Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 17.4, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch Dương Văn Thắng- Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp.
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 4.2024.
Tham dự phiên họp có bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh và đại diện các sở, ngành liên quan.
Mở rộng đối tượng được vay vốn chính sách
Tại phiên họp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình dự thảo Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác được vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, ngoài các đối tượng đang được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm 4 đối tượng cho vay từ nguồn ngân sách uỷ thác của tỉnh, gồm: hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo của tỉnh; hộ gia đình cư trú tại khu vực đô thị chưa có công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Giai đoạn 2024-2025, tỉnh sẽ cân đối 85 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng. Trong đó, năm 2024 là 40 tỷ đồng, năm 2025 là 45 tỷ đồng.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cân đối ngân sách, giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng phù hợp với thực tế nguồn lực của tỉnh.
Cũng tại phiên họp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ đối với công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi hỗ trợ các đối tượng tham gia công tác cai nghiện ma tuý, tạo điều kiện cho người cai nghiện ma tuý được hưởng các chế độ hiện hành, giúp cai nghiện đạt hiệu quả; người làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện được hưởng các chế độ chính sách, phấn đấu cống hiến cho công việc và có đủ điều kiện để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Nguồn kinh phí thực hiện là hơn 11,4 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình, giao đơn vị hoàn chỉnh theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Thông qua nhiều nội dung trong lĩnh vực xây dựng
Cũng tại phiên họp, Sở Xây dựng trình nội dung Chương trình phát triển đô thị thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án phân loại đô thị thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng là đô thị loại III; Đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định hỗ trợ đấu nối nước thải từ hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom của hệ thống nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng dự án trụ sở MB Tây Ninh và khu phức hợp khách sạn, trụ sở làm việc, nhà ở kết hợp thương mại phê duyệt tại Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 28.2.2017 và Quyết định số 1812/QĐ-UBND ngày 7.8.2017 của UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung này, giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh theo quy định.
Đối với đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ ưu tiên thăm dò, khai thác khu vực chất lượng, có giá trị khoáng sản cao, không được tác động đến cảnh quan môi trường và sinh kế của người dân, phải có đường vận chuyển thuận lợi và không ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư; ưu tiên các khu vực đất do Nhà nước quản lý, khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng (khu vực bán ngập) để chủ động quỹ đất thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; việc thăm dò, khai thác không làm ảnh hưởng đến công năng, bảo đảm an toàn công trình hồ đập, môi trường và giao thông, quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đa mục tiêu, bảo đảm an ninh, an toàn công trình và nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Tấn– Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu đơn vị trình cần bổ sung một số nội dung, cụ thể: khoáng sản bảo đảm được tính ổn định về giá trị mặt bằng chung, không xảy ra tình trạng đầu cơ, gây khủng hoảng về vật liệu xây dựng. Đối với các mỏ cát, mỏ đất qua kiểm tra, giám sát phát hiện vi phạm đến mức phải thu hồi thì kiên quyết thu hồi. Thực hiện đấu giá đối với đất công, đấu thầu đối với đất tư phần trữ lượng còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Thuế tích cực phối hợp với ngành chức năng thường xuyên rà soát, theo dõi, tính toán, đánh giá đúng để thu đúng, thu đủ, không để sót về nghĩa vụ tài chính, không để thất thoát kinh phí đóng Nhà nước.
Phiên họp cũng đã cho ý kiến đối với một số nội dung: Đề xuất mô hình bộ máy quản lý, vận hành chung các hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Chủ trương đầu tư dự án Kho bãi tập kết hàng hoá tại ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành;
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết số 46/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh Tây Ninh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2030, giai đoạn I từ năm 2022 đến năm 2025.
Vũ Nguyệt