thêm, ông Lê Minh Khái cho hay nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

“Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp, nhiều DN thiếu đơn hàng” - Phó Thủ tướng nói. Ông cũng đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%

UBKT của QH đánh giá tăng trưởng GDP quý I-2023 đạt 3,32% là mức “rất thấp”. “Trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn” - Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nói và cho rằng để đạt mục tiêu 6,5% thì ba quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP cần tăng khoảng 7,5%.

Cũng theo UBKT, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, số DN rút khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

“Nhiều DN đối diện với áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài” - ông Thanh nói thêm.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao, khoảng 9,3%/năm. Tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế. “Nợ xấu có xu hướng tăng” - Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nói.

Trong khi đó, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN gặp khó khăn, tổng giá trị huy động vốn qua hai kênh này giảm tương ứng 92% và xấp xỉ 88% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, thị trường, DN bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Nhiều DN chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn. “Quý III, dự kiến có khoảng 104.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới” - ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UBKT cũng cho hay một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm. Đặc biệt là những bất cập trong việc nhân viên ngân hàng tư vấn đầu tư trái phiếu DN, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu DN, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn…

Đáng chú ý, UBKT đánh giá số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của DN và tình hình người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động…

“Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục” - chủ nhiệm UBKT nói.

Dự báo nhiều thách thức, khó khăn

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Cùng với đó là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Báo cáo cho biết Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.

Ông Lê Minh Khái cho hay Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Ông Lê Minh Khái khẳng định về việc sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, TP.

Liên quan đến vấn đề này, UBKT cho hay từ nay đến cuối năm, dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, cần có các giải pháp nhằm phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của QH.

UBKT đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu…

Theo cơ quan này, Chính phủ cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn; tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các DN, tập đoàn…

Ngoài ra, UBKT đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát làm rõ, báo cáo QH về những vướng mắc, bất cập, chồng chéo của các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh (nếu có) và kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới…

Quốc hội bầu, phê chuẩn 2 nhân sự quan trọng

Chiều 22-5, tiếp tục phiên làm việc tại kỳ họp thứ năm Quốc hội (QH) khóa XV với 468/469 đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua nghị quyết bầu ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, làm chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh (bên trái) và tân Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh (bên phải). Ảnh: TTXVN

Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, QH đã đồng ý cho ông Nguyễn Phú Cường thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH khóa XV. Đồng thời, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH với ông Cường.

Ông Lê Quang Mạnh, 49 tuổi, quê thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; ông có trình độ chuyên môn là tiến sĩ kinh tế.

Từ năm 1997 đến 2019, ông Mạnh có nhiều năm công tác tại Bộ KH&ĐT, kinh qua nhiều vị trí việc làm, chức vụ khác nhau. Từ tháng 3-2018 đến tháng 5-2019, ông Lê Quang Mạnh là ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ KH&ĐT.

Từ tháng 6-2019 đến tháng 9-2020, ông Mạnh làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Từ tháng 10-2020 đến nay, ông Mạnh làm bí thư Thành ủy Cần Thơ.

QH cũng biểu quyết thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, giữ chức vụ bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2021-2026, với 454/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Ông Khánh được bổ nhiệm giữ chức vụ bộ trưởng Bộ TN&MT thay cho Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - người kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ TN&MT từ ngày 5-1 đến nay vừa được QH phê chuẩn miễn nhiệm.

Ông Đặng Quốc Khánh, 47 tuổi, quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có trình độ tiến sĩ chuyên ngành quản lý đô thị và công trình, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Ông Khánh từng có thời gian dài công tác tại tỉnh Hà Tĩnh và đảm nhiệm các chức vụ giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 2016 đến 2019, ông là phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 6-2019 đến nay, ông là bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

....................................

Chủ tịch Quốc hội: “Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro”

Ngày 22-5, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm Quốc hội (QH) khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp sẽ cho ý kiến 20 dự án, dự thảo luật và nghị quyết, trong đó có Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: QH

Ngoài ra, kỳ họp cũng xem xét việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 ngày 11-1-2022 của QH.

Chủ tịch QH cũng cho biết tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

“Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra; một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỉ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng…” - Chủ tịch QH nêu.

Từ đó, ông đề nghị các đại biểu QH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, thẳng thắn những hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ. Làm rõ nguyên nhân trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những hạn chế của nội tại nền kinh tế... Từ đó, đề xuất kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức để góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, QH sẽ tiến hành giám sát tối cao “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Trên cơ sở báo cáo, đề nghị QH phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc còn tồn đọng trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống dịch. QH sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu QH cho ý kiến, lựa chọn nội dung giám sát cho chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2024. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, bất cập. Nhằm tạo chuyển biến tích cực, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của QH về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, những vấn đề lớn được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục