Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường Chính trị tỉnh:
Chủ động đổi mới hình thức dạy và học
Thứ tư: 09:36 ngày 29/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh, nhiều lớp học bị kéo dài thời gian, làm chậm trễ tiến độ so với kế hoạch được đề ra trước đó. Để đạt được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, nhà trường phải đổi mới hình thức giảng dạy, từ trực tiếp sang giảng dạy trực tuyến.

Lớp học trực tuyến do cô giáo Huỳnh Thị Nhẹ giảng dạy.

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy về việc tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo trực tuyến, Ban Giám hiệu Trường Chính trị đã chủ động chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy trực tuyến để bảo đảm an toàn và hoàn thành chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra.

Đổi mới để thích ứng

Để triển khai phương thức giảng dạy trực tuyến có hiệu quả, Ban Giám hiệu trường có sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành chỉ đạo các phòng tham mưu xây dựng và hoàn thiện kế hoạch và quy chế tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo trực tuyến.

Đồng thời rà soát, nâng cấp hoàn thiện các phòng học chức năng đáp ứng yêu cầu bổ sung thêm các máy tính, micro và camera; nâng cấp hệ thống đường truyền có chất lượng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến.

Đối với các khoa chuyên môn, Ban Giám hiệu trường yêu cầu giảng viên rà soát, bổ sung giáo án điện tử bảo đảm yêu cầu cho các giờ lên lớp theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, Ban giám hiệu phân công nhóm hỗ trợ giảng viên giảng dạy trực tuyến tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm Microsoft teams để cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản sử dụng vào giảng dạy.

Qua hơn 2 tuần triển khai giảng dạy và học tập theo hình thức trực tuyến đối với 2 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 1 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, với tổng số gần 300 học viên tham dự, bước đầu đạt kết quả theo yêu cầu đề ra, đội ngũ giảng viên, học viên đều thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc.

Anh Hoàng Trọng Tám, một học viên lớp trung cấp lý luận chính trị hành chính khóa A32 cho biết: “Thuận lợi của học lý luận chính trị trực tuyến là trong hoàn cảnh hiện tại sẽ tránh sự tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí đi lại, thời gian linh hoạt đối với người học…

Về khó khăn của học trực tuyến là hạn chế sự tương tác giữa giảng viên và học viên, ít có cơ hội trao đổi thông tin với bạn bè và không phù hợp với người lớn tuổi. Ngoài ra, đường truyền có lúc gặp sự cố nên không tiếp cận được bài giảng, tài liệu; một số học viên gặp khó khăn vì cơ quan không tạo điều kiện thời gian để học tập một cách nghiêm túc…”

Cô Huỳnh Thị Nhẹ, giảng viên khoa nhà nước và pháp luật thì cho rằng, việc xây dựng thiết kế giảng dạy trên phần mềm Microsoft Team bảo đảm tính bảo mật cao, giao diện rộng, nhiều tính năng linh hoạt bảo đảm cho giảng viên trong quá trình dạy học bao quát được toàn bộ hoạt động của học viên trong lớp học, kể cả lớp học có số lượng học viên đông.

Học trực tuyến giúp cho giảng viên truyền đạt kiến thức nhanh chóng, thông tin theo yêu cầu mục tiêu của bài giảng đến cho học viên. Giảng viên có thể sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung học tập đến người học thêm hấp dẫn và sinh động hơn. Ngoài ra, còn có thể quản lý học viên thông qua tính năng thiết kế website quản lý trường học của phần mềm, nhà trường vẫn kiểm soát được số lượng học viên truy cập và giám sát được từng học viên, từng lớp học”.

Quyết tâm khắc phục khó khăn

Việc dạy học trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh là một hình thức đào tạo, bồi dưỡng mới, bước đầu gặp một số khó khăn nhất định như: yếu tố công nghệ - kỹ thuật. Các lớp học phụ thuộc chất lượng đường truyền và dung lượng mạng nhiều khi quá tải, cả giảng viên và học viên cũng có thể bị lỗi mạng và bị thoát ra khỏi phòng học.

Trong quá trình giảng dạy, một số tính năng của phần mềm Microsoft Team có thể cung cấp tính năng trao đổi trực tiếp giữa giảng viên và học viên thông qua các ứng dụng trò chuyện tin nhắn và giao lưu trực tuyến nhưng không đầy đủ và sinh động bằng việc trao đổi như hình thức giảng dạy trực tiếp nên một phần ảnh hưởng về mặt tâm lý của giảng viên.

Mặt khác, một số giảng viên lớn tuổi không quen với việc sự dụng mạng internet nên bước đầu còn chậm trong việc thực hiện các kỹ thuật của chức năng giảng dạy. Đối với một số học viên lớn tuổi chưa thành thạo những kiến thức và kỹ năng sử dụng phần mềm học trực tuyến nên việc ra vào lớp online chưa kịp thời; trong quá trình tham gia lớp còn chậm tương tác khi giảng viên yêu cầu. Mặt khác, có những học viên phải làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 nên gặp khó khăn trong việc làm bài, nộp bài khi kết thúc phần học.

Cùng với việc giảng dạy trực tuyến, nhà trường cũng thay đổi hình thức kiểm tra, thi hết phần học phù hợp với hình hình dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Với sự quyết tâm cao của Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên cũng như ý thức học tập của học viên, công tác giảng dạy và học tập theo hình thức trực tuyến sẽ giúp cho Trường Chính trị tỉnh hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm chất lượng dạy và học vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

Mai Tuấn Kiệt

Tin cùng chuyên mục