Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Thứ hai: 14:31 ngày 19/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xác định được thực trạng và nguyên nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái, các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm mang lại sự bình đẳng, giảm bớt hậu quả cho phụ nữ, trẻ em- nhất là trẻ em gái.

Trẻ cần được dạy kỹ năng tự bảo vệ từ bậc học mầm non.

Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” diễn ra từ ngày 15.11 đến 15.12. Để hưởng ứng tháng hành động, ngày 15.11 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Tại hội thảo, nhiều vấn đề được nêu ra như thực trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường; những nỗ lực của các ngành, địa phương trong việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng này.

Xâm hại trẻ- một thực trạng đáng lo ngại

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo đã cho rằng: “Sự bất bình đẳng giới, bạo lực trong gia đình, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em không đơn thuần gây thiệt hại về thể chất mà còn thiệt hại về tinh thần, có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của nạn nhân và gia đình. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự xã hội”.

Thực tế hiện nay, phụ nữ và trẻ em có thể bị bạo lực và xâm hại ở bất cứ đâu, trong bất kỳ môi trường nào. Chia sẻ nỗi lo với Tiến sĩ Dung, bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, thực trạng bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em- nhất là trẻ em gái trên địa bàn huyện ngày một gia tăng, gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong dư luận- nhất là với các bậc làm cha mẹ.

Theo số liệu bà Phú đưa ra tại hội thảo, tính từ năm 2016 đến nay, Công an huyện Gò Dầu đã thụ lý 27 vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó 22 vụ là đối với trẻ em gái, có trường hợp là trẻ em gái bị khuyết tật. Toà án nhân dân huyện đã xét xử sơ thẩm 15 vụ.

Trong ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, vấn đề bạo lực, xâm hại về giới chưa nổi cộm. Nhưng thời gian qua cũng có những sự việc xảy ra gây bức xúc cho học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao là bạo lực tinh thần với các hình thức mắng chửi, đe doạ, phạt, đặt điều, sỉ nhục…

Còn đối với hình thức bạo lực thể chất, bạo lực tình dục chiếm tỷ lệ thấp và rất thấp. Một điều đáng lưu ý là thời gian gần đây, hành vi bạo lực học đường ở nữ giới gia tăng. Cũng theo thầy Phước, hiện nay, tình trạng phát tán hành vi bạo lực trên mạng xã hội cũng là vấn đề khó quản lý nhưng đang có xu hướng phát triển.

Cần sự chung tay

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung đã đưa ra một số nguyên nhân của tình trạng phụ nữ, trẻ em bị xâm hại. Từ góc độ gia đình, có thể thấy do thiếu sự quan tâm, nắm bắt tâm sinh lý của các em nên gia đình không kịp thời thấu đáo những biểu hiện lầm lạc của trẻ. Về xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động, cuốn hút giới trẻ vào lối sống đua đòi, tự đề cao bản thân cũng như dễ dàng tiếp xúc với những hành vi bạo lực trên mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi bạo lực…

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp để quản lý, giáo dục ngăn chặn hành vi bạo lực ở giới trẻ. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức còn hạn chế, chưa thường xuyên, dẫn đến việc phụ nữ và trẻ em gái thiếu kiến thức và kỹ năng đối với các vấn đề trên.

Đồng quan điểm đó, bà Trương Thị Phú bổ sung một số ý kiến như việc trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải sớm ra đời kiếm sống dễ rơi vào nguy cơ bị xâm hại; nhiều gia đình vẫn còn thiếu đề phòng đối với những đối tượng quen biết (như hàng xóm) đã vô tình đẩy con mình vào nguy cơ bị xâm hại; công tác giáo dục giới tính cho trẻ còn chưa hiệu quả…

Dưới góc nhìn giáo dục, thầy Nguyễn Văn Phước cho rằng một phần quan trọng chính từ chương trình giáo dục của nhà trường. Theo thầy Phước: “Thực tế hiện nay, môn Giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có thời gian trải nghiệm thực tế giúp học sinh nhận thức được những giá trị của lòng nhân ái, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân đối với những người xung quanh”.

Lứa tuổi học sinh, nhất là với các em trong tuổi dậy thì có những thay đổi về tâm sinh lý, rất dễ có những suy nghĩ và cách ứng xử thiếu chuẩn mực, dùng bạo lực trong giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, khúc mắc hay khẳng định cái tôi của bản thân. Vì vậy, các em rất cần được sự quan tâm, uốn nắn của gia đình và xã hội. Thầy Phước cũng nhấn mạnh rằng: “Đáng lưu ý hiện nay, khi các vụ bạo lực học đường bị phát hiện, nhiều khi biện pháp xử lý lại khiến học sinh tự bỏ học. Và khi đó, nguy cơ các em đi vào con đường phạm pháp là rất lớn”.

Xác định được thực trạng và nguyên nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái, các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm mang lại sự bình đẳng, giảm bớt hậu quả cho phụ nữ, trẻ em- nhất là trẻ em gái.

Ngành Giáo dục đã lồng ghép giới và phòng chống bạo lực, xâm hại vào chương trình giảng dạy. Thông qua việc giảng dạy mang lại những nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển của xã hội. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc làm thay đổi nhận thức của học sinh, giáo viên… Bên cạnh đó, một số nội dung chú trọng thực tế chứ không chỉ lý thuyết, qua đó giáo dục kỹ năng sống cho các em. Như dạy tích hợp các môn học, triển khai các công tác tham vấn, tư vấn học đường...

Một số giải pháp khác cũng được đề cập đến như công tác khen thưởng, biểu dương các tấm gương giúp đỡ người khác trong các bạn trẻ. Nghiêm cấm bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia cho các em ở tuổi vị thành niên; tạo nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho giới trẻ; kiểm soát chặt chẽ những thông tin, nội dung đăng tải trên mạng xã hội…

Bà Trương Thị Phú kiến nghị, cần nghiêm khắc, nặng tay xử lý tội phạm có hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phạm tội với phụ nữ và trẻ em khuyết tật, thiểu năng. Bà Phú dẫn trường hợp vụ một trẻ khuyết tật bị xâm hại nhưng kẻ phạm tội chỉ bị xử mức án 9 năm tù là chưa thoả đáng.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, để góp phần ngăn chặn tình trạng trẻ bị xâm hại, những người thân- nhất là người mẹ phải dạy cho con mình những kỹ năng sống như cách phòng vệ, nhận biết những vùng cấm hay cách tiếp xúc với người lạ, tập cho con sự tự tin chia sẻ với người thân khi các em gặp vấn đề khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống.

NGÔ TUYẾT

Tin cùng chuyên mục