Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chung tay kéo giảm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Thứ tư: 08:01 ngày 16/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra, đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và quyền được phát triển lành mạnh của phụ nữ, trẻ em.

Bị xâm hại và hệ quả

Mới 24 tuổi, nhưng chị  P.T.T.T, ngụ xã Thạnh Ðức, Gò Dầu yếu ớt, hầu như không làm được gì vì sức khoẻ bị tổn hại nặng. Ðây là hậu quả của việc chị bị bạo hành suốt một thời gian dài.

Chị kể, trước đây khi làm việc cho một quán cà phê tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Ðồng Nai, chị bị vợ chồng chủ quán liên tục bạo hành. Ðỉnh điểm là tháng 3.2020, chị bị vợ chồng chủ quán và nhiều người đánh đập, chích điện… làm chị bị gãy đốt sống cổ, giập lá lách. Sau hơn một tháng nằm viện, chị T được vợ chồng người cô đón về chăm sóc.

Người cô kể rằng, khi đó, chị T chỉ còn hơn 20kg, nói không ra tiếng. Sau thời gian chăm sóc, uống thuốc điều trị, sức khoẻ chị T đỡ hơn rất nhiều. Chuyện qua lâu, nhưng chị vẫn còn đầy vẻ hoang mang khi nhớ lại. “Bây giờ vẫn còn ám ảnh, nghĩ lại còn sợ. Tôi mong mau khoẻ lại rồi kiếm việc làm để nuôi con”- chị T nói.

Vì cuộc sống khó khăn, lại thất học nên từ nhỏ chị T làm đủ nghề để mưu sinh, sau này đi phụ bán quán cà phê, trở thành mẹ đơn thân rồi lưu lạc ra tới Ðồng Nai. Những ngày tháng bị bạo hành đã trở thành một phần ký ức đáng sợ trong cuộc đời chị T. Cơ thể rồi cũng sẽ phục hồi nhưng sẽ không còn được như xưa. Sau hơn nửa năm dưỡng bệnh, chị T vẫn sống dựa vào những người thân, việc chăm con phải nhờ vào người cô.

Không có hoàn cảnh yếu thế, thất học như chị  T, nhưng L- một cô gái đầy năng động ngụ xã Bình Minh, TP. Tây Ninh đã từng trải qua một thời gian dài khủng hoảng, mất niềm tin vào cuộc sống, do ám ảnh tâm lý bị xâm hại từ nhỏ. May mà cô không gục ngã, tự mình đứng dậy, đi học ngành mình thích, tham gia những hoạt động thiện nguyện. Cuộc sống với L như sang trang mới, không chỉ nhờ vào ý chí của bản thân, mà còn nhờ vào sự đồng cảm của nhiều người, tạo niềm tin, động lực giúp cô vươn lên.

Chung tay hỗ trợ  và kéo giảm bạo lực

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Hội hỗ trợ gần 20 vụ trẻ em bị xâm hại (xâm hại tình dục, bạo hành…). Các cấp Hội kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình và các em, cũng như hỗ trợ về mặt pháp lý. Nhiều vụ được đưa ra toà xét xử, hoặc đang điều tra theo quy định của pháp luật.

Như trường hợp chị T, khi sự việc xảy ra, các cấp HLPN vào cuộc và hỗ trợ pháp lý, chi phí khám, chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Phi Yến- Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Ðức, Gò Dầu cho biết: “Hiện nay, Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chị T. Thời gian tới, Hội sẽ tạo điều kiện cho chị T được học nghề hoặc hỗ trợ vốn khởi nghiệp để chị có việc làm, ổn định cuộc sống, chăm lo cho con nhỏ”.

Năm 2020, các cấp Hội LHPN thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với trọng tâm ưu tiên về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các cấp hội tiếp tục tổ chức truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó có các hoạt động như hỗ trợ vốn khởi nghiệp, trao học bổng tiếp sức các em đến trường; truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em, giáo dục kỹ năng sống…

Theo dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh, có ít nhất 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khoẻ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình và đạt 75% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh, 100% số người gây bạo lực gia đình được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGÐ), đặc biệt là công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình luôn được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thông qua hoạt động của các mô hình PCBLGÐ, địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, Tổ hoà giải, số điện thoại của đường dây nóng…

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 95/95 xã, phường, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 80/95 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; 73/95 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Tiểu Ðề án 4 - Ðề án 343 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch”.

Có 542 cộng tác viên gia đình kịp thời thu thập, xử lý thông tin về gia đình, trực tiếp tư vấn, hoà giải những vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn dân cư, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Cụ thể năm 2014, toàn tỉnh ghi nhận 144 vụ bạo lực gia đình thì đến năm 2019 ghi nhận 30 vụ.

Ðại diện Hội Phụ nữ xã Thạnh Ðức (bên trái) thăm hỏi chị T.

Phụ nữ, trẻ em là đối tượng dễ bị lợi dụng trở thành nạn nhân buôn bán người. Thực tế, những năm qua, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài rồi bị bạo lực, bị cưỡng bức lao động, bắt hành nghề mại dâm…

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội- Công an tỉnh, từ năm 2011 đến nay đã tiếp nhận 234 nạn nhân bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng. Các nạn nhân được hỗ trợ về y tế và tư vấn về tâm lý, pháp lý kịp thời, đúng quy định. Ðến năm 2020, có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện, được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hoà nhập cộng đồng.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn xã hội về công tác trẻ em; tăng cường thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Ðẩy mạnh phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật có liên quan đến xâm hại trẻ em, vận động toàn xã hội tích cực thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục