Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chờ nước về, tưới mát những đồng xanh
Thứ hai: 14:08 ngày 19/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày cuối năm 2017, người dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu hân hoan trước thông tin tỉnh chuẩn bị triển khai dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Nguồn nước lành này sẽ góp phần thay da đổi thịt cho hai huyện nghèo vùng biên giới vốn bao đời thuần nông.

Thiếu nước tưới, khó phát triển nông nghiệp

Ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 61.540 ha. Trong đó, diện tích lúa là 40.560 ha (3 vụ), năng suất bình quân gần 5,5 tấn/ha; diện tích mía 5.651 ha, năng suất bình quân 78 tấn/ha; diện tích mì 10.117 ha, năng suất bình quân 28 tấn/ha; cây bắp khoảng 380 ha, năng suất bình quân trên 5 tấn/ha; cao su hơn 7.600 ha.

Cho đến nay, ngành nông nghiệp huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn nên dù tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh hàng hoá nông sản trên thị trường yếu. 

Những năm qua, bước đầu, một số mặt hàng nông sản như mía, lúa đã có hợp đồng tiêu thụ, trong khi phần lớn mặt hàng nông sản khác phụ thuộc vào bên thu mua. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa cao. Việc thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mới bắt đầu triển khai thực hiện nên còn nhiều lúng túng. Người dân còn bỡ ngỡ và chưa quen với phương pháp liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Một số dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng chưa được ngăn chặn (bệnh thối cổ rễ, bệnh khảm lá trên cây mì…) gây thiệt hại cho nông dân.

 Ở Châu Thành, kinh tế tập thể hoạt động khó khăn và kém hiệu quả, trừ loại hình hợp tác xã tín dụng. Các trang trại, gia trại trong trồng trọt chưa phát triển nhiều. Tư tưởng bảo thủ, nguồn lực hạn chế nên việc định hình một phương thức kinh tế tập thể kiểu mới gặp nhiều trở ngại. Cũng như các địa phương trong tỉnh, Châu Thành luôn nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp. Để đạt mục tiêu đó, huyện tranh thủ phát huy tiềm năng lợi thế tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý theo hướng xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, do hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các địa phương phía Tây sông Vàm Cỏ Đông chưa đáp ứng được nhu cầu nên nhiều năm qua, nền nông nghiệp Châu Thành nói riêng và các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (bao gồm huyện Bến Cầu) nói chung bị hạn chế và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Xã Thành Long (huyện Châu Thành) là một trong những địa phương sẽ được thụ hưởng lợi ích khi công trình thuỷ lợi được vận hành. Ông Nguyễn Văn Được-  một nông dân ở ấp Thành Tây, xã Thành Long cho biết, dù là vùng đất chuyên canh mía, mì nhưng người dân ở đây khó có thể giàu lên vì thiếu hệ thống kênh thuỷ lợi, thiếu nước tưới. Nông dân muốn sản xuất phải khoan giếng bơm nước tưới cây. Thế nhưng, do nhiều người cùng khoan, nhất là khi một nông trường gần đó khoan giếng đặt máy bơm công suất lớn tưới mía nên mạch nước ngầm bị cạn kiệt. Ông Được cho biết, bình quân mỗi ha mía phải khoan 3 giếng, cộng với nhiều chi phí khác nên trồng mía ở vùng đất này rất nặng vốn đầu tư, năng suất không ổn định, lợi nhuận thấp.

Ông Nguyễn Văn Minh- nông dân trồng mì ở Thành Long cho rằng, nếu có kênh thuỷ lợi, người dân nơi đây sẽ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, từ đó có cuộc sống sung túc. Có nguồn nước thuỷ lợi, người nông dân có thể mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao, ổn định hơn. Chứ như hiện nay, đất gò khô mà không trồng mì thì nông dân cũng không biết trồng cây gì.

Trông đợi từng ngày

Khi nghe thông tin tỉnh chuẩn bị triển khai dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông về tưới mát đồng khô, nhiều người dân vui mừng. “Chúng tôi mong nước về từng ngày, từng ngày. Hy vọng dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai như kế hoạch, đáp ứng sự mong mỏi hàng chục năm qua của người dân”- nhiều nông dân chia sẻ.

Theo Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp Tây Ninh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã được UBND tỉnh phê duyệt và được  triển khai vào đầu năm 2018. Dự án bao gồm kênh chuyển nước dài 16,67km và một cây cầu máng vượt sông Vàm Cỏ Đông cùng với các kênh chính, kênh cấp 1... và các công trình khác. Mục tiêu của dự án là cấp nước tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp tại nhiều xã ở hai huyện Châu Thành, Bến Cầu.

Dự án này cũng cấp nước cho lĩnh vực công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi nhằm góp phần giảm nghèo, ổn định sản xuất, ổn định dân cư vùng biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội ở những vùng đất chưa được khai thác hết tiềm năng. Dự án có điểm đầu đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tại xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Từ đây, kênh chính dẫn nước đi ven tuyến biên giới và kết thúc tại rạch Bảo, huyện Bến Cầu.

Hoàng Anh - Tấn Hưng

Ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói: Đối với các nền nông nghiệp, yếu tố thuỷ lợi có vai trò vô cùng quan trọng. Hay có thể nói, thuỷ lợi có yếu tố quyết định đối với mục tiêu phát triển nông nghiệp của từng địa phương, vùng hay quốc gia. Nếu được đầu tư phù hợp, hệ thống thuỷ lợi vừa phát triển sản xuất từng vụ, vừa tạo khả năng tăng vụ. Hệ thống thuỷ lợi còn là yếu tố quyết định tăng năng suất cây trồng, tạo điều kiện thay đổi cơ cấu nông nghiệp, giống cây trồng - vật nuôi, làm tăng giá trị tổng sản lượng của khu vực. 

Bên cạnh đó, hệ thống thuỷ lợi còn làm tăng diện tích canh tác, góp phần tích cực cho việc cải tạo đất đai. Do đó, việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông về các địa phương phía Tây sông này là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các địa phương vùng biên giới này. Đó là cú hích tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn một vùng trù phú mới ở phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Tin cùng chuyên mục