Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Nông dân cấy lúa bằng máy.
Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do các yếu tố bất lợi của thời tiết, dịch hại- đặc biệt là đại dịch Covid-19 gây ra, ngành Nông nghiệp lên kế hoạch nâng cao chất lượng giống, áp dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng, gieo cấy đúng thời vụ… góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Bảo đảm xuống giống chất lượng, đúng thời vụ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ Mùa năm 2021, cây lúa được tập trung xuống giống từ ngày 17.8 - 3.9 và kết thúc trước ngày 15.9 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa năng suất cao và kháng sâu bệnh như: OM 4900, OM 7347, OM 4218, Ðài thơm 8, OM 5451, OM 576, IR 50404… bảo đảm tỷ lệ cơ cấu các giống có chất lượng cao, khả năng xuất khẩu như: OM 7347, OM 4218, OM 4900, ST 24, Ðài thơm 8, OM 5451 chiếm trên 80%; các giống có chất lượng trung bình OM 576, IR 50404 chiếm dưới 15%; các giống khác chiếm dưới 5%. Ngoài ra, đối với những vùng có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nông dân cần xem xét sử dụng giống theo yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.
Sau khi kết thúc vụ Hè Thu, nông dân dành thời gian làm đất, vệ sinh đồng ruộng, thu gom rơm rạ; áp dụng lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy trên từng vùng, từng cánh đồng. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống lúa cấp xác nhận trở lên; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có năng suất và chất lượng khá, chống chịu tốt sâu bệnh hại, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; áp dụng “1 phải 5 giảm” và cơ giới hoá trong sản xuất, thu hoạch.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống từng loại cây trồng phù hợp điều kiện cụ thể tại địa phương. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ đồng ruộng, phát hiện sớm sâu bệnh gây hại để áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị.
Ðẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hoá lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sử dụng giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ để phục hồi sản xuất
Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Với chủ trương mở rộng tối đa diện tích sử dụng giống cây trồng đạt năng suất, chất lượng, áp dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá, vật tư nông nghiệp thiết yếu bảo đảm phục vụ sản xuất, không để tình trạng ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Tập trung nguồn lực bảo vệ các vùng sản xuất nông sản chủ lực an toàn dịch bệnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để vụ Mùa 2021 đạt kết quả tốt, đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo Ðề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh.
Ðẩy mạnh kiểm tra điều kiện kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng); kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để phát hiện và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất theo lịch thời vụ, cơ cấu giống, sử dụng giống lúa cấp xác nhận; hướng dẫn nông dân sạ thưa với lượng giống từ 80-100kg/ha; tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa nhằm bảo đảm sản xuất lúa vụ Mùa 2021 đạt hiệu quả cao.
Thanh tra Sở NN&PTNT tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng.
Nhi Trần
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ Mùa năm 2021, nông dân cần lưu ý một số sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, như sâu xanh, sâu tơ, dòi đục lá... gây hại trên nhóm rau cải; rầy xanh, bọ phấn, sâu xanh, ruồi đục trái và nhóm bệnh đốm lá, sương mai, thán thư, phấn trắng... gây hại khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; bệnh thán thư gây hại cây ớt; rầy xanh, bệnh đốm lá vi khuẩn gây hại cây cà, đậu bắp; dòi đục lá, sâu xanh da láng, thán thư gây hại cây hành lá…
Ðối với cây khoai mì, lưu ý bệnh bọ phấn, khảm lá, lở cổ rễ, thối củ… Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh- đặc biệt là bệnh khảm lá của ngành chuyên môn như xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực; sử dụng các giống KM94, KM140, KM505 sạch bệnh để gieo trồng; phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bọ phấn trắng trong giai đoạn mọc mầm đến 3 tháng sau khi trồng; tiêu huỷ cây khoai mì bị bệnh và tàn dư sau thu hoạch.
Ðối với cây bắp, đề phòng sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại. Tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu ngay từ giai đoạn cây con. Khi mật số sâu cao, luân phiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Bacillus thuringiensis, Indoxacard, Spinetoram, Lufenuron, Emamectin benzoate.